Bị u nang buồng trứng sẽ khó có con?

Ngày đăng: 07/11/2013 Lượt xem 2313
U nang buồng trứng thường phát triển âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào bệnh cũng có thể đột ngột gây biến chứng cấp tính hoặc bán cấp tính: xoắn nang, chảy máu trong nang, vỡ nang, nhiễm trùng, chèn ép tiểu khung vì thế bạn nên cẩn thận nhé!

Em năm nay 25 tuổi, 5 tháng trước em có đi khám phụ khoa và được biết là bị u nang buồng trứng trái, nhưng em không đi chữa trị. Bây giờ em mới thấy lo lắng vì còn hơn 1 tháng nữa là em kết hôn. Em sợ nếu chưa chữa khỏi u nang buồng trứng thì sẽ khó có con. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Hoàng Hà).

Trả lời:

Bạn Hoàng Hà thân mến,

U nang buồng trứng nếu được phát hiện sớm, điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, vẫn có thể khỏi bệnh và sinh con bình thường bạn ạ.

U nang buồng trứng thường phát triển âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào bệnh cũng có thể đột ngột gây biến chứng cấp tính hoặc bán cấp tính: xoắn nang, chảy máu trong nang, vỡ nang, nhiễm trùng, chèn ép tiểu khung vì thế bạn nên cẩn thận nhé!

Một số trường hợp u nang buồng trứng còn gây ung thư, chủ yếu là loại u nang nước, nang nhầy. Tuy nhiên, còn tùy theo kích thước và tính chất khối u cũng như nguyện vọng sinh đẻ của bệnh nhân mà chọn phương pháp phẫu thuật triệt để cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bên bệnh hay chỉ bóc tách khối u để lại phần buồng trứng lành.
 
Nếu là nang buồng trứng cơ năng thường là những nang nhỏ, không có hại, có thể ở một hay ở cả 2 buồng trứng. Những nang này rất hay gặp ở những phụ nữ ở độ tuổi từ dậy thì đến mãn kinh tức là độ tuổi sinh sản khi 2 buồng trứng phóng ra nhiều trứng trưởng thành nhất.
U nang buồng trứng cơ năng (một hoặc 2 bên) có thể không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và người bệnh vẫn có thể có con. Tuy nhiên, nếu cần phải mổ để lấy u nang thì thầy thuốc thường tư vấn trước cho người bệnh biết trường hợp có thể ảnh hưởng đến tiềm năng sinh sản: khi cả 2 buồng trứng đều nang hoá, không còn mô lành. Thông thường, chỉ với một buồng trứng hoặc thậm chí một phần lành của buồng trứng, người phụ nữ vẫn có thể sinh sản.

Trên siêu âm, người ta dựa vào kích thước khối u, cấu trúc vỏ u (dày hay mỏng), thành phần trong khối u (echo trống là dịch, echo dày là mô đặc), có hình ảnh chồi hay vách, ở một hay 2 bên buồng trứng, có dịch trong ổ bụng... để xếp loại khối u.

Trường hợp của bạn đã siêu âm cách đây 5 tháng, nếu như theo bác sĩ siêu âm đã mô tả kết quả siêu âm của bạn là theo dõi u nang buồng trứng trái thì bạn nên phải đi siêu âm lại vào ngày thứ 5 hoặc thứ 6 của vòng kinh (sau khi sạch kinh 2 đến 3 ngày) và cần phải theo dõi trong 2 đến 3 vòng kinh liên tiếp.

Theo đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả thăm khám trực tiếp và các kết quả xét nghiệm vừa thực hiện và sẽ hướng dẫn bạn nên tiếp tục điều trị như thế nào và có lời khuyên chính xác nhất.

Chúc bạn sức khỏe!
 
Theo Trí thức trẻ/giadinh

Tin liên quan