Dùng Pap xét nghiệm ung thư khác

Ngày đăng: 28/01/2013 Lượt xem 1993

Liệu thử Pap, phương pháp thử nghiệm tế bào cổ tử cung và giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh mới phát, có thể là biện pháp hữu hiệu xác định các ung thư khác ở nữ giới hay không? Nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã đưa ra kết luận đầy lạc quan: có thể.

Các chuyên gia tại Johns Hopkins phát hiện chất dịch lấy từ cổ tử cung trong quá trình lấy mẫu Pap có thể được dùng để kiểm tra 2 loại ung thư khác, nhờ vào phương pháp giải mã gien gọi là “PapGene”. Họ đã tiến hành thử một nhóm mẫu nhỏ, và phát hiện quy trình này chẩn đoán chính xác toàn bộ 24 ca ung thư màng trong dạ con. Tuy nhiên, xác suất tìm ra bệnh ung thư buồng trứng là 41%, tức 9 trong số 22 ca. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn cao hơn thống kê hiện nay. Theo Tổ chức Ung thư Mỹ, chỉ có khoảng 20% ca ung thư buồng trứng được phát hiện sớm. Khả năng sống sót tăng lên đáng kể khi tìm ra dấu hiệu tồn tại của tế bào ung thư trước khi chúng bắt đầu lây lan. Tại Mỹ, khoảng 70.000 phụ nữ mỗi năm bị chẩn đoán mắc một trong 2 dạng ung thư buồng trứng và màng trong dạ con, và khoảng 23.500 người sẽ thiệt mạng.

Phương pháp thử Pap được thiết kế nhằm thu thập tế bào cổ tử cung để giám định ung thư. Nó được xem là “phương pháp vàng” cho tầm soát ung thư cổ tư cung. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào có thể tầm soát ung thư buồng trứng và màng trong dạ con. Do quy mô cuộc nghiên cứu trên khá nhỏ, các chuyên gia Johns Hopkins thừa nhận rằng cần phải triển khai thêm các cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn trước khi áp dụng đại trà, đặc biệt về lĩnh vực chẩn đoán ung thư buồng trứng. Các nhà khoa học đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho đợt nghiên cứu kế tiếp. Nhưng giới bác sĩ y khoa tỏ ra hết sức hồ hởi trước thông tin mới, chủ yếu do phương pháp thử Pap dễ dàng, tiện lợi và đã có sẵn. Khi các tế bào được lấy để kiểm tra, phần dịch dư bám trên dụng cụ thử sẽ được dùng để tầm soát các dạng ung thư nguy hiểm khác ở nữ giới.

Giới chuyên gia đánh giá việc thử Pap có thể loại bỏ những kết quả “dương tính sai lệch” mà các cuộc thử nghiệm trước về những loại ung thư này đã cung cấp. “Việc loại trừ bớt những kết quả dương tính sai lệch là một lợi thế thực sự, do chúng thường đẩy bệnh nhân vào tình trạng lo lắng, bồn chồn không đáng có”, theo CNN dẫn lời tiến sĩ Luis Diaz, Trưởng nhóm nghiên cứu và là trợ lý giáo sư về ung thư học ở Johns Hopkins. “Những cuộc kiểm tra tiếp theo rất đắt đỏ và là những xét nghiệm xâm nhập (gây đau đớn). Chúng tôi hy vọng thử nghiệm như Pap có thể xóa tan mọi lo lắng trên”, tiến sĩ Diaz cho biết. Kết quả cuộc nghiên cứu trên đã được công bố trên chuyên san Science Translational Medicine.

Theo thanhnien

Tin liên quan