Giảm viêm da do tia xạ trong xạ trị Ung thư vùng Đầu cổ

Ngày đăng: 19/04/2017 Lượt xem 11641
Trần Hải Bình, Mai Trọng Khoa, Nguyễn Thị Nghệ
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai


Xạ trị (Radiotherapy) là một trong các phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư vùng đầu cổ. Đối với một số loại ung thư vùng đầu cổ: ung thư vòm, ung thư hạ họng thanh quản lan rộng,… thì xạ trị kết hợp với hóa chất là phương pháp điều trị cơ bản. Xạ trị còn được chỉ định cho ung thư vùng đầu cổ đã phẫu thuật có nguy cơ cao. Xạ trị giúp điều trị khỏi bệnh cho các bệnh nhân này với tỉ lệ cao. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ của xạ trị, trong đó hay gặp nhất là viêm da do tia xạ (radiation dermatitis). Viêm da do tia xạ thường xảy ra trong quá trình xạ trị, thường bắt đầu sau khi xạ được 14-20Gy. Liều xạ tăng lên thường sẽ khiến viêm da nặng lên. Viêm da do tia xạ tùy vào mức độ từ nhẹ đến nặng mà được chia theo hướng dẫn chung về phân loại các tác dụng phụ (Common Terminology Criteria for Adverse Events – CTCAE version 4.03):

Tác dụng phụ

Độ 0

Độ 1

Độ 2

Độ 3

Độ 4

Viêm da

do tia xạ

Không

Đỏ, không loét

Đỏ, loét ≤2cm, bong một phần da hoặc tổ chức dưới da

Loét >2cm, tổn thương da nhiều, hoại tử tổ chức dưới da đến tận lớp cân

Loét mọi kích thước mà hoại tử sâu đến tận lớp cơ, xương


1. Viêm da độ 1: Đỏ da nhẹ, viêm khô (faint erythema/dry desquamation):



2. Viêm da độ 2: đỏ da tăng lên, viêm da xuất tiết, có loét nhỏ (moderate to brisk erythema/moist desquamation)



3. Viêm da độ 3: Loét >2cm, tổn thương da nhiều, hoại tử tổ chức dưới da đến tận lớp cân, dễ chảy máu khi tiếp xúc.



4. Viêm da độ 4: Loét và hoại tử sâu đến tận lớp cơ xương, hay chảy máu.



Để phòng và giảm viêm da do tia xạ, bệnh nhân cần được tư vấn về cách chăm sóc da vùng xạ trị và thăm khám thường xuyên nhằm sớm phát hiện ra các tổn thương da. Với viêm da độ 3 trở lên cần dừng xạ trị và chăm sóc tích cực đến khi hết các vết loét da.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi tư vấn các bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ cần lưu ý một số vấn đề sau trong khi xạ trị:

- Mát xa da ngoài vùng bị chiếu xạ (khi chưa có dấu hiệu viêm đỏ, loét vùng da bị chiếu xạ).

- Bôi một trong số các loại kem có tác dụng bảo vệ da và giảm viêm, bỏng da do tia xạ như: Biafine, Skincol,… (cần bôi lên vùng da bị chiếu xạ trước khi tia xạ khoảng 20-30 phút, có thể bôi lại lần 2,3 trong ngày tùy loại kem).

- Tránh mặc áo cổ chật để tránh cọ xát vào vùng da bị chiếu xạ. Nên mặc áo cổ rộng bằng cotton hoặc lụa tơ tằm. Người bệnh có thể mua áo chuyên dụng dành cho bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ có bán tại các cửa hàng cung cấp thiết bị y tế.

- Không sử dụng băng dính trên vùng da bị tia xạ.

- Ra ngoài nắng dùng khăn che chắn vùng da bị chiếu xạ. Điều này đặc biệt quan trọng, khi bị chiếu xạ, da trở nên nhạy cảm hơn với tia cực tím, dễ thâm và tổn thương hơn.

- Không tắm bằng xà phòng có kiềm vào vùng da bị chiếu xạ. Ví dụ: có thể mua sữa tắm Cetaphil tại các hiệu thuốc.

- Lưu ý chế độ ăn uống: uống nhiều nước, chế độ ăn giàu dinh dưỡng và vitamin.

- Khi xảy ra viêm nặng hơn, có bọng nước hoặc loét, cần dừng xạ trị và báo ngay bác sỹ xạ trị để được điều trị kịp thời.

+ Khi có viêm da xuất tiết thì dùng dung dịch castellani bôi lên vùng tổn thương giúp diệt khuẩn và làm khô tổn thương.

+ Sử dụng thuốc xịt Easyef 0,005%: thành phần chính là yếu tố tăng sản biểu bì người tái tổ hợp, xịt vào vùng da viêm loét giúp điều trị tổn thương và nhanh chóng phục hồi da.

+ Sử dụng kháng sinh và chống viêm trong trường hợp viêm loét nặng, nhân viên y tế chăm sóc tổn thương hàng ngày, tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch cho bệnh nhân.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, sau khi được tư vấn kỹ càng, thăm khám và kịp thời điều trị tổn thương viêm da do tia xạ, các bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và hoàn thành được hết liệu trình xạ trị, giúp tăng hiệu quả điều trị cũng như hạn chế tác dụng phụ cho các bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các kỹ thuật xạ trị mới như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị quay điều biến thể tích (VMAT, Rapid Arc),... cũng giúp giảm liều xạ lên da và các cơ quan lành nằm cạnh khối u, giảm được các tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Tin liên quan