Bệnh bướu cổ quay lại miền Tây Nam bộ

Ngày đăng: 13/06/2009 Lượt xem 2642
TT - Chị N.T.N.T. ở Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ phát hiện mình mắc bệnh bướu cổ khoảng 3-4 tháng nay từ cục bướu nhỏ ở cổ, nuốt vướng.

Do chị đang mang thai nên rất lo sợ, đi khám ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị điều trị nội khoa - uống thuốc kết hợp chế độ ăn uống, bù lượng thiếu hụt iôt. Chị N.T. nói trước đây nhà chị cũng có mua muối iôt nhưng không ăn thường xuyên mà chủ yếu nêm thức ăn bằng nước mắm, bột ngọt vì dùng muối iôt thấy mặn quá. Nhưng từ khi đi khám biết bệnh, nghe bác sĩ khuyên thì mới ăn bổ sung iôt mỗi ngày.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Liễu - Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, trong năm 2008 tại đây ghi nhận gần 1.000 bệnh nhân bị các loại bướu cổ khác nhau. Phần lớn bệnh nhân được hỏi đều không biết iôt có vai trò quan trọng trong cơ thể và không sử dụng thường xuyên các sản phẩm chứa nhiều iôt. Theo các bác sĩ, có nhiều phương pháp bổ sung iôt, trong đó phương pháp tốt nhất là bổ sung iôt qua đường ăn uống. Việc bổ sung iôt phải phù hợp với nhu cầu sinh lý, liên tục, lâu dài.

" Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất do thiếu hụt iôt gây ra "

Tuy nhiên, năm 2008, điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương cho thấy tình hình thiếu hụt iôt trở nên nghiêm trọng tại khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ, TP.HCM. Tỉ lệ phủ muối iôt chung ở cả ba vùng giảm còn 70,8%. Riêng khu vực Tây Nam bộ có tới 81,6% phụ nữ mang thai điều tra bị thiếu iôt.

Bác sĩ Dương Phước Long, phụ trách khoa sốt rét - nội tiết thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, nhận xét lượng iôt thu nhận hằng ngày của người dân ở khu vực Tây Nam bộ giảm có thể do các thói quen sau đây: cho rằng thiếu iôt không có gì đáng ngại, thích dùng muối cục vì cho rằng muối iôt có vị mặn hơn, màu không tươi; hoặc thích sử dụng sản phẩm khác: bột nêm, nước mắm, nước tương... để nêm, chấm; thói quen ít ăn đồ biển, cá biển và nhất là rau câu (rong biển) là loại có nhiều iôt; bảo quản và sử dụng muối iôt không đúng cách, vì iôt là chất dễ bay hơi, do vậy khi nêm nếm không nên cho vào quá sớm.

Bác sĩ Dương Phước Long khẳng định bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất do thiếu hụt iôt gây ra. Bướu cổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời trong khi đần độn xuất hiện ngay từ bào thai nếu người mẹ thiếu iôt nặng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết bệnh bướu cổ thường gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do các rối loạn thiếu iôt. Phần lớn bệnh nhân mắc bướu cổ là đối tượng nhạy cảm với thiếu iôt: trẻ em 8-12 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ở khu vực Tây Nam bộ, khoảng 80% bệnh nhân bướu cổ là bướu đơn thuần, chỉ cần điều trị nội khoa từ 6-8 tháng. Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo: “Nếu người bệnh phát hiện vùng cổ to ra, thấy vướng và khó thở nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị sớm”.

THÁI LŨY

Tin liên quan