DNA của tế bào khối u lưu hành trong máu - dấu ấn sinh học trong dự đoán tái phát và tiên lượng ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm

Ngày đăng: 20/06/2019 Lượt xem 2008

Người dịch: Vũ Thị Thu Hiền, Phạm Cẩm Phương, Nguyễn Thuận Lợi

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Hóa trị bổ trợ là một liệu pháp điều trị chuẩn cho ung thư đại trực tràng giai đoạn II nguy cơ cao và giai đoạn III. Tuy nhiên, việc lựa chọn hóa trị bổ trợ dựa trên các yếu tố nguy cơ và giai đoạn bệnh không phải là liệu pháp tối ưu đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Trong những năm gần đây, ctDNA (DNA của tế bào khối u lưu hành trong máu) đã nổi lên như một dấu ấn sinh học không xâm lấn để theo dõi những biến đổi về gen và tình trạng kháng thuốc trong ung thư đại trực tràng di căn. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật mà có sự hiện diện của ctDNA trong máu sẽ có nguy cơ tái phát cao hơn nhóm không có sự hiện diện của ctDNA. Các xét nghiệm phát hiện ctDNA có độ nhạy cao và có thể phát hiện các tế bào khối u còn sót lại sớm hơn vài tháng so với phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Hai nghiên cứu được công bố trên JAMA Oncology đã đánh giá tiềm năng của ctDNA trong việc dự đoán tái phát và tiên lượng bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn I đến III.

3435

Hình 1: Sinh thiết lỏng ctDNA

(ctDNA: DNA của tế bào khối u lưu hành trong máu)

Một nghiên cứu ở Đan Mạch trên các mẫu huyết tương được thu thập trước phẫu thuật, sau phẫu thuật 30 ngày và mỗi 3 tháng trong vòng 3 năm của 125 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm cho thấy: tỉ lệ phát hiện ctDNA ở bệnh nhân trước và sau phẫu thuật là 88,5% và 10,6%. Bệnh nhân dương tính với ctDNA có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn so với bệnh nhân âm tính với ctDNA (70,0% và 11,9%; HR 7.2, p<.0.001) và giảm đáng kể thời gian sống không tái phát (RFS, HR 7.2; p<0,001). Cứ 10 bệnh nhân dương tính với ctDNA khi bắt đầu điều trị thì 3 bệnh nhân ctDNA trở nên âm tính. Nguy cơ tái phát ung thư ở những bệnh nhân âm tính với ctDNA là 12% dù bệnh nhân có điều trị hoặc không điều trị hóa trị bổ trợ. Xét nghiệm ctDNA cho thấy khả năng phát hiện tái phát ung thư sớm hơn so với chẩn đoán hình ảnh là 8,7 tháng.

 Một nghiên cứu khác so sánh tình trạng ctDNA với kết quả điều trị của 58 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn I - III đã phẫu thuật ở bốn bệnh viện ở Thụy Điển. Trong số đó, 18 bệnh nhân (31%) đã được hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Các mẫu máu được phân tích ctDNA sau phẫu thuật 1 tháng và sau đó là mỗi 3 tháng, 6 tháng sau mổ. Trong số 13 bệnh nhân phát hiện dương tính với ctDNA, có 10 bệnh nhân đã tái phát (77%), trong khi không có bệnh nhân nào tái phát ở nhóm ctDNA âm tính. Thời gian tái phát trung bình sau phẫu thuật là 9 tháng. Trong 40 bệnh nhân (69%) không hóa trị bổ trợ, có 8 bệnh nhân dương tính với ctDNA và đã tái phát bệnh. Trong số những bệnh nhân hóa trị bổ trợ, có 2 trường hợp dương tính với ctDNA và tái phát. Dựa vào tình trạng ctDNA có thể phát hiện khả năng tái phát bệnh sớm 3 tháng so với chẩn đoán hình ảnh và chẩn đoán lâm sàng, vì thế xét nghiệm ctDNA được xem như là 1 dấn ấn sinh học sớm cho việc dự đoán tái phát. Tuy nhiên, có 3 bệnh nhân dương tính với ctDNA không bị tái phát mặc dù trong quá trình điều trị ctDNA của họ đã giảm xuống mức không thể xác định được.

Trong hai nghiên cứu trên, các tác giả đã chỉ ra rằng bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm, sau điều trị mà có sự hiện diện của ctDNA sẽ có nguy cơ tái phát ung thư cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dựa trên ctDNA sẽ giúp bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp hơn so với các yếu tố nguy cơ lâm sàng.

Nguồn: JAMA Oncol (https://www.primeoncology.org/)

ctDNA as a Biomarker of Recurrence and Prognosis in Early-Stage CRC

Tin liên quan