U tuyến tiết sữa: nhân một ca lâm sàng

Ngày đăng: 19/12/2024 Lượt xem 716
U tuyến tiết sữa: nhân một ca lâm sàng
GS.TS Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương,BSNT Đào Mạnh Phương, Ths.BS Lương Đình Bính
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

U tuyến tiết sữa (Lactating adenoma) là một u lành tính ở tuyến vú hiếm gặp, xuất hiện ở phụ nữ trẻ tuổi trong 3 tháng cuối của thời kì mang thai hoặc trong thời kì cho con bú. Do sự biến đổi về hình thái của tuyến vú trong thời kì này mang đến nhiều thách thức cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và quản lý điều trị loại bệnh lý này. 
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp lâm sàng bệnh nhân xuất hiện u tuyến tiết sữa ở vú đến khám và điều trị tại Trung tâm chúng tôi. 

Bệnh nhân:  Đ.T.T.H            Nữ            26 tuổi
Lý do đến khám: xuất hiện khối u ở hai vú
Bệnh sử: Bệnh nhân phát hiện u tuyến vú hai bên khi mang thai ở tháng thứ 8 nhưng không điều trị gì. Sau sinh 1 tuần, bệnh nhân đã đi khám đánh giá tại một số cơ sở y tế khác: 
Siêu âm tuyến vú phát hiện đa khối u vú hai bên kích thước lớn, tính chất giống nhau.
Bệnh nhân đã được làm tế bào học. Kết quả tế bào học: áp xe tuyến vú
 
Bệnh nhân đã được kê thuốc điều trị tuy nhiên không thấy hiệu quả, khối u vú hai bên ngày càng to lên. Bệnh nhân đến khám, đánh giá tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. 
Thăm khám: 
Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
Không sốt
Da, niêm mạc hồng
Toàn trạng ổn định
Khám tuyến vú: Nhiều khối u vú hai bên, mật độ chắc, di động hạn chế, xu hướng to hơn ở tuyến vú trái, khối lớn nhất kích thước 7,0 x 5,0cm, kèm theo đỏ da vùng ¼ dưới trong vú trái. Núm vú hai bên không tụt, tiết dịch sữa màu vàng. Không thấy hạch to vùng nách hai bên. 
 
Hình 1: Hình ảnh khối tuyến vú trái (mũi tên trắng). Đỏ da vùng ¼ dưới trong vú trái (đầu mũi tên)
Cận lâm sàng: 
Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, chỉ điểm khối u CEA, CA 15-3 trong giới hạn bình thường. 

  
Hình 2: Siêu âm tuyến vú hai bên: Nhiều khối giảm âm tuyến vú hai bên, to hơn ở bên trái, khối lớn nhất kích thước 7,5 x 5,5cm, ranh giới rõ, bờ đa cung, trong có vách (mũi tên trắng), tăng sinh mạch trong các vách, không có vi vôi hóa, không thấy dấu hiệu xâm lấn da và cơ ngực (phân loại BIRADS -3). Không thấy hạch nghi ngờ ác tính hố nách hai bên.

X-quang tuyến vú: nhiều khối đồng đậm độ hai vú, bờ đa cung, không có vi vôi hóa
 


Hình 3: Chụp X-quang tuyến vú hai bên thấy các khối đồng đậm độ ở hai bên tuyến vú (mũi tên)

Bệnh nhân đã được hội chẩn và sinh thiết tổn thương ở tuyến vú trái dưới hướng dẫn của siêu âm.  
Kết quả mô bệnh học: U tuyến tiết sữa (Lactating adenoma)
Bệnh nhân được khuyến cáo ngừng cho con bú và tiếp tục theo dõi tiến triển của bệnh. 
Sau 01 tháng, bệnh đáp ứng một phần các khối u hai vú giảm dần kích thước.
Bàn luận
U tuyến tiết sữa là một tổn thương lành tính tại tuyến vú tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có đồng thuận về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh. Một số tác giả cho rằng các tiểu thùy tuyến có xu hướng tăng sinh hơn mô tuyến vú lân cận hình thành các tổn thương dạng khối. Một số tác giả khác gợi ý sự hình thành u tuyến tiết sữa xuất phát từ các u xơ tuyến hoặc các u tuyến ống có sẵn. Trong ca lâm sàng của chúng tôi, bệnh nhân trước đây chưa ghi nhận tiền sử có u xơ tuyến vú. 
Về hình ảnh học, trên siêu âm u thường biểu hiện một khối giảm âm hoặc đồng âm tương đối đồng nhất, ranh giới rõ, bờ đa cung, trục ngang so với mặt da. Một số u có thể tăng âm do tăng bài tiết sữa và protein. Một dấu hiệu đặc trưng của u tuyến tiết sữa là các dải tăng âm tương ứng với các dải xơ trên chẩn đoán mô bệnh học, trong ca lâm sàng của chúng tôi cũng ghi nhận đặc điểm này. 
Về chẩn đoán phân biệt, chúng ta cần phải phân biệt với một số u lành tính như nang sữa, áp xe tuyến vú, u xơ tuyến vú, u diệp thể cũng như các u ác tính như ung thư tuyến vú hoặc sarcoma. Hình ảnh học thường khó phân biệt các loại u này nên chẩn đoán mô bệnh học thông qua sinh thiết u là cần thiết. 
Về điều trị, mặc dù có cơ chế bệnh sinh và hướng dẫn điều trị chưa rõ ràng, hầu hết các u tuyến tiết sữa có thể tự thoái triển sau khi ngừng việc cho bú. Ở một số trường hợp u lớn có thể được điều trị bằng Bromocriptine – một thuốc đối vận dopamine. Phẫu thuật cắt bỏ u thường được khuyến cáo khi không thể loại trừ được khả năng ác tính cũng như ở bệnh nhân u phát triển nhanh. 

Kết luận
U tuyến tiết sữa là một u lành tính của tuyến vú tuy nhiên cho đến hiện nay chưa vẫn chưa xác định được cơ chế bệnh sinh. Chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học thông qua sinh thiết tổn thương. Theo dõi sát tổn thương sau khi ngừng việc cho bú là biện pháp thường được lựa chọn. Trong một số trường hợp có thể kết hợp với điều trị thuốc nội khoa và phẫu thuật cắt bỏ u.  

Tài liệu tham khảo
1. Taskou C. Breastfeeding adenoma in lactating mothers and management approaches. GSC Biological and Pharmaceutical Sciences. 2023;24(3):361-365. doi:10.30574/gscbps.2023.24.3.0404
2. Chico MJ, Andrieu PIC, Wernicke A, Pesce KA. Breast lactating adenoma, an example of the utility of the radiological-pathological correlation. Clin Imaging. 2021;71:136-140. doi:10.1016/j.clinimag.2020.11.009

Tin liên quan