Những người "xông bệnh" cúm A/H5N1 năm 2010
Bệnh nhân đầu tiên của năm khởi bệnh ngày 27/1/2010 là một bé gái 3 tuổi, thường trú tại xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Với triệu chứng sốt cao 39oC, ho, sổ mũi, bé được người nhà đưa vào bệnh viện huyện với chẩn đoán viêm đường hô hấp trên và được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhi dương tính với cúm A/H5N1, cháu được điều trị theo đúng phác đồ và sức khỏe đã ổn định. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là qua điều tra dịch tễ cho thấy, mọi người trong gia đình và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự, gia đình bệnh nhân có nuôi gà nhưng không có hiện tượng gà ốm/chết nhưng gần một tháng trước khi cháu khởi bệnh, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhi gần 1km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân thứ hai, đồng thời là bệnh nhân tử vong đầu tiên của năm 2010 là nữ, 38 tuổi ở Tiền Giang. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 13/2/2010 nhưng không đến bệnh viện khám mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Chỉ đến khi thấy người quá mệt, khó thở, tức ngực mới được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu và điều trị tích cực nhưng người bệnh không qua khỏi. Trường hợp mới nhất được Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thông báo là bệnh nhân nữ ở xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, 17 tuổi, khởi phát bệnh ngày 19/2/2010 với triệu chứng sốt cao, ho, đau họng sau 10 ngày tham gia tiêu hủy gia cầm ốm/ chết của gia đình. Người bệnh được điều trị ngay bằng tamiflu theo phác đồ điều trị đối với ca nghi nhiễm cúm A/H5N1 tại Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương. Tình trạng của bệnh nhân này đến nay đã ổn định.
Xu thế mới điều trị cúm A/H5N1
Theo ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Nhiệt đới TW, sau khi có biểu hiện bệnh 3 - 4 ngày người bệnh mới đến bệnh viện khám và được xác định bệnh thì đã qua giai đoạn điều trị đặc hiệu sớm, nhiều người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp phải thở máy, suy đa tạng phải tiến hành lọc máu. Hiện nay, trên thế giới đã phát triển phương pháp hồi sức exmo (phổi thay thế) để điều trị hồi sức cho những người bệnh bị suy hô hấp. Theo phương pháp này thì cơ thể sẽ được cung cấp ôxy qua hệ thống máy ngoài cơ thể. Điều này có nghĩa phổi của người bệnh trong giai đoạn suy hô hấp sẽ hoàn toàn được nghỉ ngơi nhưng cơ thể vẫn được cung cấp đầy đủ nhu cầu ôxy. Phương pháp này cũng đang được xúc tiến thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và mong rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa, người bệnh sẽ được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ công nghệ cao này.
Không nên giết thịt hay tiêu thụ gia cầm bị ốm, chết. |
Một số điều cần chú ý trong phòng bệnh
Đối với dịch cúm gia cầm H5N1, không được tẩu tán gia cầm ốm/chết, khi tiêu hủy phải tuân thủ nghiêm các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, khẩu trang. Đặc biệt phải thực hiện tẩy uế, khử khuẩn các chuồng trại cũng như không được giết thịt hay ăn tiết canh. Khi xuất hiện triệu chứng cúm thì phải đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán xác định và điều trị sớm, đặc biệt phải theo dõi những diễn biến của bệnh, đặc biệt chức năng hô hấp, tuần hoàn... Hệ thống y tế ở tuyến đầu như xã, phường phải chú ý phát hiện những trường hợp nhiễm mới xuất hiện để lấy bệnh phẩm chẩn đoán xác định cúm A/H5N1 hay cúm A/H1N1 hay biến chủng để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh lan rộng ra cộng đồng. Mặc dù thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 tạm thời lắng xuống nhưng vẫn xuất hiện dịch cúm gia cầm ở một số nơi như đã nêu trên nên việc cảnh giác với một chủng virut mới kết hợp H5N1 vơi H1N1 là rất cần thiết.
ThS. Nguyễn Hồng Hà cho biết, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, quá trình điều trị cúm A/H5N1 thường phải trải qua hai giai đoạn: đầu tiên là giai đoạn điều trị đặc hiệu sớm và giai đoạn tiếp theo là điều trị phục hồi. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ rất tốt cho sự phục hồi cũng như sức khỏe của người bệnh nhưng điều này khó thực hiện do người bệnh không được nhận diện bệnh sớm vì số người mắc lẻ tẻ, rải rác, biểu hiện bệnh lại giống với nhiễm khuẩn hô hấp ở giai đoạn đầu (do có hoặc không có yếu tố dịch tễ). Hơn nữa, người bệnh ít được tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu.