Sau khoảng một năm rưỡi thử nghiệm, Bộ Y tế Việt Nam cho phép ứng dụng chất nhuộm màu ICG trong điều trị ung thư.
|
Bệnh nhân ung thư đại trực tràng được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: TP. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giải thích ICG (Indocyanine green) là chất nhuộm màu được sử dụng trong chẩn đoán y khoa giúp tăng khả năng xác định chính xác các hạch di căn để nạo vét triệt để, nhờ đó tăng hiệu quả chữa khỏi ung thư và giảm tỷ lệ tái phát
Khi tiêm chất này vào cơ thể bệnh nhân, ICG sẽ mô phỏng đường đi của các tế bào ung thư và hiển thị hình ảnh trên thiết bị quan sát chuyên dụng. Khi theo dõi qua máy, phẫu thuật viên có thể nhận diện được những vùng bị ung thư xâm lấn và lên phương án tiêu diệt triệt để các tế bào ác tính.
Bác sĩ Thịnh cho biết, ICG đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư da... Mới đây Bộ Y tế VN đã cho phép sử dụng ở trong nước. Đến nay Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP HCM là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp phép sử dụng ICG trong phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng. Các chuyên gia kỳ vọng việc áp dụng kỹ thuật này một cách thường quy giúp tăng khả năng xác định chính xác các hạch di căn cũng như chẩn đoán giai đoạn bệnh, nạo hạch triệt để, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn mà chi phí phẫu thuật gia tăng không đáng kể.
Theo thống kê ung thư đại trực tràng là bệnh ác tính đường tiêu hóa thường gặp trong cộng đồng hầu hết các nước trên thế giới. Bệnh này là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trong các loại ung thư. Nguy cơ mắc bệnh trong suốt đời mỗi người được ước tính khoảng 1/20, tức cứ 20 người thì một trường hợp có thể bệnh.
Ở các nước phát triển, tần suất ung thư đại trực tràng giảm dần từ 2,1 đến 2,8% mỗi năm nhờ hiệu quả của những chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn quyết định hiệu quả điều trị và chữa khỏi. Ngược lại, tần suất ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển. Hiện nay, tại Việt Nam số ca ung thư đại trực tràng gia tăng đáng kể so với 10 năm trước, dự báo bệnh sẽ tăng mạnh vào năm 2020.
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng và thường được phát hiện thông qua các chương trình tầm soát ung thư. Giai đoạn trễ hơn, bệnh nhân thường đi cầu ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu phân lỏng xen kẽ táo bón), thay đổi hình dạng khối phân, mót rặn, đau bụng và thiếu máu... Các triệu chứng này cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác nên dễ bị nhầm lẫn. Trung bình có khoảng 20 đến 25% người bệnh ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn rất trễ khi các tế bào ung thư đã tiến triển và lan rộng. Khi đó người bệnh có thể gặp các biến chứng như tắc ruột, chảy máu tiêu hóa, thủng u.
Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng chủ yếu là phẫu thuật cắt khối u và nạo hạch. Hàng năm Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM điều trị khoảng 500 đến 700 ca ung thư đại trực tràng. Hầu hết đều phát hiện muộn ở giai đoạn 3 đến 4, chỉ có số ít ở giai đoạn sớm. Sau điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh của ung thư giai đoạn sớm là trên 95%, ung thư có triệu chứng khoảng 50% và ung thư di căn xa chỉ dưới 5%.
Trần Ngoan