U não

Ngày đăng: 14/07/2009 Lượt xem 10291

Một mạng lưới các dây thần kinh có chức năng truyền thông tin qua lại giữa não và những phần còn lại của cơ thể. Một số dây thần kinh chạy trực tiếp từ não đến mắt, tai, và những phần khác của đầu. Các dây thần kinh khác chạy qua tủy sống để nối não với những phần còn lại của cơ thể. Bên trong não và tủy sống, các tế bào thần kinh đệm bao bọc quanh các tế bào thần kinh và giữ chúng ở tại chỗ.

Não điều khiển những hoạt động chúng ta muốn làm (chẳng hạn như đi và nói) và những hoạt động mà cơ thể thực hiện không cần suy nghĩ (như thở). Não cũng chịu trách nhiệm cho các giác quan (nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi), trí nhớ, cảm xúc, và tính cách.

Có 3 phần chính của não kiểm soát những hoạt động khác nhau:

·         Đại não: Là phần lớn nhất của não, nằm phía trên cùng. Nó sử dụng những thông tin thu thập được từ các giác quan để thông báo cho chúng ta biết những gì đang xảy ra xung quanh và hướng dẫn cơ thể cách đáp ứng lại với chúng như thế nào. Nó kiểm soát chức năng đọc, suy nghĩ, học hỏi, nói chuyện và cảm xúc.

Đại não được chia ra làm 2 bán cầu não: phải và trái kiểm soát những hoạt động khác nhau. Bán cầu não phải kiểm soát các cơ ở phía bên trái cơ thể còn bán cầu não trái kiểm soát các cơ ở phía bên phải cơ thể.

·         Tiểu não: Tiểu não nằm phía dưới đại não ở phần sau của não. Tiểu não có chức năng kiểm soát thăng bằng và những động tác phức tạp như đi và nói.

·         Thân não: Thân não nối não với tủy sống. Nó kiểm soát cảm giác đói và khát. Ngoài ra nó còn kiểm soát hô hấp, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, và những chức năng cơ bản của cơ thể.

 

TÍNH CHẤT CỦA U NÃO

Ung thư

Ung thư có khởi nguồn từ các tế bào, là những khối cơ bản tạo thành các mô. Các mô tạo thành các cơ quan của cơ thể.

Bình thường các tế bào lớn lên và phân chia để tạo ra các tế bào mới khi cần thiết. Khi các tế bào già đi, chúng sẽ chết và những tế bào mới thay thế chỗ của chúng.

Đôi khi tiến trình này bị trục trặc. Các tế bào mới được tạo ra ngay cả khi cơ thể không cần đến và các tế bào cũ không chết đi. Những tế bào thừa ra này có thể tạo ra một khối mô được gọi là các khối u.

U não lành tính và ác tính

U não có thể lành tính hoặc ác tính.

·         U não lành tính là những u não không chứa các tế bào ung thư:

o    Thông thường các u não lành tính có thể được lấy ra ngoài và thường không phát triển trở lại.

o    Bờ hay đường viền của các u não lành tính có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng. Các tế bào của u lành không xâm hại các mô xung quanh và cũng không phát triển lan sang những phần khác của cơ thể. Tuy nhiên, u lành có thể đè ép lên những vùng nhạy cảm của não và gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

o    Không giống như u lành ở hầu hết những khu vực khác của cơ thể, u lành của não đôi khi cũng có thể gây đe dọa tính mạng.

o    Rất hiếm gặp trường hợp u não lành tính trở nên ác tính.

·         U não ác tính là những u não có chứa các tế bào ung thư:

o    U não ác tính thường nghiêm trọng hơn và đe dọa mạng sống.

o    Chúng có thể phát triển nhanh chóng và xâm lấn những mô não bình thường xung quanh.

o    Trong một số ít trường hợp, các tế bào ung thư có thể lan ra ngoài khối u sang những phần khác của não, đến tủy sống, hoặc thậm chí đến cả những khu vực khác của cơ thể. Sự lan rộng của ung thư được gọi là sự di căn.

o    Đôi khi, u ác không xâm lấn vào mô lành. Khối u có thể nằm trong một lớp mô. Hoặc xương sọ hay những cấu trúc khác bên trong đầu có thể giam hãm nó lại bên trong. Đây là những loại khối u có vỏ bọc.

Độ biệt hóa

Các bác sĩ đôi khi phân loại u não theo độ biệt hóa (grade), từ biệt hóa thấp (biệt hóa độ I - grade I) đến biệt hóa cao (biệt hóa độ IV - grade IV). Độ biệt hóa của khối u dựa vào hình ảnh của tế bào được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Những tế bào từ khối u có độ biệt hóa cao sẽ có hình dạng bất thường hơn và thường phát triển nhanh hơn những tế bào từ những khối u có độ biệt hóa thấp.

 

CÁC LOẠI U NÃO

U não nguyên phát

Những khối u có khởi nguồn từ mô não được gọi là u nguyên phát của não. U não nguyên phát được đặt tên dựa vào loại tế bào hoặc khu vực của não nơi bắt nguồn của khối u.

U não nguyên phát thường gặp nhất là u thần kinh đệm, chúng có bắt nguồn từ các tế bào thần kinh đệm bao gồm nhiều loại:

·         U sao bào (Astrocytoma) - Khối u xuất phát từ những tế bào thần kinh đệm có hình ngôi sao được gọi là u sao bào. Ở người lớn, u sao bào thường gặp ở đại não. Ở trẻ em, chúng thường gặp ở thân não, đại não, và tiểu não. U sao bào độ III đôi khi được gọi là u sao bào mất biệt hóa (anaplastic astrocytoma). U sao bào độ IV thường được gọi là u nguyên bào thần kinh đệm đa hình (glioblastoma multiforme).

·         U thần kinh đệm thân não - Khối u xuất hiện ở phần thấp của não, thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ và những người ở độ tuổi trung niên.

·         U màng nội tủy (Ependymoma) - Khối u xuất phát từ các tế bào lớp mặt trong thân não hoặc ống trung tâm của tủy sống. Thường gặp nhất ở trẻ em và người trẻ.

·         U thần kinh đệm ít nhánh - Loại u hiếm gặp này thường bắt nguồn từ các tế bào tạo thành lớp mỡ bao xung quanh và bảo vệ cho các dây thần kinh. Loại u này thường xuất hiện ở đại não. Chúng phát triển chậm và thường không lan sang các mô não xung quanh. Chúng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên.

Một số loại u não không có xuất xứ từ các tế bào thần kinh đệm. Những loại thường gặp nhất là:

·         U nguyên tủy bào - Thường xuất hiện ở tiểu não và là loại u não thường gặp nhất ở trẻ em. Đôi khi nó còn được gọi là u ngoại bì thần kinh nguyên thủy (primitive neuroectodermal tumor)

·         U màng não - U xuất phát từ màng não, thường tiến triển chậm.

·         U tế bào Schwann - Là loại u có nguồn gốc từ tế bào Schwann. Đây là các tế bào phủ dây thần kinh kiểm soát thăng bằng và chức năng nghe. Dây thần kinh này nằm bên trong tai. Khối u này còn có tên là u dây thần kinh thính giác. Nó xuất hiện nhiều nhất ở người lớn.

·         U sọ hầu - Phát triển ở vùng nền sọ, gần tuyến yên, thường gặp ở trẻ em.

·         U tế bào mầm - Khối u có nguồn gốc từ tế bào mầm. Hầu hết u tế bào mầm ở não gặp ở những người trẻ hơn 30 tuổi. Loại thường gặp nhất của u tế bào mầm là  u mầm (germinoma).

·         U vùng tuyến tùng - Hiếm gặp, xuất phát tại hoặc gần tuyến tùng. Tuyến tùng nằm giữa đại não và tiểu não.

U não thứ phát

Khi ung thư lan từ vị trí khởi đầu của nó đến những vùng khác của cơ thể, những khối u mới sẽ xuất hiện có cùng một loại tế bào bất thường và cùng một tên với khối u nguyên thủy. Ung thư lan đến não từ những vùng khác của cơ thể khác với các u não nguyên phát. Khi các tế bào ung thư lan đến não từ những cơ quan khác (chẳng hạn như phổi hoặc vú), các bác sĩ có thể sẽ gọi những khối u não này là u thứ phát hoặc u di căn. U não thứ phát ở não ít gặp hơn nhiều so với những u nguyên phát.

 

NGUYÊN NHÂN VÀ NGUY CƠ

Không ai biết chính xác nguyên nhân gây u não. Các bác sĩ đôi khi giải thích cho bệnh nhân lý do vì sao người này lại bị u não còn người kia lại không. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là u não không lây nhiễm. Một người không thể bị nhiễm bệnh u não từ một người khác.

Các nghiên cứu cho thấy những người có một số yếu tố nguy cơ dễ bị u não hơn những người khác. Yếu tố nguy cơ là bất kỳ điều gì làm gia tăng khả năng xuất hiện bệnh.

Những yếu tố nguy cơ sau có liên quan đến sự gia tăng khả nặng bị u não nguyên phát:

·         Nam giới - Thông thường, u não thường gặp ở nam hơn nữ. Tuy nhiên, u màng não lại gặp ở nữ nhiều hơn nam.

·         Chủng tộc - U não thường gặp ở những người da trắng nhiều hơn những chủng tộc khác.

·         Tuổi - Hầu hết các trường hợp u não được phát hiện ra ở những bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, u não lại là loại ung thư nhiều thứ 2 ở trẻ em (sau ung thư máu). U não thường gặp ở trẻ dưới 8 tuổi nhiều hơn các trẻ khác.

·         Tiền căn gia đình - Những người có người thân bị u tế bào đệm dễ bị u não hơn.

·         Tiếp xúc với phóng xạ hoặc một số chất hóa học trong khi làm việc:

o    Chất phóng xạ - Những công nhân ở các nhà máy hạt nhân có nguy cơ cao bị u não.

o    Formaldehyde - Những nhà bệnh học và những người ướp xác làm việc với formaldehyde bị gia tăng nguy cơ ung thư não. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được sự gia tăng nguy cơ bị ung thư não ở những dạng tiếp xúc với formaldehyde khác.

o    Vynyl chloride - Những công nhân làm nhựa có thể bị tiếp xúc với vynyl chloride làm tăng nguy cơ bị u não.

o    Acrylonitrile - Những công nhân dệt và nhựa có thể bị tiếp xúc với acrylonitrile làm tăng nguy cơ bị ung thư não.

Các nhà khoa học hiện đang điều tra xem điện thoại di động có thể gây u não không. Tuy nhiên các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa phát hiện được sự gia tăng nguy cơ bị u não ở những người dùng di động.

Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục nghiên cứu xem chấn thương đầu có phải là yếu tố nguy cơ của não không. Cho đến nay, những nghiên cứu này vẫn chưa phát hiện được sự gia tăng nguy cơ ở những người đã từng bị chấn thương đầu.

Hầu hết những người có các yếu tố nguy cơ đã được biết nhưng lại không bị ung thư não. Mặt khác, nhiều người bị ung thư não nhưng lại không có yếu tố nguy cơ nào cả. Nếu bạn nghĩ bạn đang có nguy cơ bị ung thư, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị một số cách để làm giảm nguy cơ và đề ra một lịch khám kiểm tra thường xuyên cho bạn.

 

TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng của u não tùy thuộc vào kích thước, loại và vị trí của khối u. Những triệu chứng cũng có thể xảy ra khi khối u đè vào dây thần kinh hoặc làm tổn thương một số khu vực của não. Chúng cũng có thể xảy ra do não bị phù nề hoặc do dịch tích tụ bên trong sọ.

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất của u não:

·         Nhức đầu (thường nặng hơn vào buổi sáng)

·         Nôn hoặc buồn nôn

·         Thay đổi giọng nói, thị giác, hoặc thính giác.

·         Gặp vấn đề về giữ thăng bằng khi đi lại.

·         Thay đổi tâm trạng, tính cách, hoặc khả năng tập trung.

·         Gặp vấn đề về trí nhớ.

·         Co giật hay co rút cơ (cơn tai biến hoặc cơn co giật)

·         Tê hoặc ngứa ở cánh tay hay chân

Những triệu chứng này không phải là dấu hiệu chắc chắn của u não mà cũng có thể gặp ở những bệnh khác. Nếu gặp những triệu chứng trên, bạn nên đi khám bệnh ngay khi có thể. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều trị được chúng.

 

CHẨN ĐOÁN

Nếu bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ u não, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện một hoặc nhiều thủ thuật sau đây:

·         Khám tổng quát -  bác sĩ sẽ kiểm tra những dấu hiệu sức khỏe thông thường

·         Khám thần kinh - bác sĩ sẽ khám sự tỉnh táo, sức cơ, sự phối hợp, phản xạ và đáp ứng với cảm giác đau. Bác sĩ cũng sẽ khám mắt để xem có bị phù nề do khối u chèn ép vào dây thần kinh nối giữa mắt và não hay không.

 

 

·         CT scan - Máy X quang kết hợp với vi tính để chụp một loạt hình ảnh chi tiết bên trong đầu. Bệnh nhân có thể được tiêm chất cản quang để não có thể hiện rõ ràng trên hình. Hình chụp có thể cho thấy những khối u bên trong não.

·         MRI - Một nam châm rất mạnh nối với máy vi tính để cho ra một loạt những hình ảnh chi tiết của những khu vực bên trong cơ thể. Những hình ảnh này có thể quan sát trên màn ảnh hoặc in ra ngoài. Đôi khi có thể cần phải tiêm thuốc cản quan để giúp phân biệt các mô khác nhau trong não. Hình chụp có thể cho thấy những khối u hoặc những vấn đề khác của não.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số phương pháp khác như:

·         Chụp mạch máu - tiêm thuốc cản quang vào máu trong các động mạch của não để chúng có thể hiện ra trên X quang. Nếu có khối u, bác sĩ có thể thấy được nó trên X quang.

·         Chụp sọ - Một số loại u não gây ứ đọng calci bên trong não hoặc thay đổi xương sọ. Các bác sĩ có thể kiểm tra những sự thay đổi trên bằng X quang.

·         Chọc dò dịch não tủy - Các bác sĩ sẽ lấy đi một mẫu dịch não tủy (là chất dịch bên trong khoang bao xung quanh não và tủy sống). Thủ thuật này được thực hiện dưới gây tê cục bộ. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim dài và nhỏ để rút dịch ra khỏi cột sống. Thủ thuật này kéo dài khoảng 30 phút. Bệnh nhân phải nằm trên mặt phẳng ngang trong 6,7 giờ sau đó để không bị nhức đầu. Dịch não tủy sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem có tế bào ung thư hoặc những dấu hiệu bất thường hay không.

·         Chụp cột sống - Chụp hình ảnh x quang của cột sống. Các bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào dịch não tủy của bệnh nhân, sau đó bệnh nhân sẽ nghiêng người để chất cản quang hòa vào dịch não tủy. Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra xem có khối u bên trong cột sống hay không.

·         Sinh thiết - Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô ra để quan sát xem có tế bào u hay không. Các nhà giải phẫu bệnh sẽ quan sát các tế bào qua kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường. Sinh thiết có thể tìm ra ung thư, những thay đổi của mô có thể dẫn đến ung thư, và những bệnh khác. Sinh thiết là cách duy nhất giúp chẩn đoán chắc chắn u não.

·         Các nhà phẫu thuật có thể lấy một mẫu mô để tìm các tế bào u theo 3 cách:

o    Sinh thiết qua kim - Các phẫu thuật viên sẽ rạch một đường nhỏ ở sọ và khoang một lỗ nhỏ vào xương sọ. Sau đó bác sĩ sẽ đưa kim qua lỗ này để lấy ra một mẫu mô từ khối u não.

o    Sinh thiết định vị 3 chiều - Một thiết bị hình ảnh, có thể là CT hoặc MRI, hướng dẫn đưa kim vào bên trong lỗ của xương sọ để đến vị trí của khối u. Phẫu thuật viên sau đó sẽ lấy ra một mẫu mô qua kim.

o    Sinh thiết trong lúc mổ - Đôi khi phẫu thuật viên sẽ lấy mẫu mô khi đang phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Đôi khi không thể sinh thiết được. Nếu khối u nằm ở thân não hoặc những vị trí nhất định khác, phẫu thuật viên sẽ không thể lấy đi một mẫu mô từ khối u mà không làm tổn thương những mô não bình thường. Các bác sĩ sẽ phải dùng MRI, CT hay những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác để thay thế.

·         Bác sĩ sẽ làm gì nếu tôi bị đau?

·         Tôi sẽ ở lại bệnh viện trong bao lâu?

·         Tôi có bị những ảnh hưởng lâu dài nào không? Tôi có mọc tóc lại được không? Có những tác dụng phụ nào do dùng kim loại thay thế xương sọ không?

·         Bao lâu thì tôi có thể quay lại sinh hoạt bình thường được?

·         Cơ hội phục hồi hoàn toàn của tôi là bao nhiêu?

Đôi khi phẫu thuật là không cần thiết. Nếu khối u ở thân não hoặc ở một số vị trí nhất định khác, phẫu thuật viên sẽ không thể lấy khối u ra ngoài mà không làm tổn thương những mô não bình thường. Bệnh nhân không thể phẫu thuật được có thể cần phải xạ trị hoặc những cách điều trị khác.

Tin liên quan