Trên 80% mẫu hạt dưa, bột ớt có chứa chất gây ung thư

Ngày đăng: 22/01/2010 Lượt xem 2218
Thưa bà, bà có thể nói cụ thể hơn về kết quả này? Các mẫu hạt dưa, bột ớt trên phân bố ở khu vực, tỉnh thành nào?

Thời gian qua, ngoài những mẫu mà chúng tôi chủ động lấy trên thị trường Hà Nội thì cũng có các mẫu do Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành như Hà Nội, Huế, Hải phòng… gửi về viện kiểm nghiệm. Cho đến nay, tất cả các mẫu xét nghiệm này đã có kết quả.

Với những mẫu do chúng tôi lấy trên thị trường, chúng tôi đã gửi kết quả đến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Cục sẽ có trách nhiệm công bố. Còn với những mẫu tại các địa phương, chúng tôi cũng đã gửi về các địa phương để địa phương công bố.

Tuy nhiên, tính chung ra thì tỷ lệ thực phẩm (hai nhóm chủ yếu là hạt dưa và ớt bột) bị nhuộm RhodaminB là khá cáo, từ 80 -100% tuỳ từng tỉnh.

Bà đánh giá như thế nào về kết quả kiểm nghiệm trên? Cũng có nhiều thông tin cho rằng trong hạt điều, gia vị trong mỳ tôm cũng chứa chất nhuộm RhodaminB, điều này có cơ sở không?

Các mẫu hạt dưa, bột ớt này là do Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh gửi lên nên chúng tôi không biết họ có giám sát theo kiểu lấy mẫu ngẫu nhiên trên toàn thị trường hay chỉ gửi những mẫu nghi ngờ cao đi kiểm nghiệm nên không thể đưa ra được đánh giá cụ thể về tỉ lệ này là cao hay thấp. Còn tỷ lệ ghi nhận trên các mẫu đã được xét nghiệm thì rất cao, như đã nói ở trên.

Còn trong gia vị mỳ tôm có chứa Rhodamin B hay không? Nếu nói theo logic thì cũng không loại trừ do trong ớt bột có RhodaminB thì những gia vị sử dụng ớt bột đều có nguy cơ cao. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa kiểm nghiệm mẫu gia vị nào tương tự.

Các thực phẩm này có thể nhiễm RhodaminB từ những nguồn nào, thưa bà?

RhodaminB có thể nhiễm vào thực phẩm qua hai con đường: Một là qua phân bón, thuốc trừ sâu, khi thu hái không xử lý tốt thì còn lại chất này. Tuy nhiên nếu thực phẩm nhiễm RhodaminB từ nguồn này thì không đáng kể và chỉ tồn tại ở dạng tồn dư, còn vết. Còn nguy hiểm nhất là cho trực tiếp RhodaminB vào thực phẩm, do người kinh doanh nhuộm vào vừa làm đẹp màu thực phẩm, vừa chống mối mọt, nấm mốc. Tuy sản phẩm đẹp mắt, nhưng rất độc hại cho người tiêu dùng, tích lũy tại gan, thận gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, vì sự tiện dụng và giá rẻ (rẻ hơn phẩm màu thực phẩm, bền màu hơn) mà nhiều gian thương vẫn sử dụng để nhuộm thực phẩm. Do vậy, người dân cần lựa chọn nguồn thực phẩm rõ ràng để phòng ăn phải những thực phẩm bị nhuộm chất này.

Thưa bà, vậy có cách nào giúp người tiêu dùng phân biệt được bột ớt, hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm hay nhuộm bằng RhodaminB không?

Bằng mắt thường, để phân biệt được hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm hay RhodaminB rất khó. Vì thế, tốt nhất là người tiêu dùng loại nên sử dụng những thực phẩm có nhãn mác, trên nhãn mác ghi rõ có sử dụng phụ gia, phẩm màu hay chất ngọt gì, có rõ ngày sản xuất, sử dụng. Nên hạn chế ăn tất cả những thực phẩm có phẩm màu. Nhất là nếu sản phẩm đó có màu quá sặc sỡ, đặc biệt thiên về màu cánh gián thì có nguy cơ là sử dụng chất màu công nghiệp, có thể là RhodaminB.
 
\"\"
Hạt  dưa nhuộm bằng RhodaminB hay phẩm màu công nghiệp đều bền màu, màu sắc sặc sỡ hơn nhuộm bằng phẩm màu tự nhiên (Ảnh: H.Hải)
 
Một điểm nữa cũng cần lưu ý, nếu hạt đưa được nhuộm bằng phẩm màu tự nhiên thì độ bền màu không cao, rất dễ phai trong khi nếu nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp thì màu bám chắc, không phai. Do vậy, hạt dưa nhuộm phẩm màu tự nhiên thì có hiện tượng phai khi tiếp xúc với nước. Vì thế, khi mua hạt dưa có thể thử xem có bị nhuộm phẩm màu công nghiệp không bằng cách lấy vài hạt cho vài nước xem có bị phai màu không.  
 

Phát hiện ớt bột có chứa chất độc hại Rhodamine B tại Quảng Nam

Tin từ Thanh tra Sở Y tế và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngày 16/1 sau khi kiểm tra và đã phát hiện tại cơ sở chế biến ớt bột của bà Trần Thị Phúc (ở thôn Ái Mỹ, xã Đại Phước, Đại Lộc) dùng bột điều đỏ hiệu Kim Nga có chứa Rhodamine B.

 

Bà Phúc cho biết “thường trộn ớt bột loại 2 với khoảng 20-30% bột cà-ri và ít phụ gia bột điều đỏ Kim Nga”. Sau khi phát hiện thì lực lượng chức năng đã lập biên bản và thu giữ 7,5 kg bột điều đỏ hiệu Kim Nga để tiêu hủy.

 

Điều đáng nói là bột điều đỏ hiệu Kim Nga được sản xuất tại cơ sở 2/26A (ấp 2 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) và bán rộng rãi trên thị trường từ năm 1998. Trên bao bì sản phẩm này có ghi đầy đủ là nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ độc quyền và chú thích cách sử dụng để nấu cà-ri, nấu bún, bánh canh, chiên xào nấu nướng...

 

Trước đó, vào ngày 4/1 vừa qua, Thanh tra Sở y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo cho Thanh tra Sở y tế Quảng Nam với nội dung đã phát hiện một số mẫu ớt bột bán tại chợ Đông Ba (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có nguồn gốc từ cơ sở của bà Trần Thị Phúc ở Đại Lộc (Quảng Nam) có chứa Rhodamine B độc hại.

 

Sau đó, Thanh tra Sở Y tế đã  phối hợp cùng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam đi kiểm tra một số cơ sở chế biến ớt bột ở huyện Đại Lộc, lấy mẫu để xét nghiệm các thành phần hóa chất được sử dụng trong loại ớt này và đã phát hiện ra sự việc trên.
 

Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế TP HCM tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất Kim Nga và ra quyết định tạm dừng sản xuất và tiến hành thu hồi các sản phẩm đang được bày bán trên thị trường, nhằm đảm bảo sức cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, để xác định chính xác sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu sản xuất của cơ sở này có chứa chất gây ung thư hay không, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.

Ngoài bột ớt khô, đoàn cũng lấy thêm một mẫu bột hạt điều đỏ mang đi xét nghiệm chất gây ung thư. Kết quả các mẫu dự kiến sẽ có trong một vài ngày tới.

 
Công Bính - Văn Sơn

Tin liên quan