Hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện muộn
Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7,9 triệu người tử vong vì các căn bệnh ung thư, trong đó 72% là ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì thế, cuộc chiến chống ung thư cần phải trở thành một trong những hướng ưu tiên để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của toàn thế giới.
Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 150 nghìn người mới mắc ung thư và 75 nghìn người chết do ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh và chết do ung thư ngày càng tăng, đây cũng là nguyên nhân số một đe dọa sức khỏe người dân.
Căn bệnh này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tâm lý hoang mang cho người bệnh, gia đình.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh ung thư ngày càng gia tăng một phần là do môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Nỗ lực phòng, chống ung thư ở nước ta còn hạn chế vì thiếu cả thiết bị lẫn thầy thuốc đúng chuyên khoa. Mạng lưới chống ung thư từ trung ương tới cơ sở chưa có đủ. Kinh phí hằng năm Nhà nước cấp vẫn thấp nên việc nâng cấp các cơ sở sẵn có và mở cơ sở mới gặp nhiều khó khăn.
Nước ta hiện có bốn bệnh viện ung thư, 18 khoa ung thư ở các bệnh viện tỉnh, thành phố, với 2.030 giường bệnh trong khi nhu cầu cần tới 7.200 giường. Cả nước có 18 máy tia xạ cobalt, máy xạ trị gia tốc... nhưng phần lớn đã cũ, lạc hậu và các phương tiện trợ giúp khác còn rất thiếu. Mới có bốn cơ sở chuyên đào tạo cán bộ chuyên khoa ung thư và số lượng học viên được đào tạo còn hạn chế; trung tâm tư vấn phòng bệnh không có.
Bên cạnh đó quan niệm của đa số người dân về bệnh này còn nhiều sai lệch như: Ung thư không thể phòng được, không thể chữa được, không "đụng" dao kéo... Nhiều người còn giấu bệnh, đi chữa bằng các phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan, chỉ khi bệnh đã quá nặng, mới tới bệnh viện. Hậu quả tất yếu: hơn 70% người bệnh khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao.
Phòng, chống bệnh ung thư
Tại các nước đang phát triển và một số nước khu vực Ðông-Nam Á như Singapore, Philippines, Thái-lan đều có chương trình Quốc gia phòng, chống ung thư (PCUT). Nhờ hoạt động tích cực trong công tác phòng, chống ung thư mà tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do ung thư ở các nước này đã giảm rõ rệt.
Chất lượng sống cho người bệnh mắc bệnh ung thư cũng được cải thiện. Tính riêng cho một số loại ung thư phổ biến như ung thư vú nhờ công tác sàng lọc phát hiện sớm và các tiến bộ trong điều trị đã nâng tỷ lệ sống sau năm năm của người bệnh: Ở Hoa Kỳ, năm 1970 là 40%, năm 2000 tăng lên 75%. Có tới hơn 90% người bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm nhờ tiến hành sàng lọc hàng loạt bằng tế bào học âm đạo (Paptest). Tỷ lệ sống thêm sau năm năm cho căn bệnh này cũng được cải thiện đáng kể, từ 41,2% vào năm 1980 đến 87% vào năm 2000. Ngày nay, nhờ các thành tựu của khoa học - kỹ thuật, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, con người đã từng bước đẩy lùi và kiểm soát được các bệnh nhiễm trùng như tả, đậu mùa, lao, sốt rét...
Trái lại, cùng với sự gia tăng kinh tế, lối sống thay đổi, công nghiệp phát triển, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái ngày càng trở nên trầm trọng. Ðó là những lý do vì sao bệnh ung thư ngày càng tăng lên.
Ðiển hình, 70% người bệnh ung thư dạ dày ở Nhật Bản do phát hiện sớm đã được điều trị khỏi và ngành Y tế Nhật Bản đang phấn đấu sẽ giải quyết 100% bệnh này. Việt Nam cũng có thể làm được như thế nếu mỗi năm nhà nước đầu tư đào tạo cán bộ chuyên môn, trang thiết bị cho tuyến cơ sở, để có thể tầm soát ung thư sớm cho người dân, sẽ giảm được 50% số người bệnh tử vong do bị ung thư.
Nếu không có những giải pháp quyết liệt, thì sau năm 2015, số lượng người ung thư mỗi năm của Việt Nam ước tính sẽ lên đến hơn 400 nghìn người.
Ðể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và chết do ung thư, ngay tại thời điểm này có hai bước song song phải làm.
Thứ nhất là, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi cho nhân dân kiến thức về phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh ung thư.
Thứ hai, cần khẩn trương xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư cho các tuyến: Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến cơ sở... Làm được hai bước chính đó, vấn đề phát hiện sớm và chữa trị sớm sẽ được giải quyết một bước cơ bản.
Những ung thư dễ chữa như: ung thư da, miệng, giáp trạng, và những ung thư thường gặp ở phụ nữ như: ung thư vú, cổ tử cung có thể chữa khỏi ngay ở tuyến tỉnh và phần nào giảm tải cho các bệnh viện ung thư ở Trung ương hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư trang thiết bị khoa học - kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư vào các bệnh viện.
Trước nhu cầu phòng, chống bệnh ung thư ngày càng tăng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 108/2007/QÐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006- 2010, trong đó có Dự án phòng, chống ung thư với hai mục tiêu chính là từng bước giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do ung thư, và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư.
Dự án quốc gia phòng, chống ung thư được triển khai với các nội dung chính là tuyên truyền phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, nâng cao chất lượng chẩn đoán-điều trị bệnh ung thư, tăng cường công tác chăm sóc giảm nhẹ bệnh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông tin...
Dự án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế - chính trị - xã hội, giúp người dân hiểu đúng về bệnh ung thư, góp phần nâng cao tuổi thọ cho người dân Việt Nam, tháo gỡ dần những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, và góp phần giảm gánh nặng bệnh tật lên cộng đồng, giảm chi phí điều trị.
GS, TS NGUYỄN BÁ ĐỨC
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng, chống ung thư,
Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam
(Theo ND)