Nguy cơ cúm A/H5N1 trên người trở lại trong mùa đông xuân

Ngày đăng: 04/02/2010 Lượt xem 2166

Cúm gia cầm vẫn dai dẳng

Trong 2 tuần qua, toàn quốc tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch cúm gia cầm tại Hà Tĩnh và Cà Mau, chủ yếu là trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccin cúm. Đáng lưu ý, diễn biến các ổ dịch cúm tại Cà Mau cho thấy, dịch phát ra lẻ tẻ nhưng có dấu hiệu dây dưa, kéo dài. Tính đến ngày 25/1, dịch này đã xảy ra trên đàn gia cầm của 13 hộ thuộc các xã của hai huyện Thới Bình và huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau làm hơn 3.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu huỷ. Ban chỉ đạo cho biết, qua công tác điều tra ổ dịch cho thấy một số đàn gia cầm thuộc các xã có dịch đã bị bỏ sót trong các đợt tiêm phòng vaccin cúm. Đặc biệt, người dân đã không chủ động khai báo khi có dịch và vẫn sử dụng gia cầm bệnh làm thức ăn cho trăn.

Còn tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp khẩn cấp với huyện Cẩm Xuyên và các cơ quan chức năng trong tỉnh nhằm triển khai các biện pháp khống chế dịch cúm gia cầm H5N1 đang hoành hành tại huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh. Trong những ngày gần đây, tại xã Cẩm Bình và Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) có hiện tượng gà, vịt bỏ ăn và chết hàng loạt. Ngày 23/1/2010, Cơ quan thú y vùng III xác định kết quả xét nghiệm dương tính với virut cúm A/H5N1. Tại xã Cẩm Thạch có 7 hộ xuất hiện gà, vịt, ngan chết, ngành thú y cũng đã lấy mẫu đi xét nghiệm. Tất cả gà, vịt bị ốm chết đều chưa tiêm phòng vaccin phòng bệnh cúm gia cầm.

Nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho rằng, nguy cơ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng phát tán và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật và việc di chuyển, đi lại của người dân trong dịp cuối năm tăng cao.

\"\"
 Gia cầm cần được tiêm phòng đầy đủ để đẩy lùi cúm A/H5N1. Ảnh: Đại Hùng

Người dân vẫn lơ là trong phòng bệnh

Bài học về sự lơ là trong phòng chống cúm gia cầm trên người ở tỉnh Điện Biên vừa qua vẫn còn nóng hổi. Xuất phát từ cúm H5N1 trên đàn gia cầm ở tỉnh Điện Biên mà một số bà con người dân tộc vẫn cố tình giết mổ gia cầm chết để ăn dẫn đến hậu quả đáng tiếc là xuất hiện cúm A/H5N1 trên người. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục YTDP & MT, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, đáng lo nhất là đại dịch cúm A/H1N1 và A/H5N1 vì thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virut cúm phát triển và lây lan cho người, đặc biệt với những người sức đề kháng kém. Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân ở vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời. Vấn đề phát hiện sớm ca bệnh để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm hạn chế tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo, dịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số nước gần ta, nên chúng ta cần hết sức cảnh giác.  

Ông Nguyễn Văn Nuôi, Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sáng 27/1 đã nói với phóng viên, bác bỏ thông tin về trường hợp bệnh nhân Trịnh Văn Thuận ở thành phố Hà Tĩnh bị cúm A/H5N1. Trước đó, bệnh nhân này có triệu chứng ho, sốt, khó thở, suy hô hấp được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị. Được biết, anh Thuận là chủ hộ nuôi vịt ở thành phố Hà Tĩnh. Đàn vịt của anh bị cúm gia cầm đã được chính quyền địa phương tiêu huỷ toàn bộ. Các cán bộ y tế dự phòng hiện đã lập danh sách những người có tiếp xúc với gia cầm bị dịch để theo dõi.

Trong mùa đông xuân này, khi thời tiết ẩm, kèm theo rét là những điều kiện rất thuận lợi cho cúm gia cầm lây lan và phát triển, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, năm 2010, nguy cơ mắc cúm A/H5N1 ở người có thể xảy ra vì tình hình dịch cúm trên gia cầm còn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là nguy cơ biến chủng 2 loại virut (cúm A/H1N1 và virut cúm A/H5N1) đang rất gần. Các chuyên gia lưu ý, với những ca viêm phổi trong giai đoạn hiện nay, các bệnh viện chú ý xet nghiệm cả H5N1 và H1N1.


Tin liên quan