Những bệnh di truyền ảnh hưởng đến hôn nhân

Ngày đăng: 06/10/2009 Lượt xem 3897

Khóc dở mếu dở trong đêm tân hôn

Không ít cô gái, chàng trai đã bàng hoàng vỡ mộng ngay trong đêm đầu tiên là vợ chồng của nhau. Nguyễn Thị H, 25 tuổi, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm cũng là người trong số đó. Khi đụng đúng nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai, cô đã tức tưởi khóc: “Hơn một năm làm vợ nhưng em vẫn là con gái. Cuộc sống vợ chồng tẻ ngắt chẳng khác nào bạn bè. Anh ấy không phải là đàn ông. Trước ngày cưới, em luôn cảm phục anh ấy vì đã yêu và giữ gìn cho em đến tận ngày cưới nhưng nào ngờ”...

Với Trịnh Văn Q, tổ 4 phường Lê Hồng Phong, thị xã Phủ Lý, Hà Nam sau 4 năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về quê khấp khởi mừng vì người anh yêu vẫn thuỷ chung chờ đợi. Không muốn nàng phải chờ đợi thêm và cũng không muốn nàng đánh giá thấp mình cũng như bao người đàn ông khác nên Q đã bấm bụng chờ đến đêm tân hôn. Nhưng mọi chuyện không đẹp như ý nghĩ ban đầu. Đêm tân hôn, Q chết điếng khi nhận ra rằng nàng 27 tuổi nhưng “cô nhỏ” trinh nguyên đến độ chưa “trưởng thành”.

Trần Lệ N, ngõ 190, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cũng gặp phải tình huống trớ trêu không kém. Sau khi kết hôn chưa đầy 2 tháng cô bắt đầu thấy sức khoẻ của mình suy kiệt. Trông N gầy guộc và yếu ớt, mẹ cô đã đưa cô đến Tổ chức Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) để kiểm tra sức khoẻ. Qua xét nghiệm tế bào cổ tử cung bác sĩ đã cho cô biết tin dữ: N có dấu hiệu ung thư sớm cổ tử cung. Vậy là sau ngày cưới chưa đầy 2 tháng cô đã biết mình đứng trước nguy cơ có thể mất khả năng làm mẹ. N thổ lộ qua làn nước mắt: “Em ân hận vì đã không đi khám sức khoẻ sớm hơn. T (chồng N) là người mà em hết sức yêu thương và muốn gắn bó cả đời cùng anh ấy. Em muốn sinh cho anh ấy những đứa con khoẻ mạnh kháu khỉnh nhưng không ngờ em đã kéo anh ấy phải chịu chung nỗi khổ với em. Nếu biết trước điều bất hạnh này em sẽ không để anh ấy phải khổ vì mình”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia về y tế thì chỉ cần có một cuộc thăm khám nhỏ cho cả hai người trước hôn nhân thì tất cả những điều “kín đáo” đó sẽ lộ diện. Hai người vẫn có thể tiến tới hôn nhân nhưng đã được chuẩn bị kỹ về mặt tinh thần.

Cuộc “trao đổi” cần thiết

Hiện nay, việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân ở Việt Nam mới dừng ở mức độ khuyến khích. Trong khi ở các nước tiên tiến đây là quy định bắt buộc của cả nam và nữ trước khi kết hôn. Theo TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn chỉ là cuộc trao đổi ý kiến, giải đáp thắc mắc diễn ra giữa bác sĩ chuyên khoa và người có nhu cầu tư vấn. Nội dung tư vấn bao gồm các rối loạn chức năng sinh dục, biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản, bệnh di truyền, bệnh nội tạng (tim, gan, phổi...), bệnh cơ quan sinh dục, bệnh tâm thần.

Thao tác chuyên môn gồm có hai phần chính: Một là xem xét bệnh sử đôi bên, các tiền căn về rối loạn tâm thần, viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền, kém phát triển trí tuệ, bệnh tim, gan, thận, tình trạng kinh nguyệt/xuất tinh, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình, tình trạng sinh đẻ (với người đã từng lập gia đình)... Hai là kiểm tra sức khỏe như chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp, test tâm thần kinh, thăm khám hiện trạng bệnh lý đang theo dõi điều trị, thăm khám cơ quan sinh dục ngoài và trong, với bạn gái trẻ chưa có gia đình thì thăm khám qua đường hậu môn nếu cần thiết, để biết tình trạng tử cung; siêu âm, chụp nhũ ảnh, xét nghiệm máu, nước tiểu nếu cần.

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang - Phó Giám đốc tổ chức LIGHT cũng khẳng định: “Tư vấn di truyền không cản trở sự kết hôn mà chỉ đưa ra những phương hướng giúp họ phòng tránh được các rủi ro sinh con có khuyết tật di truyền. Hoặc hướng dẫn cách nuôi tối ưu với những trẻ có bệnh về chuyển hóa. Bên cạnh đó, khi khám và tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân, các bạn trẻ cũng được kiểm tra và biết trước tình trạng của mình đối với một số bệnh như viêm gan B,  C... Trên cơ sở đó có thể tiêm phòng trước khi kết hôn, tránh tình trạng lây nhiễm cho vợ hoặc chồng và đặc biệt tránh lây truyền cho con trong quá trình mang thai”.

Những căn bệnh ẩn mặt nguy hiểm

Theo các bác sĩ chuyên khoa thì phần lớn những thanh niên trong độ tuổi 20- 30 đến khám tại các phòng khám chuyên khoa không có khái niệm về khám bệnh trước khi tiến tới hôn nhân. Họ tìm đến dịch vụ y tế chỉ vì đã mắc bệnh phụ khoa. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Viết Tiến thì trên thực tế rất nhiều chị em bị bệnh đường sinh dục nhưng không có biểu hiện bên ngoài như dị tật âm đạo, tử cung, buồng trứng, vòi trứng... cho nên những phụ nữ này cũng cần được thầy thuốc phụ khoa kiểm tra và đánh giá một lần trước khi kết hôn. Đối với nam giới việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng sinh sản của nam giới được chứng tỏ tiềm năng sinh sản qua khám 2 tinh hoàn và những biểu hiện của sự phát triển tính dục như cương cứng, xuất tinh.

Bên cạnh đó, GS. Trịnh Văn Bảo, Trưởng bộ môn Y sinh học - Di truyền, ĐH Y Hà Nội Tư vấn di truyền cũng liệt kê ra hàng loạt bệnh di truyền nghiêm trọng như bệnh tâm thần, hội chứng bệnh Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư...; Bệnh lây nhiễm (HIV/AIDS, lậu, giang mai, phong và các bệnh lây khác có ảnh hưởng đến hôn nhân và sinh sản), bệnh tâm thần (tâm thần phân liệt, bệnh cuồng loạn và các bệnh tâm thần thể nặng khác) và một số các bệnh khác (bao gồm các bệnh tim mạch, gan, phổi, thận gây ảnh hưởng đến hôn nhân và sinh sản, tiểu đường, tăng năng tuyến giáp...).

Khám sức khoẻ trước khi kết hôn chưa phải là điều kiện bắt buộc cho một cuộc hôn nhân nên nhiều cặp đôi chưa nghĩ đến nó. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì nếu muốn sinh ra những đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh những ông bố, bà mẹ trẻ khi có quyết định sinh con nên nghĩ đến việc kiểm tra sức khoẻ cho cả hai. Vì động tác này có thể loại bỏ được nhiều sự cố không mong muốn ở đứa trẻ sẽ sinh ra.

Tin liên quan