Lịch sử Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 20/11/2008 Lượt xem 23605
Từ xuất phát ban đầu là Tổ nghiên cứu chuyên đề phóng xạ y học trải qua 40 năm,  lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN&UB) có thể chia thành ba giai đoạn:

-    Giai  đoạn hình thành và phát triển khoa Y học hạt nhân.

-    Giai đoạn thành lập, xây dựng và phát triển thành Khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu.

-    Giai đoạn phát triển, mở rộng thành Trung tâm YHHN & Ung bướu. 

Sau đây là tóm tắt quá trình xây dựng cơ sở, trang thiết bị, phát triển nhân lực và những thành tích hoạt động qua từng giai đoạn đó.

1.    Giai đoạn hình thành và phát triển khoa Y học hạt nhân (Từ 1970 đến 5/2003)

Năm 1970, tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế quyết định thành lập  Tổ nghiên cứu chuyên đề phóng xạ y học, đây là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc Việt nam nghiên cứu  ứng dụng các đồng vị phóng xạ trong y học. Được sự hỗ trợ của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước và sự ủng hộ tích cực của Giáo sư Hoàng Đình Cầu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, năm 1971 các dược chất phóng xạ đầu tiên được nhập vào nước ta từ Liên Xô, Ấn độ . Do việc bước đầu nghiên cứu ứng dụng các đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh thu được kết quả tốt đẹp, năm 1972 số cán bộ nhân viên được tăng lên dần và nhân lực bao gồm cả biên chế thuộc Trường đại học Y Hà nội và Bệnh viện Bạch mai. Thời kỳ này chiến tranh phá hoại đang diễn ra ác liệt, hoàn cảnh của đất nước có rất nhiều khó khăn. Anh chị em trong tổ đã tranh thủ tìm các máy móc ghi đo phóng xạ cũ của Viện vật lý và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, của Tổng cục địa chất không chuyên dụng cho y học, tranh thủ sự giúp đỡ chuyên môn của cán bộ vật lý hạt nhân, điện tử, cơ khí ở các cơ sở đó để sửa chữa, lắp ráp, cải tiến và đưa các phương tiện ghi đo đó vào lâm sàng. Cơ sở làm việc ban đầu của Tổ nghiên cứu   là khu vực hầm ngầm dưới nhà A1, A3. Đến năm 1973, cơ sở  làm việc được chuyển lên mặt đất với một phòng khám YHHN và các phòng máy  tại khoa Lao cũ và nhà kho cấp 4 được cải tạo lại, mặc dù vậy điều kiện hoạt động lúc này đã có  thuận lợi hơn . Công tác  chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân và thực hiện các đề tài nghiên cứu phát triển. Tổ đã hình thành các  nhóm công tác, đã tổ chức các đoàn đi hoạt động dã ngoại ở các vùng bướu cổ miền núi, các địa phương. Có nhiều báo cáo khoa học và công trình nghiên cứu thuộc chuyên ngành YHHN được giới thiệu ở các hội nghị và đăng ở các tạp chí chuyên môn trong nước.

Sau một thời gian hoạt động, được sự quan tâm và giúp đỡ của Ban giám đốc Bệnh viện Bạch mai, đặc biệt là Phó giáo sư Bác sỹ Đỗ Doãn Đại, giám đốc Bệnh viện lúc đó, Tổ nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ đã phát triển nhanh chóng. Nhờ hiệu quả công việc cao, đến năm 1974, Bộ Y tế ra quyết định thành lập Đơn vị nghiên cứu chuyên đề phóng xạ y học do Bác sỹ Phan Văn Duyệt làm trưởng đơn vị và Phó tiến sỹ Phan Sỹ An làm phó đơn vị. Các công việc nghiện cứu, ứng dụng kỹ thuật YHHN trong chẩn đoán bệnh phát triển nhiều trong cá chuyên khoa như Ngoại, Nội khoa, Thận Tiết niệu, Sản khoa, Huyết học, Vi sinh vật…

Nhận thấy hiệu quả hoạt động tốt và do nhu cầu của bệnh nhân, Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ra quyết định đổi tên Đơn vị nghiên cứu chuyên đề thành Khoa Y học hạt nhân độc lập từ ngày 01 tháng 04 năm 1978 do Phó giáo sư Phan Văn Duyệt làm Trưởng khoa. Về tổ chức Đảng, mới đầu các Đảng viên sinh hoạt ghép ở chi bộ liên khoa. Từ 1989 thành lập chi bộ Đảng Khoa Y học hạt nhân độc lập. 

Về trang thiết bị Bộ Y tế đã cung cấp thêm một số máy móc chuyên dụng. Thông qua Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Khoa cũng nhận được một số trang thiết bị chuyên khoa y học hạt nhân, tiếp nhận nhiều dự án viện trợ kỹ thuật của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA ) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bệnh viện cũng đã nâng cấp các cơ sở hạ tầng và cải thiện điều kiện làm việc. Năm 1979, Khoa được xây dựng thêm một nhà cấp 4 với diện tích 120 m2 trên nền nhà kho cũ của Bệnh viện, hệ thống điện nước được cải tạo, cơ sở làm việc ngày càng khang trang, rộng rãi hơn.   

Năm 1984, toà nhà 3 tầng kiên cố với diện tích 1400 m2 bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào năm 1987. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế tiếp tục có những dự án trợ giúp, đặc biệt là máy xạ hình vạch thẳng Rectilinear Scaner, máy đo bức xạ gamma chuyển mẫu tự  động dùng cho định lượng miễn dịch phóng xạ RIA để thực hiện dự án RAS/6/011 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế  (IAEA ). Đây là nơi đầu tiên ở nước ta có trang bị để có thể tiến hành định lượng phóng xạ miễn dịch (RIA). Kỹ thuật này cho phép định lượng chính xác đến nanogram/lít và picogram/lít một số nội tiết tố và hợp chất sinh học để chẩn đoán các bệnh nội tiết và ung thư.

Theo những dự án viện trợ và trong khuôn khổ chương trình đào tạo nguồn nhân lực, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA ) tạo điều kiện cho nhiều cán bộ của Khoa và Bộ môn tham dự nhiều khoá huấn luyện ngắn ngày (training courses, workshops …) và tham quan học tập tại nhiều nước khác nhau ( Liên Xô cũ, Ấn Độ, Hungary, Đức, Ba Lan, Thuỵ Điển vv...). Bộ Y tế cũng cử  thêm một số cán bộ đi đào tạo dài hạn ở các nước Đông Âu.

Lúc này cơ sở vật chất trang thiết bị và nhân lực khá hùng hậu và đồng bộ. Dược chất phóng xạ được Bộ Y tế cung cấp từ nguồn tài chính trực tiếp đã đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân  của Khoa và sau đó hỗ trợ cho các cơ sở địa phương khác. Các Dược chất phóng xạ đó thường được nhập từ Liên Xô cũ, Ba Lan, Hungary, Ấn Độ. Thời gian này Khoa YHHN thực hiện các  chức năng nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Chẩn đoán và điều trị bằng kỹ thuật y học hạt nhân cho các bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời làm chức năng tuyến cuối cùng về y học hạt nhân trong cả nước. 

*) Về chẩn đoán khoa đã thực hiện các kỹ thuật sau:

- Tuyến giáp:  đo độ tập trung iốt và các nghiệm pháp liên quan, định lượng hormon T3, T4, TSH và ghi hình tuyến giáp.

- Máu và cơ quan tạo máu: với kỹ thuật đánh dấu hồng cầu bằng 51Cr đã xác định thể tích máu, đời sống hồng cầu, tăng phá huỷ hồng cầu trong hội chứng cường lách. Khoa cũng đã dùng đồng vị phóng xạ 59Fe để đánh giá bệnh thiếu máu do thiếu sắt, đánh giá suy tuỷ xương, ghi hình lách v.v. 

- Hệ tiêu hóa: làm được các nghiệm pháp đánh giá chức năng thải độc của gan bằng Rose Bengale gắn 131I, ghi hình gan bằng keo vàng phóng xạ ( 198Au ), đánh giá rối loạn hấp thụ mỡ bằng các acid béo đánh dấu và nghiệm pháp Schilling với vitamin B12 đánh dấu phóng xạ.

- Thận tiết niệu: ghi thận đồ phóng xạ bằng Hippuran đánh dấu 131I, ghi hình thận bằng các hợp chất thích hợp đánh dấu 99mTc, xác đinh lượng Natri trao đổi ở các bệnh nhân phù thận, viêm đường tiết niệu…

- Về hệ thần kinh, hô hấp và xương khớp: việc chẩn đoán chủ yếu thông qua ghi hình phóng xạ bằng các dược chất phóng xạ thích hợp đánh dấu 99mTc.

*) Về điều trị: năm 1978 tiến hành điều trị bệnh cường giáp bằng 131I và sau đó là bệnh đa hồng cầu bằng 32P. Số lượng bệnh nhân cường giáp đòi hỏi điều trị tăng nhiều. Nhờ tính hiệu quả và an toàn của phương pháp  việc điều trị cường giáp bằng 131I đã được tiến hành đều đặn. Cho đến nay, hàng ngàn bệnh nhân đã được tổng kết, theo dõi cho thấy kết quả tốt có tỉ lệ cao, tỉ lệ tái phát và nhược giáp thấp, tương tự với  kết quả ở nhiều cơ sở y học hạt nhân khác của nước ngoài. 

- Cùng với Bộ môn Y học hạt nhân, Trường Đại học Y khoa Hà Nội giảng dạy chuyên môn YHHN  cho các đối tượng đại học và sau đại học.

Bộ môn Y học hạt nhân, Đại học Y Hà nội được thành lập vào năm 1987, với  cơ sở thực hành tại Khoa Y học hạt nhân bệnh viện Bạch Mai và nhân sự thuộc biên chế nhà trường do Phó giáo sư Phan Văn Duyệt (từ 1992 là giáo sư) là Trưởng Bộ môn. Các cán bộ nhân viên của bộ môn cùng làm việc hàng ngày tại Khoa. Đây là Bộ môn  duy nhất trong cả nước đào tạo về chuyên khoa y học hạt nhân, thuộc trường Đại học Y.

Kết quả làm việc của tập thể cán bộ nhân viên của Khoa đã tạo điều kiện để được công nhận 02 Phó tiến sỹ đặc cách ( Phan Văn Duyệt, Trần Xuân Trường) và hoàn thành 01 luận án Phó tiến sỹ (Mai Trọng Khoa). Một số cán bộ của Khoa và Bộ môn được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài về chuyên khoa này. Tại Khoa và Bộ môn một số học viên  đã có điều kiện thực hiện các đề tài NCKH để đạt được những bằng cấp nhất định như tiến sỹ,  thạc sỹ, chuyên khoa I, chuyên khoa II về Y học hạt nhân.
Ngoài ra, suốt thời gian qua, Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo và bổ túc cho nhiều cán bộ chuyên khoa. Các cán bộ chủ chốt về y học hạt nhân hiện nay ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Bệnh viện 108 quân đội, Đà Nẵng,Lâm đồng, Nghệ an, Thái nguyên v.v. đều được đào tạo tại đây. Một số lớn các bác sỹ chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa cấp I y học hạt nhân cũng được đào tạo và tốt nghiệp tại đây.

-  Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

Khoa đã phối hợp với các khoa lâm sàng và cận lâm sàng khác của Bệnh viện bạch mai, các bộ môn của Trường Đại học Y Hà Nội hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu trong khuôn khổ 2 đề tài cấp Bộ:

- Đề tài ứng dụng đồng vị phóng xạ vào y học từ những năm 1974 đến  1979.

- Đề tài nâng cao kỹ thuật y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị 1982 đến 1987.

Các thành tích nghiên cứu đã được tập hợp và công bố. Đánh dấu giai đoạn đó, GS. Phan Văn Duyệt và tập thể đã được tặng huy chương " Lao động sáng tạo " của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Thông qua sự giúp đỡ của Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC), Khoa đã có được sự trợ giúp quốc tế và mở rộng quan hệ song phương. Đến lúc này, quan hệ chủ yếu đang là nhận viện trợ, tham gia học tập và dự các khoá huấn luyện chưa có sự hợp tác cụ thể. Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đã cử Trưởng Khoa Phan Sỹ An làm điều phối viên cho một chương trình hợp tác vùng của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA ) và từ 1995 được giao nhiệm vụ Điều phối viên quốc gia các dự án RAS/6/028, RAS/6/038. Labo định lượng phóng xạ miễn dịch của Khoa là cơ sở chủ yếu thực thi nhiệm vụ định lượng nồng độ TSH trong giấy thấm khô để phát hiện sớm nhược giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh của dự án RAS/6/032 của IAEA. Năm 2000 Khoa YHHN cũng được nhận hợp đồng nghiên cứu từ IAEA qua dự án VIE 11. 494 về nghiên cứu  điều trị ung thư tuyến giáp bằng I-131. Khoa đã tăng cường các mối quan hệ quốc tế, đón tiếp nhiều đoàn khách nước ngoài, nhiều đại diện các công ty trong và ngoài nước đến thăm, thuyết trình, trao đổi và cung cấp  một số thiết bị, sách báo. Các cán bộ của Khoa được mời đi dự hội nghị khoa học về Y hạt nhân và tham gia thuyết trình, báo cáo khoa học ở Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Hàn quốc ... , một số cán bộ được đi bổ túc thêm về chuyên môn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc ... . Nhiều cán bộ của Khoa và Bộ môn đã có các mối quan hệ hợp tác chuyên môn với các nhà khoa học Nhật bản, Hàn quốc, Pháp , Hoa kỳ… 

- Chỉ đạo ngành:  đã giúp Bộ y tế  chỉ đạo và xây dựng hệ thống chuyên khoaYHHN  trong toàn quốc.

Với tư cách là chuyên khoa đầu ngành, Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo cán bộ, chỉ đạo kỹ thuật và giúp đỡ nhiều mặt để xây dựng và phát triển nhiều cơ sở YHHN ở các địa phương. Đến nay, cả nước có hơn 20 cơ sở YHHN sử dụng đồng vị phóng xạ trong ngành y tế.

Khoa đặc biệt lưu ý đến công tác an toàn bức xạ . Nhờ có một số thiết bị máy đo liều của CHDC Đức, máy rà ô nhiễm của Liên Xô, cán bộ của Khoa đã theo dõi công việc này. Năm 1982, khoa đã nhận 01 dự án hỗ trợ về an toàn bức xạ từ Viện an toàn phóng xạ Thuỵ Điển. Đến nay  việc đo liều cá nhân cho  nhân viên bức xạ đã tiến hành thường xuyên.

Mặc dù hoạt động của Khoa đã mang lại lợi ích thiết thực trong những thập kỷ 70-80 nhưng do hạn chế về trang thiết bị chuyên dụng và tất cả các dược chất phóng xạ đắt tiền đều phải nhập ngoại nên các kỹ thuật hạt nhân chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu của các Khoa lâm sàng. 

Cuối năm 1993, Bộ Y tế quyết định cử PGS. TSKH. Phan Sỹ An, Trưởng bộ môn Y vật lý Trường Đại học Y Hà Nội về kiêm nhiệm làm Trưởng Khoa YHHN. Tuy về tổ chức lúc này có được củng cố, một số nhân viên cán bộ được tăng cường, tình hình nội bộ ổn định hơn nhưng những khó khăn về thiết bị chưa được cải thiện. Bộ Y tế chưa có điều kiện đầu tư thêm, sự viện trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA ) và Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam hầu như đã chấm dứt từ năm 1987. Lúc này Khoa có 6 bác sỹ và 1 PGS. TSKH, 1 TS, 1 thạc sỹ, 1 kỹ sư, 2 cử nhân vật lý, 2 cán bộ đại học khác, 12 y tá và kỹ thuật viên, 3 hộ lý, ngoài ra công tác tại Khoa còn có các cán bộ, nhân viên của Bộ môn gồm 1 GS. TS, 2 PGS.TS, 3 thạc sỹ, 2 kỹ thuật viên và 1 y công. Khoa tổ chức thành các tổ công tác sau đây: 

-    Tổ chẩn đoán thường quy.
-    Tổ điều trị lâm sàng .
-    Tổ chẩn đoán in vitro ( RIA & IRMA ).
-    Tổ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật mới bao gồm cả kỹ thuật không phóng xạ như siêu âm, CT...
-    Tổ an toàn phóng xạ.
-    Nhóm dược chất phóng xạ.

Trong hoàn cảnh đó, tập thể Khoa cùng Bộ môn tiếp tục động viên nhau khắc phục khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ và làm việc hiệu quả. Đó là tiếp tục thực hiện việc thăm dò chức năng tuyến giáp bằng các xét nghiệm in vivo, kể cả ghi hình tuyến giáp, đẩy mạnh việc điều trị cường giáp bằng 131 I , tăng số lượng và duy trì chất lượng các xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ. Hàng năm thực hiện thăm khám, hội chẩn và xét nghiệm cho hàng ngàn bệnh nhân, định lượng bằng kỹ thuật phóng xạ miễn dịch ( RIA, IRMA ) cho hàng ngàn mẫu máu và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân.

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cùng Bộ môn Y học hạt nhân, Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục nhận đào tạo và bổ túc chuyên khoa cho cán bộ của các tuyến dưới như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An …tham gia các đối tượng sau đại học như cao học, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và tạo điều kiện cho một số cán bộ chuyên khoa hoàn thành luận án TS, cao học, chuyên khoa, phối hợp với Học viện Quân y và Khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong công tác đào tạo.

Khoa giúp đỡ các cơ sở bạn trong công việc chuyên môn như xét nghiệm phóng xạ miễn dịch ( RIA, IRMA ) của Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, Khoa Y học hạt nhân của Viện Quân y 103, Bệnh viện Nội tiết trung ương… Lãnh đạo Khoa giúp đỡ chuyên môn và tư vấn cho Bộ chỉ đạo trong việc thành lập Khoa Y học hạt nhân ở Bệnh viện Việt Nam – Ba Lan, Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba ở Đồng Hới, Bệnh viện Nội tiết trung ương… 

Khoa được Bộ Y tế  giao cho nhiệm vụ chỉ đạo chuyên khoa, hoàn thiện các quy trình quy phạm và chức trách chế độ chuyên môn.  Vì vậy, Khoa đã giúp thanh tra bộ y tế đi kiểm tra ở các địa phương. Cán bộ Khoa cũng tham gia tích cực vào việc hoàn chỉnh các văn bản liên quan đến an toàn bức xạ. Khoa cũng đã tổ chức đều đặn các  khoá tập huấn về an toàn bức xạ cho cán bộ quản lý và thanh tra viên ở các tỉnh, trong đó có chuyên gia Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trực tiếp giảng dạy. Hiện nay công việc này đang được Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân đảm nhiệm. Khoa và Bộ môn là đầu mối trong quan hệ của ngành y tế với các ngành khoa học kỹ thuật khác về năng lượng nguyên tử VN.

Cán bộ của Khoa là hạt nhân tích cực trong việc củng cố lại hội chuyên khoa. Năm 1995, tại Đại hội của Hội điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam lần thứ 3, lần thứ 4 (năm 2000) và lần thứ 5 (2004), 3 cán bộ của Khoa và Bộ môn đã trúng cử vào Ban chấp hành Hội, trong đó PGS. TSKH Phan Sỹ An Trưởng Khoa được bầu làm Phó chủ tịch Hội điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam và là Chủ tịch phụ trách phân hội Y học hạt nhân. Cán bộ Khoa tiếp tục hoạt động tích cực cho công việc của Hội.

Khoa tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác trong việc nghiên cứu, đào tạo và phục vụ các cơ sở bạn như Bệnh viện Nội tiết trung ương, Viện Quân Y 108, Học viện Quân y 103, Viện Nhi Thuỵ Điển… 

Lãnh đạo của Khoa đã nhiều lần tường trình và kiến nghị với lãnh đạo các Vụ, Ban giám đốc Bệnh viện và Bộ y tế về chiến lược xây dựng phát triển chuyên khoa Y học hạt nhân ở Việt nam, về kế hoạch nâng cấp Khoa Y học hạt nhân hiện tại, về việc xây dựng chuyên khoa Y học hạt nhân trong Trung tâm y tế kỹ thuật cao ở Bệnh viên Bạch Mai.

Năm 1996, TS Trần Đình Hà, cán bộ cũ của Khoa đi NCS về YHHN tại Hungary tốt nghiệp trở về tăng cường thêm cán bộ chuyên môn cho Khoa.

Năm 2001, Bộ Y tế điều động đồng chí Hoàng Thuỷ Hồ sang nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện Nội tiết trung ương và sau đó bổ nhiệm Thạc sỹ Hoàng Văn Tuyết làm Phó trưởng khoa.

Từ năm 2002 được Ban giám đốc Bệnh viện cho phép, Ban chủ nhiệm Khoa và Bộ môn đã tích cực hoạt động và đưa về hoạt động tại Khoa một số trang thiết bị hiện đại mà quan trọng nhất là máy CT Scanner  và máy ghi hình phóng xạ SPECT. Sự kiện đột phá đó đã mang lại cho Khoa một không khí và nội dung hoạt động phong phú hơn và tạo cơ sở cho những ý tưởng mới sau này ở Khoa và Bệnh viện.

Nhờ sự hoạt động tích cực của các cán bộ chủ chốt trong Khoa và Bộ môn như PGS.TSKH. Phan Sỹ An, PGS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS. TS Trần Xuân Trường và TS. Trần Đình Hà, VAEC đã ủng hộ để các cán bộ đó được làm điều phối viên quốc gia một số dự án của IAEA. Từ 2002, Khoa bắt đầu áp dụng kỹ thuật Y học hạt nhân để điều trị bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa. Từ đó đến nay, Khoa đã khắc phục nhiều khó khăn về cơ sở vật chất để tiến hành thành công kỹ thuật điều trị phối hợp bằng 131I cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá. IAEA đã công nhận kết quả  tốt đẹp của Khoa và ký hợp đồng nghiên cứu khoa học VIE.11.194 trong chương trình hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều báo cáo khoa học đã được trình bầy ở hội nghị và đăng ở các tạp chí chuyên môn trong, ngoài nước  

Năm 2003, một cán bộ của Khoa - Bộ môn là PGS. TS. Mai Trọng Khoa là đại diện của Hội YHHN Việt nam làm uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng hợp tác Y học hạt nhân khu vực Châu Á (ARCCNM ) mà Việt  nam  là thành viên chính thức.

Theo dự án RAS/6/028, nhiều cán bộ được tham dự các lớp huấn luyện nâng cao tay nghề về các kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại. Labo miễn dịch phóng xạ của Khoa được chọn làm cơ sở duy nhất trong cả nước tham gia dự án RAS/6/032 của IAEA do GS. Nguyễn Thu Nhạn, Bệnh viện Nhi trung ương làm chủ nhiệm trong sàng lọc phát hiện sớm suy giáp trạng bẩm sinh qua kỹ thuật định lượng siêu nhạy TSH trên giọt máu thấm khô. Labo đã thực hiện hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm từ các nơi trong cả nước gửi đến và chất lượng đã được Phòng kiểm chuẩn quốc tế NEQ ở London, Anh Quốc và Texas, Hoa Kỳ cấp chứng chỉ công nhận. 

2. Giai đoạn thành lập, xây dựng và phát triển khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu (Từ 5/2003 đến 12/2008).

Đầu năm 2003 Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch mai đã được Bệnh viện giao thêm nhiệm vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu. Theo đề nghị của Ban giám đốc Bệnh viện Bạch mai ngày 12 tháng 05 năm 2003, Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Khoa Y học hạt nhân và điều trị ung bướu trên cơ sở Khoa Y học hạt nhân cũ của Bệnh viện Bạch Mai. 

Từ đó, chỉ tiêu giường bệnh cũng được tăng lên (từ 10 lên 70 giưòng), nội dung công việc phong phú hơn. Khoa được bổ nhiệm thêm 2 Phó trưởng khoa nữa là PGS.TS. Mai Trọng Khoa và TS. Trần Đình Hà. Cơ sở của Khoa được sửa chữa, nâng cấp toàn diện. Hoạt động của Khoa sôi động hẳn lên, chỉ tiêu sử dụng giường bệnh thường đạt trên 130 %. Số lượng bệnh nhân đến khám, làm xét nghiệm ( siêu âm, định lượng miễn dịch phóng xạ và kỹ thuật y học hạt nhân ), bệnh nhân điều trị nội trú và theo dõi ngoại trú tăng lên rất nhiều. Hoạt động chuyên môn của Khoa và Bộ môn, công tác đào tạo nghiên cứu khoa học và chỉ đạo các tuyến dưới cũng phong phú hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và nhân viên được cải thiện.

Tháng 10 năm 2004, Bộ Y tế ra quyết định để PGS.TSKH. Phan Sỹ An tập trung làm công tác chuyên môn nên thôi giữ chức trưởng Khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu của Bệnh viện và vẫn đảm đương trách nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Y học hạt nhân của Trường Đại học Y Hà Nội và hỗ trợ, tư vấn với tư cách chuyên gia y học hạt nhân của cả nước. Tháng 01 năm 2005,  PGS.TS. Mai Trọng Khoa được giao nhiệm vụ Trưởng khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu. Tháng 8 năm 2005 ThS. Hoàng Văn Tuyết  Phó trưởng khoa được Bệnh viện điều động sang công tác tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

Cuối năm 2005 việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở được hoàn thành, Khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu đã có một cơ sở hoàn toàn đổi mới rộng rãi,  khang trang hơn, thiết bị và nội dung hoạt động phong phú và tốt đẹp hơn, xứng đáng với vai trò của nó. Bộ Y tế và Bệnh viện đã có phương án đầu tư thêm để xây dựng khoa YHHN và Ung bướu hoàn chỉnh thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ trong giai đoạn mới . Đến thời điểm tháng 1 năm 2006 khoa YHHN & ĐTUB BV. Bạch mai có tổng số 28 CBCC, PGS.TS. Mai Trọng Khoa làm Trưởng khoa, TS. BS. Trần Đình Hà Phó trưởng khoa và 1 ThS, 4 BSCKI, 3 KS vật lý, 2 CN, 2 KTV, 11 Y tá ĐD, 3 Y công  luôn sát cánh cùng 10 CBCC của Bộ môn YHHN Đại học Y Hà nội do PGS. TSKH. Phan Sỹ An làm Trưởng bộ môn đã hoàn thành chức năng nhiệm vụ của khoa YHHN & ĐTUB mà  Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch mai giao phó. Đó là chức năng nhiệm vụ của một khoa vừa lâm sàng vừa cận lâm sàng trong cả hai chuyên nghành YHHN và Ung bướu. 

Tháng 10 năm 2007, PGS.TS. Mai Trọng Khoa được bổ nhiệm giữ chức Phó giám  ốc bệnh viện Bạch Mai.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được tập thể và một số các nhân của khoa đã khen thưởng của: 

-  Giám đốc bệnh viện Bạch mai tặng Giấy khen: Tập thể lao động xuất sắc 2005, 2006, 2007, 2008
- Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai quyết định công  nhận: Danh hiệu Công đoàn bộ phận vững mạnh năm 2001.
- Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen : Đạt thành tích đợt thi đua chào mừng ngày 27/2/2006, Thành tích lao động xuất sắc năm 2007; Giải 3 Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ 23 năm 2009.
- PGS. TS. Mai Trọng Khoa, phó giám đốc bệnh viện, trưởng khoa đã nhiều lần nhận được giấy khen,  bằng khen của Giám đốc bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế  về những thành tích xuất sắc trong công tác và lãnh đạo đơn vị.
- TS. Trần Đình Hà, Phó trưởng khoa đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 2006, 2007, 2008 đã được giám đốc bệnh viện tặng giấy khen và Bộ trưởng Y tế tặng bằng khen, tháng 11 năm 2009 được nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư.

3. Giai đoạn mở rộng và nâng cấp thành Trung tâm YHHN & Ung bướu ( Từ 12/2008 đến nay).

3.1. Quá trình mở rộng và phát triển thành Trung tâm YHHN và UB.    

Đến cuối năm 2007, để đáp ứng đòi hỏi phát triển các kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh của nhân dân, khoa YHHN&ĐTUB đã được trang bị thêm một số thiết bị mới như máy xạ hình SECT, hệ thống chụp PET/CT, máy chụp CT mô phỏng, máy xạ trị gia tốc tuyến tính LINAC thế hệ mới,  máy xạ phẫu Gamma quay. Bên cạnh những kỹ thuật YHHN và Điều trị ung bướu đã triển khai thường quy từ trước, với các thiết bị mới này các kỹ thuật hiện đại nhất về  YHHN như SPECT, PET/CT và các kỹ thuật xạ trị  tiến tiến nhất như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ phẫu bằng dao gamma quay đã được triển khai áp dụng và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho người bệnh. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng đông. Nhân lực của khoa cũng đã được tăng cường thêm 8 Bác sỹ tốt nghiệp Nội trú chuyên ngành ung thư, 2 bác sỹ đa khoa, 10 Điều dưỡng. Chỉ tiêu giường bệnh cũng được gia tăng thành 100 giường bệnh nội trú. 

Khoa YHHN&ĐTUB đã thực sự phát triển cả về quy mô, tổ chức, các lĩnh vực hoạt động và chất lượng chuyên môn. Đáp ứng nhu cầu của sự phát triển để phục vụ người bệnh, phục vụ công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và các mặt công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế Đảng uỷ và Ban giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã đề nghị Bộ Y tế cho mở rộng và phát triển khoa YHHN&ĐTUB thành Trung tâm YHHN&UB. Ngày 22/12/2008 Bộ Y tế ra quyết định thành lập Trung tâm YHHN&UB bệnh viện Bạch Mai trên cơ sở khoa YHHN&ĐTUB cũ. 

Hiện tại Trung tâm YHHN&UB BV. Bạch Mai là cơ sở có trang thiết bị hiện đại, đồng bộ với cơ cấu và chức năng nhiệm vụ như sau:

-    Nhân lực: Giám đốc Trung tâm: PGS. TS. Mai Trọng Khoa; Phó giám đốc Trung tâm: PGS. TS. Trần Đình Hà, TS. Lê Chính Đại; ThS. BS. 11; BSCKI 4; BSCK 02; KS: 03; KTV: 11; CN Điều dưỡng 05; ĐD Trung cấp: 47; Y công: 03 và các cán bộ của Bộ môn YHHN Đại học Y Hà Nội gồm 2 PGS. TS, 06 ThS. BS, 01 BSCK, 02 KTV và 01 Y công.

-    Cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm; Đơn vị YHHN chẩn đoán, Đơn vị YHHN điều trị, Đơn vị PET/CT, Ban an toàn và kiểm soát bức xạ, Đơn vị hóa –Dược phóng xạ, Đơn vị điều trị ung thư bằng hóa chất, Đơn vị xạ trị, Đơn vị điều trị ung thư bằng phẫu thuật, Đơn vị điều trị chống đau và chăm sóc giảm nhẹ, Đơn vị Gen trị liệu, Đơn vị tư vấn và phổ biến kiến thức ung thư, Bộ phận hành chính – quản trị. 

-    Trung tâm có chi bộ Đảng gồm 10 Đảng viên trong sạch vững mạnh, Tổ công đoàn và Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động sôi nổi tích cực.

-    Trung tâm có chức năng nhiệm vụ: thực hiện công tác chuyên môn chẩn đoán và điều trị bệnh bằng kỹ thuật YHHN; Chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu; Nghiên cứu khoa học; Đào tạo giảng dạy; Chỉ đạo tuyến; Hợp tác quốc tế. 

3.2. Một số thành tựu đã đạt được: 

Trên tinh thần phát huy truyền thống, kế thừa và phát triển, trong thời gian qua, mặc dù thời gian hình thành và triển khai chưa dài nhưng trung tâm YHHN và UB đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác chẩn  đoán và điều trị:   

Dưới đây là một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới mà Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-bệnh viện Bạch Mai đã thực  hiện được: 

-    Hệ thống máy PET/CT (PET: Positron Emisson Tomography - Máy xạ hình cắt lớp bằng bức xạ positron). Đây là một trong những thiết bị ghi hình chẩn đoán hiện đại nhất trên thế giới, lần đầu tiên có ở bệnh viện Bạch Mai. Máy PET/CT là công cụ đặc biệt quan trọng giúp người thầy thuốc chẩn đoán sớm và chính xác ung thư, phát hiện ung thư tái phát hay di căn và một số bệnh lý của tim mạch, thần kinh… Ứng dụng kỹ thuật chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay được triển khai áp dụng tại Trung tâm YHHN&UB.

-    Lần đầu tiên ở Việt Nam, Trung tâm YHHN và UB. đã áp dụng thành công việc sử dụng hình ảnh PET/CT mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị điều biến liều (IMRT) với máy gia tốc tuyến tính để điều trị cho bệnh nhân ung thư. Kỹ thuật này lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Trên thế giới chỉ các nước phát triển mới áp dụng được kỹ thuật này. Ngay cả các nước trong khu vực châu á cũng chỉ có một số nước thực hiện được kỹ thuật này. Nhờ máy PET/CT mà quá trình lập kế hoạch xạ trị điều biến liều được chính xác, hiệu quả, an toàn…

-    Triển khai mới và lần đầu tiên ở bệnh viện Bạch Mai kỹ thuật xạ hình bằng 2 máy SPECT một và 2 đầu thu (máy xạ hình cắt lớp đơn photon: Single photon Emisson Tomography): thiết bị này dùng để ghi hình các cơ quan và quét (scan) toàn thân giúp chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư di căn, tái phát sau điều trị và một số bệnh lý khác... 

-    Triển khai, lắp đặt đưa vào sử dụng hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến (LINAC) gắn với hệ thống CT mô phỏng (CT Sim) với kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT: Intensity modulated radiation therapy). Kỹ thuật xạ trị điều biến liều IMRT là một trong những kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính hiện đại nhất trên thế giới lần đầu tiên được đưa vào và áp dụng thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bạch Mai để điều trị cho bệnh nhân ung thư. Kỹ thuật xạ trị IMRT mới chỉ áp dụng được ở các nước phát triển và một số nước trong khu vực. 

-    Triển khai, lắp đặt đưa vào sử dụng hệ thống máy xạ phẫu bằng dao gamma quay (Rotating Gamma Knife) của Hoa Kỳ gắn với hệ thống CT mô phỏng, MRI mô phỏng. Đây là thiết bị duy nhất có ở Việt Nam, nhiều nước trong khu vực Châu Á và trên thế giới chưa có thiết bị này. Dao gamma quay là thiết bị xạ phẫu hiện đại nhất trong thế hệ các dao gamma hiện có trên thế giới . Đến nay hàng nghìn bệnh nhân bị u não, một số bệnh lý sọ não khác đã được cứu sống, chữa khỏi, điều trị có kết quả bằng phương pháp xạ phẫu gamma quay nói trên mà không pahir ra nước ngoài điều trị.

-    Đã triển khai và đưa vào áp dụng thành công nhiều quy trình, phác đồ điều trị Y học hạt nhân (sử dụng các chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh nhân) có hiệu quả tại bệnh viện Bạch Mai, sau đó triển khai ra nhiều bệnh viện khác trong cả nước như điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng chất phóng xạ (I-131), điều trị ung thư di căn xương bằng P-32... Đến nay đã có hàng nghìn bệnh nhân ung thư kể trên đã được điều trị thành công và an toàn. Nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp, cường giáp trạng… đã được chữa khỏi, sinh con và trở về lao động, sinh hoạt bình thường. 

-    Đưa vào áp dụng nhiều phương pháp điều trị ung thư tại bệnh viện Bạch Mai. Đến nay đã có hàng nghìn bệnh nhân ung thư và một số bệnh khác đã được điều trị thành công bằng việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, đặc biệt là các phác đồ hóa chất mới, cập nhật của thế giới.

Sự trưởng thành và hoạt động của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu luôn gắn liền với sự quan tâm và đầu tư của lãnh đạo Bộ, Đảng uỷ và Ban giám đốc Bệnh viện Bạch mai, sự ủng hộ của các khoa, phòng, ban trong Bệnh viện và sự hợp tác, giúp đỡ của các Bệnh viện bạn. 

Nhờ những thành tích xuất sắc đã đạt được năm 2009 Tập thể Trung tâm và Giám đốc Trung tâm PGS.TS. Mai Trọng Khoa đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.