Chữa ung thư, bệnh hiểm bằng bức xạ ion hoá: Mua được máy cũng thiếu người biết dùng

Ngày đăng: 20/11/2008 Lượt xem 3440
Giá thiết bị lên đến hàng triệu đôla là một thách thức khó giải quyết khi các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, BV vừa và nhỏ muốn ứng dụng các kỹ thuật bức xạ ion hóa để chẩn đoán, điều trị ung thư; nhưng khi có máy, Việt Nam vẫn rất thiếu chuyên gia đủ trình độ để vận hành.

Ung thư di căn giai đoạn cuối vẫn còn sống sau hơn 5 năm

PGS-TS Đỗ Quốc Hùng - 62 tuổi, nguyên Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch quốc gia - là một trong nhiều bệnh nhân ung thư được ứng dụng các kỹ thuật bức xạ ion hóa hiện đại để chẩn đoán và điều trị. Từng bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tế bào ác tính đã di căn vào hệ thống xương, não, hạch..., nhưng ông đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau 4 lần ung thư tái phát di căn. "Đã có thời gian tôi hoàn toàn bình phục, có thể làm việc bình thường. Tôi đã có thể đi vào các vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Lào Cai… để khám, chữa bệnh từ thiện” - TS Hùng chia sẻ.
 
Trước đó, tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, TS Hùng được sử dụng nhiều kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật ghi hình bằng PET/CT để đánh giá tình trạng di căn, tái phát, đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị và đặc biệt là để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị bằng hình ảnh PET/CT.
 
Do bị ung thư thư di căn nhiều vị trí khác nhau, nên BS Hùng được sử dụng và phối hợp nhiều phương pháp điều trị hiện đại khác nhau như xạ trị, xạ phẫu, hóa chất toàn thân, các thuốc điều trị đích.... Với tình trạng khối u đã di căn vào não, chèn vào hốc mắt gây giảm thị lực, ông được điều trị bằng dao gamma quay - kỹ thuật có khả năng tiêu diệt khối u ở các vị trí sâu trong não hoặc ở các vị trí đặc biệt như thân não... với độ chính xác cao, nhưng lại bảo vệ tối đã các tổ chức não lành xung quanh... Với các tổn thương di căn nhiều vị trí khác nhau ở hệ thống xương, ông đã được dùng các thuốc phóng xạ hướng xương phối hợp với các thuốc chống hủy xương và xạ trị chiếu ngoài bằng máy xạ trị gia tốc...

GS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Phó Giám đốc BV - chia sẻ, trong số bệnh nhân ông từng điều trị bằng các công nghệ trên có nhiều đồng nghiệp của ông - các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, điều dưỡng. Không ít trong số đó đang làm việc và có cuộc sống bình thường.
 
PGS-TS Lê Ngọc Hà - Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108), Hà Nội, nơi có trung tâm máy gia tốc Cyclotron để sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế - cho biết: “Chúng tôi sử dụng các công nghệ mới như PET/CT để chẩn đoán ung thư, nhiều trường hợp phát hiện bệnh rất sớm. Nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp được chữa khỏi ngoạn mục bằng Ytrium 90 - kỹ thuật mà nếu không có nó, tiên lượng bệnh sẽ rất xấu”.
 
Bài toán về nhân rộng
 
Đã làm chủ được công nghệ, điều mà các chuyên gia trăn trở là làm sao tăng khả năng tiếp cận của người bệnh, nghĩa là chi phí phải “mềm” và có nhiều BV ứng dụng được. Về chi phí, với sự sáng tạo, linh hoạt trong chuyên môn và cơ chế - như thực hiện xã hội hóa - của nhiều BV, các kỹ thuật bức xạ ion hóa ở Việt Nam đã có giá rẻ hơn nhiều lần so với nước ngoài. Chẳng hạn, một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Mỹ tốn 25.000USD, tại Việt Nam chỉ khoảng 2.000USD - theo tiết lộ của GS Khoa.
 
Còn TS Hà cho biết, một lần chụp PET/CT có giá 3.000-4.000USD ở New York tại thời điểm năm 2003 và khoảng 2.000-3.000USD ở Thái Lan, Singapore hiện tại. “Ở Việt Nam, các BV 108, Đà Nẵng, Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đều áp dụng xã hội hóa với PET/CT. Hiện ở BV 108, giá mỗi lần chụp là 22 triệu đồng. Nếu có thẻ bảo hiểm y tế với mức thụ hưởng cao nhất, người bệnh chỉ đóng 3 triệu đồng” - TS Hà nói.


Bệnh nhân u não Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, Hà Tĩnh) được tháo khung trên đầu sau khi xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Loan

Về việc tăng số cơ sở y tế ứng dụng các kỹ thuật trên, thử thách rất lớn bởi chỉ một số BV lớn có thể triển khai. Số tiền đầu tư trang thiết bị vượt quá khả năng của các BV vừa và nhỏ, BV tuyến tỉnh. Trên thị trường, hệ thống dao gamma quay có giá khoảng 5 triệu USD, máy SPECT/CT khoảng 700.000USD (tương đương 16 tỷ đồng). Máy PET/CT được BV Việt Đức mua năm 2009 có giá hơn 90 tỷ đồng.
 
Để có thể trang bị chúng cho các bệnh viện, theo GS-TSKH Phan Sỹ An - Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, cần tạo bước đột phá về đầu tư, nhất là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn ODA và tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong xã hội.
 
Tuy nhiên, cho dù vấn đề kinh phí đã được giải quyết, các bệnh viện cũng sẽ khó tìm nhân lực đủ trình độ vận hành các thiết bị tối tân trên. TS Phạm Văn Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai - cho biết trung tâm đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cao cho một số BV lớn, còn các bệnh viện tỉnh khó nhận chuyển giao không chỉ vì chuyện kinh phí mua máy móc, mà còn do không có nhân lực đủ trình độ tiếp nhận. “PET/CT, dao gamma quay... là những kỹ thuật rất phức tạp mà để áp dụng, BV phải cử bác sỹ ra nước ngoài học trong 1-2 năm. Khi bắt đầu triển khai, phải phối hợp với nhiều chuyên gia liên quan” - ông Thái nói.
 
TS Hà cũng khẳng định: “Trong y học hạt nhân, vấn đề cốt lõi không chỉ có kỹ thuật, trang thiết bị mà còn là khả năng đáp ứng của người vận hành. Về kỹ thuật, chúng ta có thể ngang hoặc cao hơn một số nước, nhưng vấn đề nguồn nhân lực thì vẫn khó khăn”. Theo ông, để giải quyết vấn đề con người trong ngành y học hạt nhân, cần có sự nhập cuộc, dấn thân của các nhà hoạch định chính sách và chính những chuyên gia trong lĩnh vực này.


Tin liên quan