Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Ung thư máu là bệnh có tiến triển khá chậm. Người mắc bệnh thường không có hoặc có rất ít triệu chứng bệnh trong thời gian nhiều năm. Nếu có, các triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh khác như: cảm cúm, viêm phổi, thiếu máu dinh dưỡng, viêm khớp… Bệnh nhân có thể có nhiều biểu hiện không rõ ràng như sốt rét run, ho, chảy nước mũi, cảm giác luôn mệt mỏi, không linh hoạt, ăn kém dẫn tới sút cân, vã mồ hôi thường về đêm… Do đó, bệnh nhân, nhất là trẻ em, thường không được chú ý, tự mua thuốc điều trị các bệnh thông thường, thậm chí đi khám bác sỹ thiếu kinh nghiệm cũng dễ chẩn đoán và kê đơn nhầm sang bệnh khác.
Khi các triệu chứng rõ ràng hơn, như thường xuyên bị nhiễm trùng, thiếu máu trầm trọng, thường bị chảy máu, gan, lá lách chướng to, nổi hạch, đau nhức xương khớp… bệnh nhân mới đi khám đúng chuyên khoa, thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đặc biệt ở trẻ em, ung thư máu thể cấp tính có thể di căn lên não khiến trẻ thường bị nhức đầu, co giật, nôn ói, giảm thị lực… Một số bệnh nhân còn có biểu hiện sưng tinh hoàn, đau mắt, cảm giác đau buốt da, rối loạn tiêu hóa…
Điều trị kém do phát hiện muộn
Theo ghi nhận của TS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, ước tính mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 300 trường hợp mắc ung thư mới đến điều trị, trong đó ung thư máu chiếm tỷ lệ cao nhất với 40%. Đáng buồn là đa số bệnh nhân đều không được chẩn đoán sớm và đến điều trị muộn do nhầm lẫn với các bệnh khác.
Hầu hết phụ huynh chỉ căn cứ vào những triệu chứng tức thời của trẻ để mua thuốc điều trị, cả quá trình diễn tiến bệnh của trẻ không được theo dõi và tập hợp thông tin lại. Chỉ đến khi trẻ có biểu hiện bệnh nặng mới được đưa đến đúng chuyên khoa, khi đó, tế bào ung thư đã xâm lấn sang cả các cơ quan khác trong cơ thể, khiến việc điều trị cực kỳ khó khăn, tốn kém và ít hy vọng hơn.
Trong khi ung thư máu là bệnh tiên lượng điều trị khả quan, thì trên thực tế, tỷ lệ điều trị thành công ung thư máu ở nước ta không cao, do bệnh nhân được phát hiện bệnh rất muộn. Để điều trị ung thư máu, bệnh nhân cần dùng nhiều loại thuốc chi phí cao và kéo dài liên tục trong thời gian 3 năm. Ngoài ra, bệnh nhân còn cần được truyền máu, chống nhiễm trùng bội phụ và có thể có chỉ định ghép tủy. Do đó, đa số bệnh nhân (90%) phải bỏ dở điều trị do chi phí cao và thời gian kéo dài. Đó là chưa kể, thuốc điều trị ung thư chứa nhiều độc tố, gây nhiều tác dụng phụ khiến người thân của bệnh nhân không khỏi đau lòng.
Cách phát hiện sớm
Ung thư máu hay gặp nhất ở trẻ 2-5 tuổi. Khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh này, nhưng phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại như benzene, tia phóng xạ, trẻ bị hội chứng down, trẻ từng điều trị ung thư khác bằng hóa trị liệu hay xạ trị, được xác định là nhóm có nguy cơ cao bị ung thư máu. Do đó, người thuộc nhóm đối tượng này nên lưu ý theo dõi và thăm khám bệnh kịp thời.
Nếu thấy con có biểu hiện sốt dai dẳng, điều trị bằng kháng sinh thông thường không khỏi, chán ăn, sút cân, dễ bị chảy máu, vã mồ hôi (đặc biệt về đêm)... thì cần đưa đến cơ sở y tế khám ngay. Nên cho trẻ làm xét nghiệm máu để phát hiện ung thư máu sớm, đồng thời để tránh nhầm lẫn sang các bệnh khác. Đặc biệt, nên từ bỏ ngay thói quen tự điều trị bệnh, vì nó có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng.