Công cụ “LUNG - RADS” trong tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi

Ngày đăng: 31/05/2018 Lượt xem 2932
Ung thư phổi (UTP) không những là bệnh ung thư phổ biến nhất mà còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Năm 2012, trên toàn cầu số người mới mắc ung thư khoảng 14,1 triệu trong đó ung thư phổi chiếm 1,8 triệu (13% tổng số ung thư); số tử vong hàng năm do ung thư là 8,2 triệu thì riêng UTP chiếm 1,6 triệu (khoảng 19,4% tổng số chết do ung thư). Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả hai giới, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 16,8%. Với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, việc sử dụng các công cụ để tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi đã được đặt ra cách đây khoảng nửa thế kỷ. Vậy các đối tượng nguy cơ cao nào cần phải tầm soát bệnh?

Cho đến thời điểm hiện tại. Với lịch sử nửa thế kỷ của các nghiên cứu về sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi với ban đầu là X quang ngực không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa trong việc sàng lọc. Sau đó đến những năm 70 của thế kỷ trước các nhà nghiên cứu tìm cách xét nghiệm đờm để phát hiện tế bào ác tính nhưng cũng không mang lại lợi ích [1].

Khoảng thời gian sau đó việc tìm kiếm một giải pháp để tầm soát sớm ung thư phổi vẫn được thực hiện nhưng không mang lại ý nghĩa thực tiễn trên lâm sàng. Cho đến khi có các dữ liệu từ nghiên cứu tầm soát ung thư quốc gia (National Lung Screening Trial) thì chụp cắt lớp vi tính liều thấp lồng ngực (Low dose computed tomography- LDCT) đã chứng minh hiệu quả, từ đó chụp cắt lớp vi tính liều thấp được Hội phẫu thuật lồng ngực Hoa Kỳ (American Association for Thoracic Surgery-AATS) đưa vào khuyến cáo từ năm 2012 [1], [2].

Gần đây việc cá thể hóa bệnh nhân thì xét nghiệm gen cũng được quan tâm, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chưa được chứng mình có ý nghĩa sàng lọc, tư vấn di truyền cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư phổi. Vậy nên chụp cắt lớp vi tính liều thấp lồng ngực vẫn gần như là công cụ duy nhất được khuyến cáo để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi.

Theo các khuyến cáo được sử dụng nhiều trong thực hành lâm sàng thì các bệnh nhân có nguy cơ như sau cần phải tầm soát ung thư phổi.

Nhóm 1:

- Tuổi: 55 – 74 tuổi có tiền sử hút thuốc từ trên 30 bao/năm có thể hiện tại vẫn tiếp tục hút hoặc người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua.

Nhóm 2:

- Tuổi ≥ 50, có hút thuốc trên 20 bao/năm và có một trong các yếu tố nguy cơ như: Tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi, bệnh nhân mắc các bệnh phổi trước đó như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao…bệnh nhân hiện đang mắc một bệnh ung thư, phơi nhiễm yếu tố nguy cơ ung thư phổi nhưng không phải hút thuốc lá thụ động.

Vai trò của PET/CT trong sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi.

Đã có các nghiên cứu nói về vai trò của PET/CT trong đánh giá và tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi.

Theo nghiên cứu của U. Pastorino và G. Bastarrika khi kết hợp chụp cắt lớp vi tính liều thấp lồng ngực và PET/CT đánh giá các tổn thương nốt mờ ≥7mm cho thấy độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự báo dương tính, giá trị dự báo âm tính của phương pháp lần lượt là: 69%, 91%, 90% và 71%. Các tổn thương sau đó được đánh giá lại sau 3 tháng bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp, nếu không có sự tiến triển thì giá trị dự báo âm tính có thể lên đến 100% [3], [4].

Ứng dụng Lung RADS (Reporting and data system) trong thực hành lâm sàng sàng lọc ung thư phổi.

Thông thường các phân loại nguy cơ trên chẩn đoán hình ảnh hay gặp là BI - RADS (trong tổn thương tuyến vú), TI - RADS (trong tổn thương tuyến giáp)...

Nhưng bên cạnh đó còn có 1 loạt các phân loại của các cơ quan khác với mục đích dự đoán khả năng ác tính của tổn thương như LI - RADS (trong tổn thương tại gan), C - RADS (Trong hình ảnh tổn thương của đại trực tràng trên chụp cắt lớp vi tính).... Và với tổn thương ở phổi có phân loại “Lung - RADS”.

Ý nghĩa của Lung - RADS nhằm mục đích phân tầng nguy cơ các tổn thương khối, nối mờ trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính liều thấp từ đó đưa ra những lời khuyên và tư vấn cho bệnh nhân.

Nội dung Lung - RADS [5]

Các tiêu trí đánh giá căn cứ vào:

- Đặc tính của nốt: Đặc, bán đặc, tổn thương kính mờ, vôi hóa trong nốt.

- Kích thước của các tổn thương.

- Sự xuất hiện của nốt mới trong quá trình theo dõi hay không.

Đọc kết quả:



 Kết luận:

Có nhiều hướng dẫn để tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi, tuy nhiên với hướng dẫn của Hiệp hội điện quang Hoa Kỳ (American College of Radiology) sử dụng Lung - RADS từ 2014 có nhiều ưu điểm đã giúp các bác sĩ lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh thuận lợi và đơn giản hóa trong quản lý và theo dõi những tổn thương trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực.

Tài Liệu Tham Khảo

1. D. Sharma, T. G. Newman và W. S. Aronow (2015). Lung cancer screening: history, current perspectives, and future directions. Archives of medical science: AMS, 11 (5), 1033.

2. R. Wender, E. T. Fontham, E. Barrera và cộng sự (2013). American Cancer Society lung cancer screening guidelines. CA: a cancer journal for clinicians, 63 (2), 106-117.

3. U. Pastorino, M. Bellomi, C. Landoni và cộng sự (2003). Early lung-cancer detection with spiral CT and positron emission tomography in heavy smokers: 2-year results. The Lancet, 362 (9384), 593-597.

4. G. Bastarrika, M. J. García-Velloso, M. D. Lozano và cộng sự (2005). Early lung cancer detection using spiral computed tomography and positron emission tomography. American journal of respiratory and critical care medicine, 171 (12), 1378-1383.

5. https://www.acr.org/Clinical-Resources/Reporting-and-Data-Systems/Lung-Rads

Nguyễn Tiến Đồng

Tin liên quan