HPV là gì?
HPV là chữ viết tắt của Human Papiloma Virus – một loại virus thuộc nhóm ADN không có vỏ bọc cùng nhóm với adenovirus hay parvovirus (nhóm parvovavirus). HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Ít nhất 50% người ở độ tuổi hoạt động tình dục sẽ nhiễm HPV. HPV có hơn 100 týp. Khoảng 40 trong số đó tác động trên đường sinh dục, số nhóm nguy cơ cao hiện nay vào khoảng 15-18 nhóm, phổ biến nhất là týp 16,18 – nguyên nhân gây ra 70% các ca ung thư. Nhóm 6,11 được xem là nguy cơ thấp hơn và gặp trong hơn 90% các trường hợp u nhú còn gọi là mụn cơm đường sinh dục (condyloma acumata). Một số týp có thể làm sản sinh những tế bào bất thường trên niêm mạc cổ tử cung mà sau đó nhiều năm có thể phát triển thành ung thư. Tuy vậy không phải phụ nữ nào bị nhiễm virut này cũng sẽ bị ung thư bởi trong nhiều trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể tiêu diệt HPV.
Cho đến nay, HPV không thể điều trị bằng dược phẩm vì thế phòng bệnh là số 1 và vai trò phòng ngừa của vaccin là quan trọng nhất.
Các vaccin lần lượt ra đời
Tháng 6/2006, lần đầu tiên Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho một vaccin có tên gardasil của hãng dược phẩm Merk & Co được phép lưu hành với chỉ định phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo. Vaccin được sản xuất từ protein vỏ của HPV và có tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virut. Gardasil đã chứng minh tác dụng phòng ngừa 4 týp HPV 6, 11, 16, 18. - bốn týp HPV được cho là nguy hiểm nhất trong số các týp gây bệnh cho người. Các kết quả thử nghiệm cho thấy vaccin đạt hiệu quả 100% với 2 chủng virut này. Gardasil được chỉ định tiêm phòng cho phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26.
Các nhà khoa học đánh giá sự xuất hiện của gardasil là một sự kiện khoa học của năm 2006 và là “một dấu ấn” trong y khoa thế giới. Sở dĩ như vậy là do tỷ lệ nhiễm HPV cũng như các bệnh gây ra do virut này thực sự là một nguy cơ lớn cho phụ nữ và là gánh nặng cho y khoa thế giới. Và năm 2008, gardasil được trao giải thưởng Galien - một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực dược phẩm. Sau khi gardasil được lưu hành, cervarix – một vaccin do hãng GlaxoSmithKline, Anh đã được phép lưu hành ở Anh và châu Âu với chỉ định phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư cho phụ nữ tuổi từ 10 - 45. Cervarix được cho là vaccin ngừa ung thư do HPV thế hệ thứ 2 nhưng là vaccin đầu tiên cho phụ nữ trên 26 tuổi. Có hai điểm khác biệt của cervarix so với gardasil là vaccin này được bổ sung một chất hỗ trợ có tên ASO4 – một chất được hãng sản xuất báo cáo là có tác dụng làm tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể và kéo dài thời gian tác dụng và cervarix chỉ có tác dụng ngừa hai týp HPV là týp 16 và 18. Ngay sau khi được phép lưu hành, cervarix đã được tiêm phòng cho các thiếu nữ Anh ở độ tuổi teen. Tháng 5 năm 2007, Úc là quốc gia tiếp theo cấp phép cho cervarix. Dư luận của quốc đảo này đánh giá đây là một bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới loại trừ gánh nặng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ.
Hiệu quả phòng ngừa
Cả hai loại vaccin tiên phong trong lĩnh vực này đều là các vaccin bất hoạt (do được sản xuất từ một phần virut) nên loại trừ nguy cơ gây nhiễm virut cũng như độc tố từ chính vaccin.
Các kết quả thử nghiệm của gardasil trên 11.000 phụ nữ Mỹ trong độ tuổi từ 9 – 26 chưa tiếp xúc với 4 týp HPV đã cho thấy vaccin có hiệu quả gần như 100% trong việc phòng ngừa bệnh gây ra bởi 4 týp HPV, bao gồm tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và u sùi sinh dục. Kết quả cũng cho thấy vaccin kém hiệu quả hơn ở những phụ nữ nhiều tuổi hoặc đã nhiễm với một trong 4 týp HPV, đã bị bệnh u sùi sinh dục, tiền ung thư hay ung thư do HPV.
Các thử nghiệm của cervarix trên 1.100 phụ nữ Nam Mỹ, Brazil; 660 phụ nữ Đức và Ba Lan cũng cho thấy hiệu quả phòng ngừa HPV là rất cao, thậm chí còn có bằng chứng cho thấy tác dụng phòng ngừa các týp HPV ngoài 16 và 18 như týp 31 và 45. Ở lứa tuổi từ 15 – 25, hiệu quả của vaccin là 100% trong vòng 12 tháng và tác dụng kéo dài 4 năm rưỡi sau đó
Tuy nhiên, cả hai loại vaccin này đều có những hạn chế nhất định. Hạn chế đầu tiên phải nhắc đến là không phòng ngừa được tất cả các týp HPV trong khi hai týp 16, 18 chỉ là nguyên nhân gây nên 70% ca ung thư vì thế không ngăn ngừa được tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung và u sùi sinh dục. Điều này cũng có nghĩa là dù đã tiêm vaccin, phụ nữ vẫn phải được tầm soát ung thư bởi xét nghiệm phát hiện (xét nghiệm Papmears) định kỳ và cũng không ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì thế việc bảo vệ không tiếp xúc với HPV và bệnh lây qua đường tình dục vẫn là vấn đề quan trọng.
Đối tượng tiêm vaccin
Theo chỉ định của nhà sản xuất, gardasil được dùng cho phụ nữ từ 9 – 26 tuổi và cervarix dùng cho phụ nữ từ 10 – 45 tuổi. Có hai lý do để đưa ra chỉ định này là vaccin mới được thử nghiệm trên nhóm đối tượng phụ nữ ở độ tuổi này và hiệu quả của vaccin ở nhóm tuổi này là cao nhất. Trên thực tế, các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, ở độ tuổi cao hơn (trên 26 tuổi với gardasil và trên 45 tuổi với cervarix) thì hiệu quả tác dụng giảm đi. Nói như vậy không có nghĩa là ở độ tuổi cao hơn thì vaccin không có hiệu quả mà chỉ là hiệu quả giảm đi. Trong khi nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV gây ra không giới hạn ở độ tuổi nào thì việc ngăn ngừa bằng vaccin ở tất cả các phụ nữ còn hoạt động tình dục là cần thiết. Hơn nữa, vaccin loại này không gây độc hại cho cơ thể.
Hiện nay, nhiều phụ nữ băn khoăn là đã nhiễm HPV có nên tiêm vaccin hay không? Và có phải làm xét nghiệm trước khi tiêm phòng hay không?
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học trên thế giới, hiệu quả phòng ngừa của vaccin sẽ là tuyệt đối nếu người phụ nữ đó chưa có quan hệ tình dục, chưa có hoặc hiện tại không nhiễm HPV. Nhưng như trên đã nói, HPV có hàng trăm týp mà xét nghiệm hiện tại mới chỉ phát hiện là có nhiễm HPV hay không chứ chưa chỉ điểm ra được là nhiễm týp nào. Mặt khác, các vaccin hiện có lại có hiệu quả phòng ngừa với các týp gây bệnh phổ biến nhất. Vì thế, ngay cả khi kết quả xét nghiệm là dương tính với HPV thì chưa chắc đó đã là các týp HPV gây bệnh hoặc tất cả các chủng HPV. Việc tiêm vaccin khi đó được cho là vẫn có hiệu quả (tuy không tuyệt đối) với các týp HPV khác và như vậy vẫn có hiệu quả phòng ngừa. Ngoài ra, cần nói thêm rằng, việc làm các xét nghiệm nên được xem là công việc thường xuyên định kỳ đối với phụ nữ ở độ tuổi có hoạt động tình dục cho dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccin. Bởi lẽ hiệu quả của vaccin đối với các týp kể trên có thể là 100% nhưng cũng mới chỉ ngừa được 70% số ca ung thư chứ chưa phải là tuyệt đối và hiệu quả này chỉ kéo dài 4 – 5 năm trong điều kiện tiêm đủ 3 mũi theo phác đồ.
Và cuối cùng, nên gọi hai vaccin này là gì? Trong các y văn hiện có trên thế giới, người ta có thể gọi theo hai cách: vaccin ngừa ung thư cổ tử cung hoặc vaccin ngừa HPV. Cả hai cách gọi này đều không sai nếu như chúng ta hiểu đúng về tác dụng của chúng.