Không phải ung thư sao gọi là ung thư?

Ngày đăng: 30/08/2013 Lượt xem 1578

Những đề xuất này, từ một nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu ung thư Mỹ, được xuất bản trên số mới đây của tờ Journal của Hiệp hội Y tế Mỹ.

Lạm dụng từ ung thư

Theo các chuyên gia, một số tình trạng tiền ác tính, như tình trạng tiền ác tính có tên ductal carcinoma in situ (DCIS- ung thư ống dẫn sữa có giới hạn) mà rất nhiều bác sĩ đều cho rằng thực tế không phải là ung thư. Theo họ, căn bệnh này nên loại bỏ từ ung thư để bệnh nhân đỡ sợ hãi và đỡ tìm kiếm những biện pháp chữa không cần thiết và có thể gây hại như phẫu thuật cắt bỏ ngực.

Nhóm chuyên gia này, theo New York Times, bao gồm những nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu ung thư, đồng thời đề xuất rằng rất nhiều thương tổn (lesion) phát hiện trong khi xét nghiệm ung thư vú, tuyến tiền liệt, tuyến giáp và các loại ung thư khác nên được phân loại là “thương tổn lan chậm có nguồn gốc biểu mô” (IDLE).

“Chúng ta cần những định nghĩa của thế kỷ 21 cho ung thư thay vì những định nghĩa từ thế kỷ 19 mà chúng ta vẫn đang dùng” - Otis W. Brawley, bác sĩ trưởng của Hiệp hội Ung thư Mỹ, nói.

Lý do cho những thay đổi này là sự lo ngại của bác sĩ, các nhà khoa học và bệnh nhân khi thấy hàng trăm ngàn bệnh nhân tiến hành những điều trị cắt bỏ và có hại cho những thương tổn tiền ác tính phát triển chậm - những thương tổn thường rất ít khi gây hại.

Sự phát triển các kỹ thuật tầm soát ung thư trong những năm gần đây cho phép bác sĩ phát hiện những khối u ngẫu nhiên vô hại (incidentalomas). Tuy vậy, khi các khối u này được gọi là thương tổn lesion thì thường bác sĩ và bệnh nhân luôn muốn sinh thiết, chữa trị và cắt bỏ khối u này - điều thường gây nguy cơ tổn thương cơ thể và tâm lý với bệnh nhân.

Vấn đề này được giới khoa học gọi là chẩn đoán quá (overdiagnosis) và kết quả là dẫn tới những chữa trị không cần thiết.

Không chỉ là vấn đề tâm lý

Nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo nhiều về tình trạng chẩn đoán quá và chữa trị quá sau khi một nhóm nhà khoa học của chính quyền Mỹ đưa ra đề xuất nên chụp cắt lớp (CT) những người nghiện thuốc nặng mỗi năm một lần. Các thay đổi này dù có thể cứu 20.000 mạng sống mỗi năm nhưng một số bác sĩ cảnh báo hàm lượng phóng xạ tích lũy dần do chụp CT có thể dẫn tới những nguy cơ y tế nguy hiểm hơn.

Các quan chức tại Viện Nghiên cứu ung thư Mỹ nói chẩn đoán quá là một nguy cơ y tế lớn và là vấn đề ưu tiên họ đang tập trung vào.

Một cách để thay đổi, theo các bác sĩ, là nên gọi tên lại cho đúng các thương tổn được phát hiện trong quá trình chẩn đoán, tầm soát.

“DCIS không phải là ung thư mà tại sao chúng ta gọi là ung thư” - bác sĩ Laura J. Esserman, trưởng nhóm nghiên cứu và là giáo sư tại ĐH California ở San Francisco, nói. Bác sĩ Larry Norton, giám đốc y tế của Trung tâm ung thư vú Evelyn H. Lauder, cho rằng vấn đề là bác sĩ đến giờ cũng chưa thể nói chắc chắn được những khối u nào sẽ không tiến triển và những u nào có thể giết chết bệnh nhân, vì vậy việc thay đổi cách gọi sẽ không giúp được nhiều.

Dù vậy, bác sĩ Norton đồng ý rằng cần truyền đạt rõ hơn với bệnh nhân về tình trạng tiền ung thư và đã vào giai đoạn ung thư là thế nào.

“Rất nhiều thuật ngữ có thể đánh lừa chúng ta, rõ ràng là cần phải giải thích rõ thêm - bác sĩ Norton nói - Nhưng không thể quay lại và đột nhiên thay đổi thuật ngữ của cả trăm năm nay như vậy”. Bác sĩ Esserman cho rằng việc đó là cần thiết.

“Thay đổi ngôn ngữ chúng ta dùng để chẩn đoán các loại thương tổn lesion khác nhau là cần thiết để bệnh nhân hiểu họ không cần phải dùng các biện pháp chữa trị mạnh sau mỗi lần xét nghiệm. Vấn đề với dân chúng là mỗi khi nghe từ ung thư sẽ nghĩ mình có thể chết nếu không chữa trị. Chúng ta chỉ nên dành từ “ung thư” cho những thứ có thể gây hại thật sự” - bà nói.

Theo tuoitreonline

Tin liên quan