Liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm: Thách thức khi chỉ định rộng hơn

Ngày đăng: 08/03/2019 Lượt xem 2394

Liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm: Thách thức khi chỉ định rộng hơn

CN. Võ Thị Thúy Quỳnh (tổng hợp và dịch)

ĐV Gen – Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Liệu pháp tế bào lympho T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm là phương pháp tiềm năng của liệu pháp miễn dịch đặc hiệu, được xem như là bước đột phá trong điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư ác tính.

Tổng quan về liệu pháp tế bào lympho T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm

Liệu pháp miễn dịch tế bào T sử dụng các tế bào T được tách xuất từ máu ngoại vi của bệnh nhân, sau đó biến đổi gen trong phòng thí nghiệm để mang những thụ thể kháng nguyên đặc hiệu khối u, hay các thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CARs – Chimeric Antigen Receptors) trên bề mặt. Trong đó, dạng khảm là dạng được lai từ ít nhất 2 cá thể khác nhau. Các tế bào T này được truyền ngược lại cho bệnh nhân và tương tác chính xác với kháng nguyên trên bế bào ung thư của người bệnh và tiêu diệt tế bào ung thư một cách đặc hiệu.

3407

Hình 1: Quá trình sản xuất và sử dụng tế bào CAR-T trong điều trị ung thư (Nguồn: Norvartis)

Thách thức khi chỉ định rộng liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm

Tuy mang lại hy vọng trong điều trị căn bệnh ung thư ác tính, liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Đầu tiên là giá thành cho một đợt chữa trị vẫn còn quá cao. Năm 2017, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA – the US Food and Drug Administration) phê duyệt hai loại thuốc là Tisagenlecleucel - CTL019 (Kymriah; Novartis) và Axicabtagene ciloleucel (Yescarta; Kite Pharma) được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm thế hệ thứ nhất. Cụ thể, chi phí điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc tisagenlecleucel là $475 000 và với thuốc axicabtagene ciloleucel là $373 000; tuy nhiên, đây mới chỉ là chi phí dành riêng cho các sản phẩm thuốc và không tính đến các chi phí liên quan đến trị liệu bạch cầu, điều trị bạch huyết, và các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T. Một phần dẫn đến giá thành cao này là việc sản xuất tế bào CAR-T vẫn còn trong giai đoạn đầu nghiên cứu và phải được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, không sản xuất hay áp dụng hàng loạt như những phương pháp khác; quá trình sản xuất vẫn còn chậm.

Hiện tại, các tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm chủ yếu nhắm vào CD19 – một kháng nguyên bề mặt đặc hiệu cho lympho B. Phương pháp cho thấy hiệu quả tiềm năng của thử nghiệm điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh ung thư bạch cầu và u lympho như: ung thư bạch cầu lympho B cấp tính tái phát, ung thư bạch cầu mãn tính, u lympho không Hodgkin với tỉ lệ thuyên giảm bệnh từ 70 đến 94% trong các thử nghiệm khác nhau. Mặc dù vậy, số lượng này còn quá nhỏ so với số lượng bệnh nhân mắc ung thư có khối u rắn (solid tumors). Sử dụng liệu pháp tế bào T để điều trị các khối u rắn gặp khó khăn khi xác định các kháng nguyên bề mặt, vì các kháng nguyên đích trên bề mặt khối u rắn cũng biểu hiện trên các mô bình thường. Ngoài ra, liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm đi kèm theo hội chứng giải phóng cytokine (cytokine-release syndrome) và nhiều triệu chứng khác được ghi nhận như sốt, hạ huyết áp, mê sảng, co giật, phù phổi, …; quá nhiều cytokine và không điều trị các tác dụng phụ kịp thời có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Một số bệnh nhân mắc ung thư bệnh cầu điều trị bằng liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm bị tái phát do mất kháng nguyên, hay tế bào ung thư bạch cầu của họ không còn biểu hiện CD19. Như vậy liệu pháp ban đầu là nhắm mục tiêu kép để đối phó với tổn thất kháng nguyên. Các tế bào T nhắm vào CD19 và CD22 hay CD19 và CD123 đang được phát triển có thể ngăn ngừa sự mất kháng nguyên.

Tóm lại, liệu pháp tế bào T là một tiến bộ lớn trong điều trị các khối u ác tính cũng như các loại khối u không thể chữa trị khác. Chi phí điều trị cao cùng với việc sử dụng tế bào T liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng là thách thức với liệu pháp mới này. Hiện nay liệu pháp đang sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. Hy vọng trong tương lai, liệu pháp tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm sẽ được chỉ định rộng trong điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn muộn.

Bài viết được lược dịch từ bài “CAR T-Cell Therapies: Broader Indications, Bigger Problems?” của Leonard B. Saltz, MD được đăng trên Medscape Oncology ngày 29 tháng 6 năm 2018.

Tài liệu tham khảo

  1. Hernandez I, Prasad V, Gellad WF. Total costs of chimeric antigen receptor T-cell immunotherapy. JAMA Oncol. 2018 Apr 26
  2. D'Aloia MM, Zizzari IG, Sacchetti B, Pierelli L, Alimandi M. CAR-T cells: the long and winding road to solid tumors. Cell Death Dis. 2018; 9:282
  3. Ruella M, Barrett DM, Kenderian SS, et al. Dual CD19 and CD123 targeting prevents antigen-loss relapses after CD19-directed immunotherapies. J Clin Invest. 2016; 126:3814-3826
  4. Sameh Gabalia, et al. “Cancer Immunotherapy with Chimeric Antigen Receptor (CAR) T-Cells”. Medscape. Medscape Oncology, 4 May 2018 <https://emedicine.medscape.com/article/2500108-overview#a1>;

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan