hia sẻ tại hội thảo diễn ra ở Bali (Indonesia) ngày 20/8, Giáo sư Mark Woodward, Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu George cho biết trong 10 bệnh nhân ung thư thì chỉ có một được chẩn đoán trong giai đoạn sớm của bệnh. Gần 88% bệnh nhân được chẩn đoán lần đầu tiên ở giai đoạn 2 trở đi. Điều này dẫn đến tỷ lệ tử vong đang không ngừng tăng lên, đồng thời làm gia tăng gánh nặng tài chính lên bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Trong 12 tháng thực hiện nghiên cứu trên 9.513 bệnh nhân tại 8 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, có 29% đã qua đời. 44% bệnh nhân sống sót với tình hình "thảm họa tài chính". Ước tính số trường hợp dự kiến mắc mới ung thư ở khu vực này sẽ ở mức 1,3 triệu vào năm 2030, tăng 70% so với năm 2012. Các chuyên gia nhận định, tăng gánh nặng ung thư sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nếu không có hành động ngay từ bây giờ.
|
Tiến sĩ Mark Woodward - Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu George (người đầu tiên từ trái sang) trao đổi cùng 2 chuyên gia đến từ Malaysia và Indonesia. Ảnh: Lê Phương. |
Giáo sư Mark Woodward nhấn mạnh, tuy không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng ung thư cần được ưu tiên khẩn cấp và xem như một vấn đề quốc gia, không chỉ ảnh hưởng gia đình bệnh nhân mà còn cho xã hội và nền kinh tế. Ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp, cần tạo ra mạng lưới an sinh xã hội hỗ trợ cho người nghèo. Đặc biệt, các chương trình tầm soát để tăng cường phát hiện sớm bệnh là rất cần thiết để cải thiện tỷ lệ sống sót, bảo vệ người dân khỏi gánh nặng bệnh tật, làm giảm tác động đến năng suất nền kinh tế.
Giáo sư Nirmala Bhoo-Pathy, Đại học Malaya (Malaysia) ví dụ, chi phí trung bình cho một bệnh nhân điều trị ung thư vú khoảng 15.000 USD mỗi năm. Bệnh nhân có thu nhập trung bình 1.100 USD một tháng hoặc thấp hơn sẽ rất khó khăn để chi trả điều trị. Hầu hết bệnh nhân phải sử dụng từ tiền kiết kiệm của gia đình để duy trì cuộc sống, tạo nên thảm họa tài chính to lớn.
Tại Indonesia, chính phủ đã triển khai chương trình kiểm soát và tầm soát ung thư sớm ở phạm vi quốc gia, ngay từ các phòng khám y tế địa phương. Năm ngoái chương trình bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân được thực hiện, giúp người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Tương tự, Giáo sư Nirmala cho biết tại Malaysia bảo hiểm y tế toàn dân đã giúp giảm thiểu các rủi ro về tài chính cho bệnh nhân ung thư với những dịch vụ chăm sóc chất lượng.
Theo suckhoe.vnexpress