Giảm viêm da và xơ hóa do xạ trị bằng kem bôi chứa Superoxide dismutase

Ngày đăng: 02/01/2020 Lượt xem 5678
GS. TS. Mai Trọng Khoa
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Xạ trị (Radiotherapy) là một trong các phương pháp điều trị ung thư phổ biến cùng với nhiều phương pháp khác như phẫu thuật, hóa chất. Xạ trị được sử dụng như là một phương pháp phẫu thuật hay điều trị toàn thânvà mang lại kết quả điều trị rất tốt trong cải thiện triệu chứng, điều trị triệt căn cùng với phẫu thuật. Bên cạnh hiệu quả điều trị thì xạ trị cũng gây ra một số tác dụng phụ, phụ thuộc vào cơ quan hay vùng bị chiếu xạ, phân liều xạ, mức độ nhạy cảm của mô và cơ quan. Tác dụng phụ của xạ trị có thể biểu hiện cấp tính và hoặc lâu dài. Các tác dụng phụ cấp tính liên quan như viêm sưng, phù mô vùng chiếu xạ. Biểu hiện tùy thuộc vào vùng cơ quan bị chiếu xạ. Ví dụ, như là khi chiếu xạ vùng bụng có thể gây đau bụng, buồn nôn và nôn. Ở vùng cổ gây đau rát họng, viêm thực quản khi chiếu xạ vùng ngực. Hoặc các rối loạn đại tiểu tiện do chiếu xạ vùng tiểu khung. Hầu hết các triệu chứng này giảm dần sau khi kết thúc xạ trị. Hậu quả lâu dài do tia xạ gây ra là xơ hóa mô cơ quan do các phản ứng viêm giải phóng yếu tố hoạt hóa viêm như TNF alpha, IL-6, IL-1. Kết quả tác động lên quá trình tổng hợp và biệt hóa của các fibroblast, chất nền ngoại bào, mạch máu… ở da và mô liên kết dưới da. Quá trình này bắt đầu từ ngay khi xạ trị hoặc kéo dài tiếp tục vài tháng đến vài năm. Ngoài các tác dụng phụ đề cập đến ở trên, một số độc tính của xạ trị liên quan đến cơ quan vùng chiếu xạ. Đầu tiên giảm hay mất khả năng sinh sản khi tinh hoàn hay buồng trứng là các cơ quan rất nhạy cảm với tia xạ đặc biệt ở trẻ em hay những bệnh nhân ung thư trẻ tuổi. Độc tính trên tim ở những bệnh nhân như ung thư vú, hay u lympho Hodgkin, các ung thư khác mà xa trị có liên quan đến vùng ngực. Nguy cơ ung thư thứ 2 có thể liên quan đến tiển sử xạ trị trước đó. Ví dụ như trong nghiên cứu từ năm 1973–2002 của Mariotto và cộng sự cho thấy nguy cơ xuất hiện ung thư thứ 2 là 8% ở những bệnh nhân có điều trị tia xạ trước đó. Chính vì vậy, khi lập kế hoạch xạ trị cân nhắc đến lợi ích và nguy cơ, giảm tác dụng phụ như là tăng liều xạ vào mô u và giảm liều xạ ở mô lành, các biện pháp che chắn bảo vệ cơ quan không xạ trong khi bệnh nhân xạ trị.
Trong xạ trị tác dụng phụ hay gặp nhất là viêm da do tia xạ (radiation dermatitis) và xơ hóa do xạ trị (Radiation Fibrosis).
Viêm da do tia xạ thường xảy ra trong quá trình xạ trị, thường bắt đầu sau khi xạ trị được 14-20Gy. Liều xạ trị tăng lên thường sẽ khiến viêm da nặng lên. Còn xơ hóa da hay gặp ở những vị trí xạ trị như đầu mặt cổ, vú… xơ hóa thường xảy ra muộn nên thường chưa được chú ý để phòng ngừa sớm. Theo một số nghiên cứu thì tỉ lệ viêm da lên đến 80%, và 70% xơ hóa ở bệnh nhân xạ trị đầu mặt cổ. Các tác dụng phụ này gây ra đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như quá trình điều trị. Xơ hóa gây hạn chế vận động, cứng cổ, cứng cơ bắp,…
Những giải pháp mới luôn được tìm kiếm và ứng dụng để chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình xạ trị… Các quốc gia như Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha,… các bác sĩ đã và đang sử dụng những giải pháp bôi với các hoạt chất có tính chống oxi hóa cũng như chống viêm, để giảm thiểu tác dụng phụ của liệu pháp xạ trị.
Kem bôi SODermix, với hoạt chất chính là enzyme superoxide dismutase, đang được xem xét như là một giải pháp mới trong phòng ngừa và điều trị viêm da và xơ hóa xạ trị. Trên thị trường Việt Nam, đây cũng là sản phẩm cung cấp một giải pháp chống oxi hóa, chống viêm tác động đến các ti thể trong tế bào.
Tác dụng của kem bôi superoxide dismutase trong viêm da xạ trị:
Viêm da xạ trị, khác với các loại viêm da khác, nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm là do quang hóa. Trong viêm da xạ trị, nhận thấy sự sản sinh quá mức các gốc tự do oxi hóa, đi kèm với đó là sự tăng sản xuất hàm lượng các cytrokine gây viêm: IL-1,IL-6, TGF-β, TNF-α,… Trong khi các gốc tự do làm khởi phát và duy trì quá trình viêm cũng như tăng chết tế bào, thì việc tăng quá nhiều cytokine gây viêm sẽ dẫn đến tổn thương mô, tổn thương tế bào đáy, tổn thương nội mô và tổn thương mạch máu. Với tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, Superoxide Dismutase giúp tái cân bằng lại sinh lý da bằng cách giảm hàm lượng các cytokine gây viêm, khử các gốc tự do oxy hóa được sinh ra, giúp giảm tình trạng viêm da, giảm đau đớn và tái tạo lại tế bào da đã bị tổn thương.
Vào năm 2008, bác sĩ Alvaro Manzanas Garcíacùng các cộng sự nghiên cứu sử dụng kem bôi Superoxide Dismutase để điều trị cho các bệnh nhân viêm da do xạ trị: 57 bệnh nhân, viêm da cấp độ 2 trở lên, được bôi ngày 2 lần kem superoxide dismutase, sử dụng trong 12 tuần. Kết quả cho thấy: sau khi kết thúc xạ trị, 77,1% bệnh nhân cải thiện viêm da một phần hoặc hoàn toàn. Sau 12 tuần: 100% bệnh nhân không còn độc tính trên da.
Có một số nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả của superoxide dismutase trong điều trị viêm da do xạ trị, kết quả 100% bệnh nhân được khỏi hoàn toàn viêm da sau 3 tháng sử dụng kem bôi.
Tác dụng của kem bôi superoxide dismutase trong xơ hóa xạ trị
Cho đến nay, việc phòng ngừa và điều trị xơ hóa chủ yếu sử dụng vật lý trị liệu.
Xơ hóa được xem như là một quá trình tạo sẹo, trong đó myofibroblast – nguyên bào sợi cơ, đóng một vai trò thiết yếu. Myofibroblast màu trắng đục, cứng, kết cấu xù xì, xếp chồng chéo, là biểu hiện chính của xơ hóa.

 
Sự tổng hợp Collagen bình thường và sau khi xạ trị

Sau khi xạ trị, có sự xuất hiện của chuỗi các cytokine: TGF-β1, PDGF, Il-1, TNF-α… và đặc biệt là sản sinh một lượng lớn các gốc tự do oxy hóa. Các yếu tố này làm tăng sản các ma trận ngoại bào, gia tăng kích cỡ và số lượng xơ hóa.
5 tác động của Superoxide Dismutase lên xơ hóa:
- Giảm hàm lượng các gốc tự do oxy hóa.
- Giảm hàm lượng TGF-β1 và các cytokine gây viêm.
- Ngăn ngừa sự lắng đọng của ma trận nội bào và tăng sinh myofibroblast.
- Chuyển myofibroblast về dạng fibroblast.
- Phục hồi lại sinh tổng hợp collagen.
Với 5 tác động đó, kem bôi Superoxide Dismutase giúp giảm đau đớn, giảm vùng xơ hóa, tái tạo nguyên bào sợi, cũng như phòng ngừa xơ hóa do xạ trị.
Vào năm 2004, bác sĩ F. Campana cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về hiệu quả của kem bôi Superoxide Dismutase trong việc giảm xơ hóa trên các bệnh nhân ung thư vú được bôi kem superoxide dismutase 2 lần /ngày trong 6 tháng. 2 tiêu chí đánh giá: mức độ xơ hóa và mức độ đau. Kết quả: Mức độ xơ hóa: Tỷ lệ xơ hóa mức nặng nhất giảm từ 29,5% xuống 0%; Mức độ đau: Mức độ 4 của đau: giảm từ 72,7% xuống 2,3%. 50% bệnh nhân cho thấy giảm vùng da bị xơ hóa, 64% bệnh nhân được giảm đau hoàn toàn. Hơn 92% bệnh nhân cảm thấy thoải mái rõ rệt.
Việc sử dụng kem bôi chứa superoxide dismutase sẽ giúp bệnh nhân giảm tình trạng xơ hóa hiệu quả sẽ giúp bệnh nhân giảm đau đơn và tăng cường vận động cơ tốt hơn.
Sử dụng kem bôi superoxide dismutase, cần sử dụng theo khuyến cáo như sau:
-  Với chỉ định viêm da:
+ Bôi một lớp mỏng trước khi chiếu xạ ít nhất một giờ.
+ Sau khi chiếu xạ, bôi ngay một lớp mỏng lên vùng da ảnh hưởng
+ Các ngày sau đó, bôi ngày 2 lần.
+ Sử dụng trong suốt đợt điều trị xạ trị.
+ Nên kéo dài điều trị trong 12 tuần.
- Với chỉ định xơ hóa:
+ Bôi một lớp mỏng lên vùng bị xơ hóa.
+ Massage kỹ để kem thấm sâu vào.
+ Đối với xơ hóa <2 năm, ngày bôi 2 lần nên sử dụng trong 3 tháng.
+ Đối với xơ hóa >2 năm, ngày bôi 3-4 lần nên sử dụng trong 6 tháng.
Tài liệu tham khảo:
1. Putnik R, Stadler P, Schäfer C, Koelbl. Enhanced radiation sensitivity and radiation recall dermatitis (RRD) after hypericin therapy – case report and review of literature Radiation Oncology 2006, 1:32doi:10.1186/1748-717X-1-32.
2. Johansson S et al. - Timescale of evolution of late radiation injury after post-operative radiotherapy of breast cancer patients. Int J Radiat Oncol Biol Phys 2000;48:745-50 2.
3. Muller K, Meineke V. Radiation-induced alterations in cytokine production by skin cells. Exp Hematol 2007; 35: 96–104.
4. Manzanas García A, López Carrizosa MC, Vallejo Ocaña C, Samper Ots P, Delgado Pérez JM, Carretero Accame E, Gómez Serranillos P, Morena del Valle L. Superoxide dismutase (SOD) topical use in oncologic patients: treatment of acute cutaneous toxicity secondary to radiotherapy. Clin Transl Oncol 10:163-167, 2008.
5. Anonymous. Effects of ionizing radiation on human skin. Clefs CEA, nº48, 2003
6. Campana F et al. Topical superoxide dismutase reduces post-irradiation breast cancerfibrosis. J Cell. Mol. Med. 8(1):109-116, 2004.
7. Mariotto AB, Rowland JH, Ries LA, et al. Multiple cancer prevalence: a growing challenge in long-term survivorship. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 2007; 16:566.
8. Marks LB, Yorke ED, Jackson A, et al. Use of normal tissue complication probability models in the clinic. Int J Radiat Oncol Biol Phys 2010; 76:S10.
ungthubachmai.vn

Tin liên quan