Đông dược trị ung thư: khoa học hay phóng đại?

Ngày đăng: 07/05/2010 Lượt xem 11675

Ung thư theo quan niệm đông y

 

Theo các tài liệu kinh điển đông y, từ “ung thư” dùng để chỉ một loại nhọt (ung: nhọt sưng gồ lên mặt da mỏng nhẵn bóng; thư: loại bệnh trên mặt da có màu xám sậm, cứng, khô, nhăn nhúm như da trâu). Như vậy ung thư ở đây có thể chỉ là áp-xe hoặc tình trạng hoại thư.

 

Trong các tư liệu cũng nêu một số bệnh lý như nhũ nham: khối u có dạng như hột đậu, hột quýt, cứng như đá nằm trong vú; thất vinh: khối u dạng cục cứng, nằm dưới hàm, sau tai; trưng tích: dạng u ở bụng, cố định một chỗ; thủng lựu, anh lựu: dạng bướu ở vùng cổ; yểu thư: dạng mụn ung phát ra ở cổ, to, màu đỏ, đen sậm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ chạy xuống hố nách, tác hại đến kinh mạch tạng phủ và chết rất nhanh… Như thế, đông y cũng có nêu một số bệnh lý có biểu hiện lâm sàng gần giống biểu hiện của bệnh ung thư theo tây y, nhưng chưa có công trình nghiên cứu bệnh học nào xác định các dạng bệnh lý nêu trên là ung thư. Do đó, khi nói đến điều trị ung thư trong đông y, là muốn nói đến điều trị các dạng bệnh lý này.

 

Lược qua phần điều trị các bệnh lý trên, có thể bắt gặp những điều thú vị. Trong hơn 100 bài thuốc cổ phương và kinh nghiệm sử dụng, có 60 bài thuốc được các nhà khoa học Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nghiên cứu điều trị các bệnh ung thư (cancer) như ung thư cổ tử cung, ruột kết, phổi, gan, hạch, xương, vú… Những bài thuốc được nghiên cứu nhiều thường tập trung vào loại thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc (chống viêm giải độc), hoạt huyết hoá ứ (phá ứ tụ, làm mềm khối cứng), nhuyễn kiên tán kết (làm mềm khối cứng, tiêu kết tụ), dĩ độc trị độc (dùng độc để loại bỏ bệnh tật), phù chính khu tà (nâng sức kháng bệnh của cơ thể để đối phó với bệnh).

 

Trong tổng số 126 dược liệu cấu tạo nên công thức 60 bài thuốc ấy, có 12 dược liệu lặp đi lặp lại ở nhiều bài thuốc khác nhau: nhân sâm, hoàng liên, bạch thược, bạch hoa xà, bán chi liên, đan sâm, bạch linh, tri mẫu, tạo giác thích, khổ sâm, hoàng cầm, ngũ linh chi. Đây cũng chính là những vị thuốc được các nhà y học hiện đại nghiên cứu khá nhiều trên thực nghiệm, trên nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau.

 

Một số bằng chứng khoa học

 

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học của thế giới về các bài thuốc, vị thuốc chữa ung thư nổi tiếng. Có thể dẫn ra một số kết quả sau:

 

Nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc trên lâm sàng: loại nghiên cứu này (trên bệnh nhân) nhiều nhất ở Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ và một số nước trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên đa số những nghiên cứu này có số lượng người bệnh không nhiều, thử nghiệm lâm sàng không đối chứng, kết quả chỉ mang tính thăm dò.

 

Nghiên cứu chiết xuất các hợp chất tự nhiên trong dược liệu: đây là xu thế của các nhà khoa học không chỉ đông y mà cả tây y, nhiều nhất phải kể đến Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, Trung Quốc và cả Việt Nam. Ở Hoa Kỳ, từ năm 1957 đến năm 1991, viện NCI nghiên cứu 35.000 loại dược liệu, chiết ra được 120.000 dịch chiết và phân lập được bốn hợp chất có tác dụng điều trị ung thư là Vincablastin và Vincristin từ cây dừa cạn, cả hai hợp chất này được điều chế thành dạng thuốc tiêm, điều trị ung thư máu; Paclitaxel (TAXOL®) từ cây thông đỏ và Majonosid R2 từ nhân sâm. Viện CNRS ở Pháp chiết được Alkaloide Acetogenine từ cây bình bát (lấy từ đồng bằng sông Cửu Long) điều trị ung thư vú. Một số nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư của củ tam thất, ghi nhận tác dụng chống ung thư có chọn lọc (chỉ trên mô ung thư). Còn các nhà khoa học Trung Quốc, sau nhiều năm nghiên cứu, kết luận trên tạp chí American Journal of Chinese Medicine rằng: sâm tam thất có tác dụng tăng tính nhạy cảm của tế bào ung thư đối với tia xạ, do đó có thể sử dụng tia xạ liều thấp trong phối hợp dùng sâm tam thất với xạ trị trong điều trị ung thư...

 

Dùng thuốc đông y để giải quyết những tác dụng phụ của hoá trị và xạ trị, hay nâng đỡ thể trạng để cơ thể tiếp nhận được các phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu.

 

Nghiên cứu tác dụng các bài thuốc trên thực nghiệm: loại nghiên cứu này được nhiều nhà khoa học các nước, trong đó có Việt Nam triển khai và ghi nhận những kết quả khá thuyết phục. Riêng ở TP.HCM, bộ môn di truyền thuộc đại học Quốc gia có công trình “Nghiên cứu khả năng kháng phân bào in vitro của bài thuốc dân gian Nam Địa long trên một số dòng tế bào ung thư người”. Một công trình nghiên cứu khác cũng của bộ môn di truyền đại học Quốc gia kết hợp với khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM, sàng lọc trong 60 bài thuốc đã nêu ở phần đầu, ra bốn bài có chứa các thành phần hợp chất hoá học phù hợp với yêu cầu điều trị loại ung thư tương ứng: song sâm địa thược thang, nhị trần thang gia vị, hoàng liên giải độc thang, tiêu tích nhuyễn kiên phương, đặc biệt bài thuốc hoàng liên giải độc ghi nhận hiệu quả trên cả ba dòng tế bào ung thư cổ tử cung, vú và phổi.

 

Cần hiểu đúng tác dụng của đông dược

 

Như vậy, vai trò của thuốc đông y trong điều trị ung thư có thể nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau: một số dược liệu có tác dụng điều trị ung thư thông qua các thành phần hợp chất hữu cơ và được tổng hợp thành dạng thuốc tây, dùng trong hoá trị chống ung thư; phối hợp trị liệu, như dùng tam thất giúp tăng tính nhạy cảm của mô ung thư do đó có thể dùng liều xạ thấp hơn, ít gây độc hơn. Một số bài thuốc cổ phương và kinh nghiệm có tác dụng kháng phân bào mô ung thư...

 

Mặc dù chưa thực sự có công trình nghiên cứu mang tính thuyết phục cao trên lâm sàng điều trị ung thư nhưng từ những nhận định trên, có thể cho những định hướng nghiên cứu tích cực và quan trọng, như phối hợp đa phương tiện trị liệu vừa phẫu thuật, vừa xạ trị, vừa dùng hoá trị hoặc dùng thuốc đông y, hay dùng thuốc đông y để giải quyết những tác dụng phụ của hoá trị và xạ trị, hay nâng đỡ thể trạng để cơ thể tiếp nhận được các phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu.

 

Do vậy, nói thuốc đông y hỗ trợ điều trị ung thư là có cơ sở khoa học, nhưng không nên phóng đại làm ảnh hưởng đến quyết định điều trị kịp thời của người bệnh. Tốt nhất là khi có bệnh, nên trực tiếp đến các chuyên gia về ung thư để được tư vấn điều trị đúng mức và kịp thời, bên cạnh đó cũng nên tham khảo thêm từ các thầy thuốc đông y để được tư vấn điều trị kết hợp, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tin liên quan