Nghiên cứu mới biến tế bào ung thư thành tế bào bình thường

Ngày đăng: 14/09/2015 Lượt xem 2415
Đây là lần đầu tiên các tế bào ung thư vú, phổi và bàng quang được trở lại là các tế bào lành tính vô hại bằng cách phục hồi chức năng ngăn chặn tiến trình sao chép quá nhanh dẫn đến sự tăng trưởng nguy hiểm.

Nghiên cứu mang tính đột phá này hứa hẹn mang đến những cách điều trị mới và thậm chí làm đảo ngược tiến trình tăng trưởng của khối u. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cell Biology vừa qua.

Các nhà khoa học Bệnh viện Mayo Clinic ở Florida (Mỹ) ví biện pháp này tựa như sử dụng hệ thống phanh đối với chiếc xe chạy quá tốc độ. Hiện nay, nhóm nhà khoa học chỉ mới tiến hành thí nghiệm trên các tế bào người trong phòng thí nghiệm, nhưng họ hy vọng trong tương lai không xa kỹ thuật sẽ được sử dụng đối với các khối u để chữa trị ung thư mà không cần phải chỉ định phẫu thuật hay xạ trị gây đau đớn cho bệnh nhân.

 
Một tế bào ung thư (màu vàng, ở giữa) bị các tế bào miễn dịch xung quanh tấn công.

Giáo sư Panos Anastasiadis ở Khoa Sinh học Ung thư Bệnh viện Mayo Clinic phát biểu: "Chúng tôi có thể tái lập hệ thống phanh và phục hồi chức năng tế bào bình thường. Những thí nghiệm ban đầu đối với một số dạng ung thư nguy hiểm cho kết quả rất hứa hẹn. Điều đó cho thấy một kỹ thuật sinh học mới cung cấp mã, phần mềm ngăn chặn ung thư". Các tế bào thường xuyên phân chia để thay mới, song ở ung thư thì các tế bào không ngừng phân chia dẫn đến sự sinh sản quá nhiều làm khối u tăng trưởng. Nhóm nhà khoa học Mỹ phát hiện chất keo kết dính các tế bào lại với nhau được kiểm soát bởi các phân tử hay bộ vi xử lý sinh học gọi là microRNA.

 
Giáo sư Panos Anastasiadis.

Khi mọi thứ hoạt động bình thường, các microRNA ra lệnh cho các tế bào ngưng phân chia vào lúc chúng đã sao chép đủ số lượng. Để làm được điều đó, các microRNA tạo ra một protein gọi là PLEKHA 7 để hãm lại hoạt động sao chép của tế bào. Tuy nhiên, đối với tế bào ung thư thì tiến trình này không diễn ra. MicroRNA là các phân tử nhỏ có thể được tiêm trực tiếp vào các tế bào hay khối u với mức độ tăng dần để ngăn chặn ung thư.

Giáo sư Anastasiadis cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã xử lý kỹ thuật với các tế bào ung thư vú và bàng quang. Các tế bào này đã bị mất PLEKHA 7. Việc phục hồi PLEKHA 7 hay microRNA trong các tế bào này sẽ biến chúng trở lại trạng thái lành tính. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu các lựa chọn cung cấp microRNA hiệu quả hơn".

Các chuyên gia ung thư ở Anh đánh giá nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Bệnh viện Mayo Clinic đã giúp giải quyết được bài toán đau đầu mà giới chuyên gia sinh học loay hoay tìm câu trả lời trong suốt nhiều thập niên - đó là tại sao các tế bào không tự động ngăn chặn tiến trình sinh bệnh ung thư.

 
Bệnh viện Mayo Clinic ở Florida.

Tiến sĩ Chris Bakal, chuyên gia nghiên cứu tiến trình các tế bào chuyển thành ung thư ở Viện Nghiên cứu Ung thư tại London (Anh), nhận xét: "Đây là phát hiện hết sức bất ngờ. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu cách thức các tế bào bình thường có thể ngăn chặn ung thư phát triển và ngừng phân chia khi chúng hình thành mối liên kết với nhau. Tôi cho rằng khám phá mới rất đáng quan tâm". Henry Scowcroft, Giám đốc thông tin khoa học của tổ chức từ thiện nghiên cứu và cảnh báo ung thư của Anh Cancer Research UK, ca ngợi: "Nghiên cứu quan trọng này giải quyết một bí ẩn sinh học kéo dài sẽ giúp chữa trị các bệnh nhân ung thư. Đây là bước tiến quan trọng giúp hiểu được cách thức sao chép của tế bào".

Tháng 4/2015, tạp chí Pancreas công bố một nghiên cứu mới khác cho thấy các tế bào ung thư tuyến tụy có thể được xử lý để trở về trạng thái lành tính nhờ vào một protein gọi là E47 liên kết với một số trình tự ADN và kiểm soát các gene liên quan đến tiến trình tăng trưởng và biệt hóa tế bào. Nghiên cứu này được đánh giá là mang đến hy vọng tìm ra cách chữa trị mới cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy - căn bệnh nguy hiểm giết chết hơn 40.000 người mỗi năm ở Mỹ.

Tiến sĩ Pamela Itkin-Ansari là giáo sư Chương trình Phát triển, Lão hóa và Tái sinh Viện Nghiên cứu Y khoa Sanford-Burnham (Mỹ) và tác giả lãnh đạo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pancreas. Công trình nghiên cứu là nỗ lực phối hợp giữa Viện Sanford-Burnham, Đại học California (còn gọi là UC San Diego) và Đại học Purdue.

Nghiên cứu trong cơ thể sống (in vivo) cho thấy sau khi các tế bào ung thư đã tái lập trình được đưa vào cơ thể chuột thí nghiệm, khả năng hình thành khối u giảm đáng kể so với các tế bào ung thư chưa được xử lý. Andrew M. Lowy, giáo sư Khoa Phẫu thuật Trung tâm Ung thư Moores thuộc UC San Diego và đồng Chủ nhiệm Ung thư tuyến tụy Viện Ung thư Quốc gia, nhận định: "Hiện thời, ung thư tuyến tụy được chữa trị bằng những tác nhân có thể gây hại đến các tế bào khác, song sự sống trung bình của bệnh nhân sau chẩn đoán thường chỉ kéo dài 6 tháng và những cải thiện trong trị liệu được đánh giá từng ngày. Với nghiên cứu mới, chúng tôi có thể biệt hóa các tế bào ung thư thành dạng không còn đe dọa".

Ung thư tuyến tụy phát sinh do một loại gene đột biến gọi là Kras khiến cho các tế bào tiết enzyme tiêu hóa (tế bào tụy) biệt hóa thành tế bào mất ổn định. Ung thư tuyến tụy thường tiến triển thầm lặng do hiếm biểu hiện những triệu chứng ban đầu. Và, bệnh chỉ được chẩn đoán rõ ràng sau khi bệnh nhân có dấu hiệu sụt cân, đau bụng và vàng da.

Theo antg

Tin liên quan