Hiệu quả điều trị tân bổ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày

Ngày đăng: 20/11/2023 Lượt xem 262

Hiệu quả điều trị tân bổ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày

GS.TS. Mai Trọng Khoa1, ThS.BS. Bùi Quang Lộc1, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương1BSNT. Nguyễn Mậu Thái2, SV Nguyễn Thị Phú Mỹ3

1Trung tâm YHHN&UB, BV Bạch Mai, 2Đại học Y Hà Nội, 3Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội

Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư rất phổ biến trên thế giới. Theo thống kê từ tổ chức GLOBOCAN 2020, mỗi năm có hơn 1 triệu (1 089 103) ca mới được chẩn đoán trên toàn cầu và số lượng tử vong lên tới hơn 768 793 ca [1].  Ở Việt Nam, ung thư dạ dày là ung thư phổ biến thứ 4 với 17 906 ca mắc mới, chiếm 9,8%. Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này vẫn còn cao với 14 615 ca tử vong, chiếm 11,9% [2].

Phẫu thuật cắt dạ dày chuẩn kèm vét hạch D2 là phương pháp điều trị có vai trò chủ đạo ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng. Tuy nhiên, phần lớn ung thư dạ dày phát hiện ở giai đoạn đã có di căn, việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng như quyết định có phẫu thuật hay không ở thời điểm điểm chẩn đoán là một vấn đề khó khăn.

Vì vậy, nhằm nâng cao tỉ lệ phẫu thuật triệt căn của nhóm bệnh nhân này, điều trị tân bổ trợ đang có xu hướng được sử dụng rộng rãi, bước đầu đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm giai đoạn ung thư, từ đó tăng tỉ lệ phẫu thuật triệt căn, giảm di căn xa, tái phát và cải thiện thời gian sống của bệnh nhân [3]. Hiện nay, các nghiên cứu trên thế giới về điều trị hoá chất tân bổ trợ cho nhiều kết quả khả quan về đáp ứng điều trị, khối u và hạch co nhỏ giúp phẫu thuật thuận lợi hơn, thời gian sống thêm tốt hơn [3]. Theo nghiên cứu FLOT4-AIO, tỉ lệ bệnh nhân đạt R0 lên đến 89,6% [4]. Các hướng dẫn điều trị ung thư trên thế giới như mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) hay Hội Nội khoa ung thư Châu Âu (ESMO) cũng như hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo điều trị tân bổ trợ cho các trường hợp ung thư xâm lấn tại chỗ, tại vùng.

Chúng tôi ghi nhận và báo cáo một trường hợp lâm sàng bệnh nhân ung thư dạ dày được điều trị tân bổ trợ và đem lại hiệu quả điều trị thuận lợi tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh nhân: T.B.H                            Giới tính: Nam                                  Tuổi: 61

Ngày vào viện: 20/09/2023

Lý do vào viện: Nuốt nghẹn

Tiền sử:

-Bản thân: Suy nút xoang đã đặt máy tạo nhịp cách 5 tháng.

     Tăng huyết áp mới phát hiện cách 1,5 năm điều trị thuốc thường xuyên.

-Gia đình: Chưa phát hiện bất thường.

Bệnh sử: Cách vào viện 5 tháng, bệnh nhân thấy nuốt nghẹn, kèm nôn và buồn nôn sau ăn, mệt mỏi gầy sút 3kg trong một tháng gần đây. Bệnh nhân đi khám qua nội soi phát hiện tâm vị có khối tổn thương sùi loét dạng thâm nhiễm, lan xuống góc bờ cong nhỏ, sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa, nên được chuyển đến Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Khám lúc vào viện:

Bệnh nhân tỉnh, G: 15 điểm

Toàn trạng: PS 0

Chiều cao: 170cm               Cân nặng: 49kg                  BMI: 16,9 kg/m2 (gầy độ II)

Da niêm mạc kém hồng,

Hạch ngoại vi không sờ thấy.

Nhịp tim đều, tần số 64l/p, T1, T2 rõ.

Phổi rì rào phế nang rõ, không rale.

Bụng mềm, không chướng.

Các xét nghiệm cận lâm sàng trước điều trị:

+Huyết học: Hồng cầu: 3.89 T/l, Hb: 117 g/L, HCT: 0.35 L/L (giảm); MCV, MCH, MCHC, RDW trong giới hạn bình thường. Bạch cầu: 5,9 G/L, tiểu cầu: 237 G/L đều trong giới hạn bình thường.

+Chất chỉ điểm khối u (Tumor marker): CEA: 2.81 ng/ml, CA 72-4: 2.71 U/mL (trong giới hạn bình thường).

+Chụp CT lồng ngực: chưa phát hiện di căn xa.

+Chụp CT ổ bụng: dày thành tâm vị (dày khoảng13mm), trên đoạn dài khoảng 28mm, không rõ cấu trúc lớp, thành ống tiêu hoá.

Hạch cạnh trái động mạch chủ bụng ngang mức tâm vị khoảng 18x26mm, hạch góc tâm vị khoảng 10x13mm.

 3738 anh 1

(Hình 1: Hình chụp CT ổ bụng trước điều trị)

Chẩn đoán xác định: Ung thư tâm vị dạ dày cT4aN3Mx /Suy nút xoang đã đặt máy nhân tạo – Tăng huyết áp.

Mô bệnh học: ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa

Bệnh nhân được đánh giá không thể điều trị phẫu thuật triệt căn ở giai đoạn chẩn đoán. Sau khi hội chẩn hội đồng chuyên môn, bệnh nhân đã được chỉ định điều trị hóa chất tân bổ trợ ở bệnh nhân này. Phác đồ SOX được sử dụng.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SAU ĐIỀU TRỊ: Sau 4 đợt hóa trị:

+Lâm sàng: ổn định, đỡ nuốt nghẹn.

+Huyết học: Hồng cầu: 3.49 T/l, Hb: 113 g/L, HCT: 0.337 L/L (giảm); MCV, MCH, MCHC, RDW trong giới hạn bình thường. Bạch cầu: 4.44 G/L, tiểu cầu: 150 G/L trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân có ghi nhân hạ bạch cầu trung tính độ 2 (BCTT: 1.38 G/L) tại chu kỳ 3.

+CLVT bụng: dày lan toả thành dạ dày vùng tâm vị, chỗ dày nhất 23mm, ngấm thuốc kém sau tiêm.

+Chất chỉ điểm khối u (Tumor marker): CEA 4.33 ng/ml

 3738 anh 2

(Hình 2: Hình chụp CT ổ bụng trước sau 4 đợt điều trị hoá chất tân bổ trợ)

 Nhận xét: 

Sau điều trị 4 đợt hóa chất SOX , tổn thương tại vị trí dạ dày, kích thước hạch giảm đáng kể, đạt được đáp ứng một phần theo tiêu chuẩn RECIST. Hội chẩn hội đồng chuyên môn chúng tôi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt dạ dày toàn bộ, nạo vét hạch D2.

Hiện tại sau mổ 1 tháng, bệnh nhân tỉnh, PS 0, đỡ nôn, đỡ nuốt nghẹn.

CT: Không thấy tổn thương tái phát, thứ phát.

Chất chỉ điểm ung thư: CEA 1.92 ng/ml.

Bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị SOX 4 chu kì sau phẫu thuật.

Tóm lại:

Hiện nay, đối với điều trị ung thư dạ dày thì phẫu thuật vẫn là một trong các phương pháp điều trị chủ đạo. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân khi vào viện thì đã không còn chỉ định phẫu thuật. Vì vậy việc điều trị tân bổ trợ bằng hóa chất để nhằm hạ bớt giai đoạn bệnh, để đưa về giai đoạn có thể phẫu thuật được là một hướng đi đang được áp dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới

Các lợi ích của điều trị tân bổ trợ bao gồm: Giảm giai đoạn giúp phẫu thuật triệt căn ở những bệnh nhân có nguy cơ cao di căn, có thể hạn chế các trường hợp phẫu thuật quá tay nếu có bằng chứng của di căn xa ngay sau điều trị hóa chất [5].

Phác đồ điều trị hóa chất tân bổ trợ SOX và FLOT đã cho thấy kết quả khả quan ở bệnh nhân châu Á [6]. Điều trị này không chỉ kéo dài thời gian sống không bệnh (DFS) và thời gian sống thêm toàn bộ (OS) mà còn thay đổi các phương pháp phẫu thuật hiện có và điều trị, theo dõi chu phẫu cho các bệnh nhân ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các chi tiết về lựa chọn đối tượng, thời gian điều trị tân bổ trợ và xây dựng chế độ điều trị, theo dõi phù hợp nhất vẫn cần được nghiên cứu thêm để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Sung H, Ferlay J, Siegel RL, Laversanne M, Soerjomataram I, Jemal A, Bray F. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. CA Cancer J Clin. 2021 May;71(3):209-249. doi: 10.3322/caac.21660. Epub 2021 Feb 4. PMID: 33538338.

[2] GLOBOCAN 2020 (2020), Vietnam, Global Cancer Observatory, truy cập ngày 29-09-2023, tại trang web: https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf.

[3] Zhu, Z., Gong, Y. B., & Xu, H. M. (2020). Neoadjuvant therapy strategies for advanced gastric cancer: Current innovations and future challenges. Chronic diseases and translational medicine6(3), 147–157. https://doi.org/10.1016/j.cdtm.2020.03.004

[4] Al-Batran, Homann N, Pauligk C, et al. Perioperative chemotherapy with fluorouracil plus leucovorin, oxaliplatin, and docetaxel versus fluorouracil or capecitabine plus cisplatin and epirubicin for locally advanced, resectable gastric or gastro-oesophageal junction adenocarcinoma (FLOT4): a randomised, phase 2/3 trial. Lancet. 2019; 393(10184): p. 1948-1957.

[5] Xiong, Y.Cheng, L.Ma, et al. An updated meta-analysis of randomized controlled trial assessing the effect of neoadjuvant chemotherapy in advanced gastric cancer. Cancer Invest. 2014; 32(6): p. 272-84.

[6] Tong, X., Zhi, P., & Lin, S. (2023). Neoadjuvant Chemotherapy in Asian Patients With Locally Advanced Gastric Cancer. Journal of gastric cancer, 23(1), 182–193. https://doi.org/10.5230/jgc.2023.23.e12

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan