Tổn thương thần kinh trung ương do giun đũa chó, mèo

Ngày đăng: 12/08/2013 Lượt xem 6588

Khoảng một tháng trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng đỉnh tăng dần, dùng thuốc giảm đau đỡ ít rồi đau trở lại, kèm theo có sốt nhẹ, không liệt, không co giật. Bệnh nhân đi khám thì được chỉ định chụp MRI sọ não kiểm tra.


PGS. TS. Mai Trọng Khoa, Th.S. Nguyễn Thế Thu

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

1. Ca lâm sàng

Bệnh nhân Lưu T. Th. nữ, 21 tuổi.

Quê quán: Tiền Hải, Thái Bình.

Bệnh nhân có tiền sử bản thân và gia đình hoàn toàn khỏe mạnh và là công nhân may.

Khoảng một tháng trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng đỉnh tăng dần, dùng thuốc giảm đau đỡ ít rồi đau trở lại, kèm theo có sốt nhẹ, không liệt, không co giật. Bệnh nhân đi khám thì được chỉ định chụp MRI sọ não kiểm tra.

 

 

 

 Hình ảnh MRI : tổn thương tại thùy đỉnh phải, ngấm thuốc dạng viền và có phù não xung quanh.

Kết luận của chẩn đoán hình ảnh: theo dõi tổn thương do Toxoplasma.

Cận lâm sàng

Công thức máu: HC: 4,5 T/l ; Hb: 120g/l ; TC: 240G/l ; BC: 11G/l (tăng nhẹ ); BCTT: 50%, bạch cầu ái toan tăng cao 20% (BT: 0-8%).

Sinh hóa máu: chức năng, gan thận trong giới hạn bình thường, các chất chỉ điểm u không tăng.

Vi sinh: HIV (-), HbsAg(-)

Chụp CT ổ bụng và lồng ngưc: không phát hiện tổn thương .

Xạ hình xương : không thấy hình ảnh tập trung hoạt độ phóng xạ bất thường.

Xét nghiệm về kí sinh trùng:

Elisa: Toxoplasma (-), Sán dây lợn (-), Giun đũa chó dương tính mạnh, hiệu giá kháng thể là 1/800.

Bệnh nhân được hội chẩn với Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và được chuyển sang điều trị tại đó với phác đồ: Albendazole 400 mg x 2 lần/ngày, uống trong 5 ngày, đồng thời dùng thuốc chống phù não.

2. Một vài nét về giun đũa chó, mèo (Toxocara Canis)

Trường hợp bệnh giun đũa chó, mèo ở người được Wilder mô tả lần đầu năm 1950 khi phát hiện ấu trùng của giun tròn trong u hạt võng mạc (retinal granuloma).  

Sau đó Beaver và cs. (1952) lần đầu tiên dùng từ “ấu trùng di chuyển nội tạng” (visceral larva migrans) để báo cáo một loạt ca bệnh trẻ em có bạch cầu ái toan tăng cao trong máu kèm với bệnh nặng và kéo dài ở nhiều cơ quan, và khi làm sinh thiết phát hiện ấu trùng của Toxocara canis hay Toxocara cat.

Tác nhân gây bệnh: Toxocara canis hay Toxocara cati



Hình ảnh một đoạn ruột mèo có giun đũa chó mèo

 Chu kỳ vòng đời của giun đũa chó mèo:

                           

Trứng T. canis chưa hoá phôi                           Trứng T. canis đã hoá phôi

Toxocara canis hay Toxocara cati - một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng này. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngừng phát triển nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

Lâm sàng

- Người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi. Các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành mà chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi chúng đến và bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

- Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm nhập: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt.

- Thể ấu trùng di chuyển nội tạng (visceral larva migrans – VLM): chủ yếu gặp ở trẻ <5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, tổn thương hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh.

- Thể ấu trùng di chuyển ở mắt (ocular larva migrans – OLM): gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt, đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.

- Thể “thần kinh” (neurotoxocarosis) gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương (sa sút trí tuệ, viêm não-màng não, viêm tuỷ, viêm mạch máu não, động kinh hay viêm dây thần kinh thị giác) hoặc ở thần kinh ngoại biên (viêm rễ thần kinh, gây tổn thương các dây thần kinh sọ hay thần kinh cơ-xương).

Chẩn đoán

-    Đặc điểm của bệnh nhân và bệnh sử,
-    Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng,
-    Chẩn đoán huyết thanh dương tính,
-    Tăng bạch cầu ái toan,
-    Nồng độ IgE tăng.

Điều trị

-   Albendazole 400 mg x 2 lần/ngày, uống trong 5 ngày
-   Mebendazole 100-200 mg x 2 lần/ngày, uống trong 5 ngày

Đồng thời có thể kết hợp với corticoid để chống viêm.

Phòng bệnh

 - Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. 
-    Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
-    Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
-    Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.
-    Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Tin liên quan