Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2015 quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hơn 4.400 tỷ đồng cho bệnh nhân ung thư. Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến chiếm khoảng 0,22% tổng GDP hàng năm của Việt Nam.
Mắc ung thư, nhiều người bệnh khánh kiệt vì chi phí điều trị.
Tại hội thảo về sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư được tổ chức ở Hà Nội sáng 2/8, TS Nguyễn Tiến Quang, Bệnh viện K Trung ương cho biết, số bệnh nhân ung thư của Việt Nam không ngừng gia tăng. Hiện bình quân mỗi năm nước ta có thêm 126.000 ca mắc mới ung thư, 94.000 ca tử vong. Đáng ngại hơn, do chi phí điều trị ung thư rất tốn kém nên có tới hơn 1/3 bệnh nhân ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 1 năm phát hiện bệnh.
Các nghiên cứu về tài chính trong điều trị ung thư ở Việt Nam gần đây cho thấy những gia đình có người bệnh ung thư phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị ung thư. Theo đó, có khoảng 34% bệnh nhân ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh; 22% không thể thanh toán chi phí đi lại; 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt (không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện, nước, gas…), phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà...
Không chỉ khánh kiệt vì bệnh ung thư, mà tỉ lệ tử vong do căn bệnh nan y này ở Việt Nam cũng cao hơn các nước phát triển. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tử vong trên số mắc ung thư chiếm khoảng 1/3 thì ở các nước đang phát triển như Việt Nam tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều, chiếm khoảng 2/3.
Lý giải tình trạng này, TS Quang cho rằng nguyên nhân là do ở Việt Nam việc phát hiện ung thư thường ở giai đoạn muộn. Một nghiên cứu tại BV K Trung ương năm 2010 cho thấy có đến 71,4% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên. Đây là lý do lý giải vì sao số ca tử vong do ung thư của Việt Nam cao hơn các nước. Bởi ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn, tốn kém và giảm hẳn hiệu quả.
Thống kê tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ, chiếm 0,22% GDP năm này. Cụ thể, ung thư vú “ngốn” hết hơn 9.000 tỷ, ung thư đại trực tràng tiêu tốn 8.573 tỷ, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ. Tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ưng thư khoang miệng… với tổng chi phí cho 6 căn bệnh này lên đến 25.789 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt, từ đầu năm 2015, Bộ Y tế chính thức giảm chi trả cho 28 loại thuốc điều trị bệnh ung thư từ mức 50-100% xuống chỉ còn 30-50%, tức người bệnh phải tăng mức đồng chi trả chi phí điều trị ung thư cao hơn.