Các thuốc phóng xạ trong điều trị miễn dịch phóng xạ

Ngày đăng: 03/12/2018 Lượt xem 6409
Các thuốc phóng xạ trong điều trị miễn dịch phóng xạ

Nguyễn Duy Anh, Trần Hải Bình, Nguyễn Thị Len (Biên dịch và tổng hợp)
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Trong nhiều thập kỷ, nhiều thuốc phóng xạ đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị bệnh lý lành tính và ác tính như iod-131 (131I), phosphorus-32 (32P), strontium-90 (90Sr), yttrium-90 (90Y).

Điều trị miễn dịch phóng xạ (Radiommunotherapy – RIT) là điều trị đích bệnh ung thư bằng kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies – mAbs) đánh dấu đồng vị phóng xạ (radionuclide) (hình 1).


Hình 1. Cơ chế điều trị ung thư bằng thuốc miễn dịch phóng xạ

Một đồng vị phóng xạ lý tưởng trong điều trị thoả mãn hai nhóm điều kiện: tính chất vật lý (thời gian bán rã vật lý, loại tia bức xạ, năng lượng bức xạ, sản phẩm con, phương thức sản xuất và độ tinh khiết phóng xạ), tính chất sinh hoá (mô đích, sự duy trì hoạt tính phóng xạ trong mô, tính bền vững và độc tính). Thời gian bán rã vật lý lý tưởng của đồng vị phóng xạ từ 6 giờ cho đến 7 ngày. Thời gian bán rã quá ngắn sẽ gây khó khăn cho việc vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi sử dụng. Thời gian bán rã quá dài sẽ tăng liều bức xạ lên cơ thể bệnh nhân và người xung quanh. Với mục đích điều trị thì nên sử dụng đồng vị phóng xạ phát tia beta hoặc tia alpha. Quãng chạy của những tia bức xạ này ngắn, khoảng vài mm, tập trung chủ yếu tại mô đích điều trị, an toàn cho các cơ quan khác trong cơ thể bệnh nhân và người xung quanh. Có một số đồng vị phóng xạ phát tia beta và tỉ lệ nhỏ tia gamma. Việc phát tia gamma giúp ghi hình bệnh nhân sau điều trị bằng máy SPECT hoặc máy PET, quan sát được thuốc phóng xạ tập trung tại các mô đích.

Hiện nay có một số thuốc phóng xạ được ứng dụng trong điều trị miễn dịch phóng xạ và được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận:

- 90Y-ibritumomab tiuxetan (Zevalin, được FDA chấp thuận năm 2002) trong điều trị u lympho ác tính không Hodgkin.

- 131I-tositumomab (Bexxar, được FDA chấp thuận năm 2003): trong điều trị u lympho ác tính không Hodgkin.

- 90Y-Epratuzumab (Lymphocide) trong điều trị u lympho ác tính không Hodgkin và bệnh leucemie mạn tính (đang trong nghiên cứu pha III). Nghiên cứu pha II đã chứng minh được tính an toàn của Lymphocide ở bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin [1].

- 131I-Lym-1 (Oncolym) trong điều trị u lympho ác tính không Hodgkin (đang trong nghiên cứu pha III).

- 131I-chTNT-1/B (Cotara) trong điều trị u não ác tính (u sao bào, u nguyên bào thần kinh đệm), ung thư gan nguyên phát, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi (đang trong nghiên cứu pha III). Nghiên cứu pha II ở 107 bệnh nhân ung thư phổi tiến triển điều trị Cotara cho tỉ lệ đáp ứng 34,6% [2]. Cotara được Cục an toàn thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc chấp nhận trong điều trị ung thư phổi tiến triển từ năm 2003.

- Labetuzumab (CEA-Cide) gắn với 90Y hoặc 131I trong điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư tuỵ (đang trong nghiên cứu pha III). Nghiên cứu pha 2 ở 23 bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan điều trị Labetuzumab cho kết quả: thời gian sống trung bình 68 tháng, thời gain sống không bệnh 18 tháng, tỉ lệ sống sau 5 năm là 51,3% [3].

- Pemtumomab (Theragyn) gắn với 90Y trong điều trị ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư phổi ((đang trong nghiên cứu pha III).

- 131I-metuximab (Licartin) trong điều trị ung thư gan (đang trong nghiên cứu pha II). Nghiên cứu tại Trung Quốc trên bệnh nhân ung thư gan nguyên phát trong 2 nhóm: nhóm 1 kết hợp Licartin và nút mạch hoá chất (TACE), nhóm 2 chỉ điều trị TACE. Tỉ lệ sống còn tại thời điểm 6, 12 và 18 tháng ở nhóm 1 là 95,6%, 80,9%, 69,1% và ở nhóm 2 là 94,3%, 72,9% và 52,9% [4].

- 131I-L19 (Radretumab) trong điều trị ung thư phổi, u hắc tố, ung thư vùng đầu cổ (đang trong nghiên cứu pha II).

- 90Y-clivatuzumab tetraxetan (PAM4) trong điều trị ung thư tuỵ (đang trong nghiên cứu pha III) [5]

 Tài liệu tham khảo

1. Leonard JP, Coleman M, Ketas JC, et al, 2004. Epratuzumab, a humanized anti-CD22 antibody, in aggressive non Hodgkin’s lymphoma: Phase I/II clinical trial results. Clin. Cancer. Res. 10(16): 5327-5334.

2. Chen S, Yu L, Jiang C, et al, 2005. Pivotal study of iodine-131-labeled chimeric tumor necrosis treatment radioimmunotherapy in patients with advanced lung cancer. J. Clin. Oncol., 23(7): 1538-1547.

3. Liersch T, Meller J, Kulle B, et al, 2005. Phase II trial of carcinoembryonic antigen radioimmunotherapy with 131I-labetuzumab after salvage resection of colorectal metastases in the liver: five-year safety and efficacy results. J. Clin. Oncol., 23(27): 6763-6770.

4. Wu L, Yang YF, Ge NJ, et al, 2012. Hepatic artery injection of 131I-Labelled metuximab combined with chemoembolization for intermediate hepatocellular carcinoma: a prospective nonrandomized study. Eur. J. Nucl. Med. Mol. Imaging. 39(8):1306-1315.

5. Han S, Jin G, Wang L, et al, 2014. The role of PAM4 in the management of pancreatic cancer: diagnosis, radioimmunodetection, and radioimmunotherapy. J. Immunol Res, 268479.

Nguyễn Duy Anh

Tin liên quan