Theo nhóm các nhà khoa học Mỹ, không tạo miễn dịch cho trẻ ở thời điểm sớm nhất trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu trường Y Louisville (Mỹ) đã xem xét dữ liệu từ các dự án giám sát an toàn vắc-xin Mỹ và so sánh các kết quả tiêm vắc-xin của 1.047 trẻ từ năm 1993 – 1997. Một số trong đó đã được tiêm vắc-xin đúng lịch với 10 mũi tiêm trong 7 tháng đầu đời và một số khác thì trì hoãn việc tiêm vắc-xin.
Các nhà nghiên cứu thực hiện các test về trí thông minh, diễn đạt và hành vi của trẻ 7 năm sau đó và nhận thấy có một số sự khác biệt giữa 2 nhóm tiêm vắc-xin đúng hạn và bị trì hoãn. Nhóm tiêm đúng lịch có điểm kiểm tra IQ nhỉnh hơn và cũng trả lời nhanh hơn 1 chút.
BS Michael Smith, chuyên gia nhi về các bệnh nhiễm trùng, ĐH Louisville cho biết: “Nghiên cứu cho thấy trì hoãn việc tiêm vắc-xin sẽ không giúp trẻ sơ sinh có thêm bất kỳ lợi thế nào về phát triển trí não. Và việc không tiêm vắc-xin còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như viêm gan B”. Và ông so sánh với việc không thắt dây bảo hiểm khi ngồi ô tô: “Bạn sẽ không biết khi nào mình bị “quật ngã””.
Theo khuyến nghị, trẻ cần được tiêm khoảng 15 mũi trong 18 tháng đầu đời, tính gộp cả các mũi vắc-xin 5 trong 1. Giai đoạn cao điểm nhất là tháng tuổi thứ 4, trẻ phải tiêm 3 mũi trong tháng.