Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Phương pháp tiếp cận mới bằng cách truyền tế bào miễn dịch đặc hiệu đột biến gen ung thư

Ngày đăng: 29/06/2018 Lượt xem 3353
Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã phát triển cách thức tiếp cận mới để điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư: truyền tế bào miễn dịch tự thân đặc hiệu với các đột biến gen ung thư. Bằng cách này, họ đã điều trị thành công cho một bệnh nhân ung thư vú không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó. Kết quả nghiên cứu này mới được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 04/06/2018.

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng một số phần nhất định của hệ miễn dịch con người để chống lại bệnh như ung thư. Điều này có thể được thực hiện theo cách kích thích hệ thống miễn dịch tự thân, hoặc bổ sung các thành phần hệ thống miễn dịch (protein miễn dịch) để tấn công các tế bào ung thư. Đối với các loại ung thư khác nhau, liệu pháp miễn dịch có hiệu quả khác nhau, có thể áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Một các tiếp cận mới trong điều trị miễn dịch là truyền tế bào miễn dịch, trong đó các tế bào miễn dịch (tế bào T) được tách từ bệnh nhân hoặc người cho, nuôi cấy in vitro (khi nuôi cấy có thể biến đổi di truyền, tăng cường khả năng nhận diện kháng nguyên,…) trước khi truyền trở lại vào cơ thể bệnh nhân. Phương pháp này đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư hắc tố (bệnh lý có nhiều loại đột biến gen khác nhau), tuy nhiên ít quả quả ở các bệnh ung thư biểu mô phổ biến như ung thư dạ dày, thực quản, buồng trứng, vú,… (có mức độ đột biến thấp hơn).

Trong một thử nghiệm lâm sàng pha 2 đang diễn ra, nhóm nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã sử dụng các tế bào lympho thâm nhập khối u (tumor-infiltrating lymphocyte) đặc hiệu với các đột biến gen ung thư  để đánh giá khả năng thu nhỏ kích thước khối u ở bệnh nhân mắc các ung thư biểu mô phổ biến. Tiến sỹ – bác sỹ Steven A. Rosenberg, trưởng khoa phẫu thuật – Trung tâm Nghiên cứu Ung thư – Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi phát triển phương pháp hiệu quả cao để xác định các đột biến gen có mặt trong mỗi loại ung thư được hệ thống miễn dịch thừa nhận. Đây là phương pháp mới điều trị miễn dịch phụ thuộc đột biến chứ không phải loại ung thư, đây là một chiến lược mà chúng ta có thể sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư”.

Trong thử nghiệm lâm sàng này, một bệnh nhân ung thư vú di căn không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó (hóa trị, nội tiết) đã được hưởng lợi từ phương pháp điều trị mới. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự gen một trong những khối u cùng với mô bình thường để xác định những đột biến gen nào đặc trưng cho ung thư của bệnh nhân này, và xác định được 62 gen đột biến khác nhau trong các tế bào ung thư. Tiếp theo, họ đã thử nghiệm các dòng tế bào lympho khác nhau của chính bệnh nhân đó trong điều kiện in vitro để tìm ra những dòng nhận diện được các protein đột biến. Sau khi xác định được những tế bào lympho thâm nhập khối u nhận diện được 4 protein đột biến, họ đã nuôi cấy chúng và truyền trở lại cho bệnh nhân. Để ngăn chặn các yếu tố của tế bào ung thư bất hoạt tế bào T vừa truyền vào, bệnh nhân cũng được sử dụng thêm thuốc ức chế điểm kiểm tra miễn dịch pembrolizumab. Kết quả sau 22 tháng điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, không còn các triệu chứng lâm sàng, không phát hiện khối u trên phim CT. Kết quả điều trị đã được công bố trên tạp chí uy tín Nature Medicine ngày 4 tháng 6 năm 2018.



Kết quả chụp 1 tuần trước điều trị (hình trái) cho thấy nhiều vị trí tổn thương: trung thất, nách trái, gan. Sau 22 tháng điều trị (hình phải), các tổn thương đã hoàn toàn biến mất.


Tiến sỹ Tom Misteli, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư – Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Đây là một báo cáo ca lâm sàng minh họa nổi bật, một lần nữa cho thấy sức mạnh của liệu pháp miễn dịch. Nếu được khẳng định trong một nghiên cứu lớn hơn, nó được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi của liệu pháp tế bào T đến nhiều bệnh ung thư hơn”.

Trong khi đó, kết quả đáp ứng tương tự cũng được ghi nhận ở những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư biểu mô khác (ung thư gan, đại trực tràng) trong cùng thử nghiệm này. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Rosenberg cho rằng đây là kết quả rất quan trọng vì phương pháp truyền tế bào miễn dịch thường thất bại với các loại ung thư biểu mô. Đồng thời, ông khẳng định: “Bức tranh lớn ở đây là phương pháp điều trị này không phải áp dụng đối với loại ung thư cụ thể nào. Tất cả các loại ung thư đều có đột biến gen, và đó là những gì chúng tôi đang tấn công bằng liệu pháp miễn dịch. Thật mỉa mai khi những đột biến gen gây ung thư cũng đồng thời là những mục tiêu tốt nhất để điều trị ung thư”.

Tài liệu tham khảo

1.Zacharakis N, Chinnasamy H, et al. (2018). Immune recognition of somatic mutations leading to complete durable regression in metastatic breast cancer. Nature Medicine  DOI: 10.1038/s41591-018-0040-8.

2.NIH/National Cancer Institute. "New approach to immunotherapy leads to complete response in breast cancer patient unresponsive to other treatments". ScienceDaily, 4 June 2018. .

Nguyễn Tiến Lung

Tin liên quan