Liệu pháp điều trị mới cho ung thư phổi không tế bào nhỏ
Tại Việt Nam ung thư phổi đứng vị trí thứ hai trong các ung thư hay gặp, chỉ sau ung thư gan. Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này nhưng chủ yếu là khói thuốc lá, khí radon, ô nhiễm... Khói thuốc lá có thể tác hại trực tiếp đến ngưới hút chủ động nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng gián tiếp đến người chung quanh do hít phải lượng chất độc hại trong khói thuốc thải ra môi trường.
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi nhưng chủ yếu là khói thuốc lá, khí radon, ô nhiễm... Ảnh minh họa. |
Ung thư phổi được chia làm hai nhóm lớn: Ung thư phổi tế bào nhỏ và nhóm các ung thư phổi không tế bào nhỏ. Mỗi loại phát triển theo những cách khác nhau và hướng điều trị cũng không giống nhau. Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80% các trường hợp bệnh ung thư phổi. Do vị trí ở sâu trong cơ thể, ít gây triệu chứng rầm rộ nên đa phần bệnh nhân thường được phát hiện và chẩn đoán ở vào giai đoạn bệnh đã lan rộng, tiến xa. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho việc điều trị để giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống, gây ra gánh nặng về vật chất cũng như tinh thần cho cả bệnh nhân và gia đình.
Thông thường các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ rất mơ hồ như ho khan hoặc có đờm kéo dài, đôi khi có ho lẫn máu, đau ngực, mệt mỏi, sút cân... Tùy theo vị trí, kích thước, độ lan rộng của bướu mà bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn bệnh phát như khó thở, khàn tiếng, đau ngực, nổi hạch, sốt thường xuyên, viêm phổi tái đi tái lại, phù nề vùng mặt, cổ, mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân... Một số người bình thường không triệu chứng gì cũng có thể tình cờ phát hiện ung thư phổi không tế bào nhỏ qua một khối u đơn độc, nhận biết qua X quang ngực khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ như là phẫu trị, xạ trị, hóa trị. Đa số các trường hợp chữa bệnh ở giai đoạn muộn, các biện pháp điều trị chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái, sống tốt và có thể sống lâu hơn với căn bệnh. Các biện pháp điều trị nhắm vào bướu cũng đồng thời gây ra một số tác dụng phụ khó tránh cho người bệnh. Hóa trị bằng các thuốc gây độc tế bào có thể gây rụng tóc, thiếu máu, rối loạn chức năng các cơ quan, gây mệt mỏi, khó chịu và hoang mang không ít cho người bệnh và gia đình họ. Chất lượng cuộc sống do thế mà giảm sút trần trọng...
Tuy nhiên, hiện nay y học đã có thêm một liệu pháp mới góp phần cải thiện kết quả điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Đây là phương pháp điều trị nhắm trúng đích phân tử, theo đó thuốc sẽ được thiết kế để tác động một cách chọn lọc và khôn khéo vào các quá trình sinh học phân tử thường tăng biểu hiện hoạt động ở các khối bướu. Các tế bào ung thư phổi không tế bào nhỏ có một tỷ lệ cao bị đột biến gen EGFR. Đây là phần quan trọng khởi phát chuỗi tín hiệu kích thích tăng trưởng tế bào. Phần nhiều các đột biến trên gen EGFR này ở trạng thái hoạt động và rất nhạy với các thuốc \"đặc trị\" có tác động ức chế hoạt động của chúng, được gọi chung là các thuốc ức chế tyrosine kinase (TKI - tyrosin kinase inhibitor).
Các nghiên cứu trên thế giới xác nhận bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR được điều trị bằng các thuốc TKI cho hiệu quả kiểm soát bệnh và sống dài hơn với chất lượng sống tốt hơn hẳn so với phương pháp hóa trị cũ. Thêm vào đó các TKI là thuốc dạng uống nên người bệnh chỉ dùng thuốc tại nhà, giảm thiểu thời gian ở bệnh viện giúp giảm quá tải cho các bệnh viện, thuốc ít gây tác dụng phụ, tránh mệt mỏi và giúp chất lượng sống của bệnh nhân được nâng cao.
Erlotinib, một loại TKI có hiệu quả cao, có thể sử dụng đường uống và độc tính thấp, mang lại hiệu quả điều trị bước đầu ở những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa. Sản phẩm được khuyến nghị sử dụng ngay bước đầu thay thế hóa trị cho người mắc bệnh này có đột biến hoạt hóa EGFR, bệnh nhân không đủ thể lực để hóa trị, những bệnh nhân có chỉ số tổng trạng cơ thế kém (PS ≥2). Cách sử dụng dễ dàng và ít tác dụng phụ nên bệnh nhân có thể điều trị theo chế độ ngoại trú để tiết kiệm các chi phí.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng trên toàn thế giới đã xác nhận hiệu quả và tính tiện lợi của Erlotinib trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa. Các cơ quan, hiệp hội lâm sàng ung thư uy tín trên toàn thế giới đã khuyến cáo việc áp dụng phương thức và chỉ định điều trị mới này như một biện pháp đột phá mang lại hiệu quả và ích lợi cho người mắc căn bệnh này.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Vũ
Trưởng khoa Nội I - Bệnh viện Ung bướu TP HCM
Theo vnexpress