Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư

Ngày đăng: 23/07/2012 Lượt xem 6555
Hầu như ai đi khám bệnh mà bác sĩ kết luận là ung thư thì tâm lý cũng đều hoang mang, hoảng loạn, thậm chí suy sụp nghiêm trọng. Vì thế, việc chăm sóc, động viên từ phía thân nhân là rất quan trọng nhằm giảm nhẹ nỗi lo của bệnh nhân.

Thường xuyên động viên

Trước nhất, cần phải thường xuyên gần gũi bệnh nhân để làm giảm bớt cảm giác lo âu của họ. Kế đó làm cho bệnh nhân có tâm lý phấn đấu kiên trì thông qua việc giải thích, an ủi để họ thấy có nhiều hy vọng hồi phục. Có người, bệnh tình phát triển cực nhanh nhưng có người thì từ từ, căn cứ vào tình hình thực tế để chúng ta giải thích và tạo cho họ tinh thần lạc quan.

Sự chăm sóc của thân nhân cũng rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân ngăn ngừa lở loét. Cụ thể, cần phải siêng năng làm các việc như: trở mình, lau rửa, xoa bóp, tắm giặt, kiểm tra...  Đối với bệnh nhân nằm trường kỳ trên giường, chúng ta phải mỗi ngày định giờ thay đổi tư thế nằm của họ. Cứ 2 hay 3 giờ đổi một lần, tối đa không được quá 4 giờ.

Lúc đổi thế nằm, phải nâng bệnh nhân lên, tránh động tác lôi kéo hay đẩy mạnh ở chỗ xương nhô cao, phải lót đệm bằng hơi hoặc lông…; mặt giường phải bằng phẳng, khô ráo, sạch sẽ, không dính vật nhỏ nào; khăn, mền bị ướt phải kịp thời thay ngay; lúc tiêu tiểu phải giữ cho da khô ráo, lúc dùng bàn cầu phải nâng bệnh nhân lên một cách khéo léo, trên thành bàn cầu tốt nhất nên phủ giấy hay vải mềm để tránh trầy da thịt; mỗi ngày kiểm tra theo giờ những bộ phận bị đè ép; dùng nước ấm và khăn lông lau sạch chỗ bị đè ép; nếu da quá khô và lột da thì có thể dùng thuốc mỡ thoa chút ít để tránh nứt da, chảy máu.
 
Không tùy tiện giảm nhiệt

Lên cơn sốt cao là một triệu chứng thường thấy của bệnh nhân ung thư. Thân nhân không nên tùy tiện cho họ dùng thuốc giảm nhiệt hay thuốc kháng viêm khi chưa có sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

Bệnh nhân lên cơn sốt nhưng tâm trí vẫn sáng suốt, mạch nhảy có lực, hơi thở bình thường không có gì khó khăn, bàn tay,  bàn chân vẫn ấm..., chứng tỏ cơ thể vẫn còn sức đề kháng, có thể cho bệnh nhân uống nước sôi để nguội và dùng khăn tẩm nước mát đặt lên trán hoặc dưới nách, háng. Bệnh nhân phải được mặc quần áo mỏng hoặc đưa vào phòng tắm có nước ấm, dùng khăn bông ngâm nước rồi lau toàn thân. Sau đó, dùng khăn khô lau sạch nước còn đọng trên người của bệnh nhân, để da khô ráo.
Sau khi dùng phương pháp chữa trị như cắt bỏ khối ung thư hoặc dùng xạ trị hay hóa trị, bệnh nhân cần tập những môn thể dục nào đó mà khả năng sức khỏe cho phép. Số bạch huyết cầu trong máu sẽ được gia tăng. Bạch huyết cầu có năng lực tiêu diệt các tế bào ung thư và các loại vi khuẩn. Tập thể dục đồng thời có thể cải thiện tốt quá trình thay cũ đổi mới của tế bào trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật. Người bị bệnh ung thư tập thể dục nhẹ nhàng, đúng nguyên tắc là tự tạo lại sức khỏe cho mình một cách chậm rãi và tuần tự.
 
Cần hoạt động sau giải phẫu

Sau khi giải phẫu, bệnh nhân ung thư cần phải làm cho toàn thân hoạt động nhưng vì thể trạng của mỗi người khác nhau nên sự vận động cũng phải khác nhau. Giải phẫu xong, nếu không có gì cấm kỵ thì sau một tuần, bệnh nhân có thể rời khỏi giường và đi đứng, tức phải sớm hoạt động bằng cách nhờ người nhà dìu, tập đi tới đi lui để thúc đẩy các cơ năng trong thân thể mau hồi phục.

Nếu vết mổ khá lớn, sau khi phẫu thuật sức khỏe nhất định rất kém, không thể xuống giường được. Bệnh nhân có thể ở trên giường tập các động tác tay chân và tập trở mình qua lại. Nếu thân thể hồi phục tốt, có thể dần dần tập nhiều hơn, thay đổi nội dung tập luyện từ đi bộ, tập khí công đến vận động nhẹ tay chân.
Việc tập luyện này sẽ làm tăng công năng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể, làm chậm sự lão hóa của tế bào, giảm thiểu cơ hội tế bào bình thường biến thành tế bào ung thư; tăng sự thèm ăn, cải thiện công năng tiêu hóa; có thể làm cho tâm tính trở nên sảng khoái, tiêu trừ phiền não ưu sầu, tăng sức mạnh tâm lý.

Chú ý các yếu tố vi lượng

Các nguyên tố vi lượng có tác dụng chống ung thư mà chúng ta rất cần chú ý để tăng cường cho bệnh nhân ung thư sử dụng, gồm: Selenium (có nhiều trong mè, mạch nha; thịt các loại hải sản có hàm lượng selenium cao hơn các loại thịt khác; rau cải chứa selenium ít nhưng ở măng tây thì hàm lượng khá cao), i-ốt (có nhiều trong hải sản, tảo đỏ, rong biển…), kẽm (có nhiều trong hải sản, các loại sò có hàm lượng cao nhất), molybdanium (các loại đậu có hàm lượng molybdanium cao nhất; rau cải, gan động vật cũng có hàm lượng molybdanium khá cao).

Tin liên quan