Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng việc tránh khói thuốc hoặc từ bỏ thuốc lá.
Bác sĩ Lim Hong Liang - Chuyên gia tư vấn cấp cao của Trung tâm Ung thư Parkway Singapore chia sẻ nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa.
2 loại ung thư phổi
Hai lá phổi là cơ quan lớn nằm ở vùng ngực, là một phần của hệ hô hấp. Ung thư phổi có hai loại chính gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi phổ biến hơn và kém tiến triển hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Nếu được phát hiện sớm việc phẫu thuật hoặc xạ trị, hóa trị có thể mang lại cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.
Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển nhanh và nhanh chóng xâm lấn tới máu và các bộ phận khác của cơ thể. Đây là loại ung thư tiến triển khi bệnh nhân được chẩn đoán, hướng điều trị cho loại ung thư này thường là hóa trị và không phẫu thuật.
Nguyên nhân ung thư phổi
Thuốc lá sợi chứa hơn 4.000 chất hóa học và 60 chất trong đó được biết đến là nguyên nhân gây ung thư. Khói thuốc lá liên quan tới hơn 80% của các ca ung thư phổi trên toàn thế giới. Các hóa chất có hại trong khói thuốc làm phá hủy các tế bào phổi. Theo thời gian các tế bào bị phá hủy dẫn đến ung thư. Đây là lý do hút thuốc lá, hút tẩu hay xì gà có nguy cơ gây ung thư phổi cao nhất. Bên cạnh đó, ở những người không hút thuốc việc hít phải khói thuốc thụ động cũng có thể gây ung thư phổi. Một người càng bị phơi nhiễm với khói thuốc nhiều thì nguy cơ ung thư phổi càng cao.
Các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư bao gồm radon (khí phóng xạ), amian, asen, crom, niken và ô nhiễm không khí. Những người có người thân trong gia đình từng bị ung thư phổi cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Người đã từng bị ung thư phổi có thể tăng nguy cơ hình thành khối u thứ hai. Phần lớn những người được chẩn đoán ung thư phổi thường ở độ tuổi trên 65.
Dấu hiệu và triệu chứng
Ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không gây ra các triệu chứng gì. Dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi thể hiện điển hình ở giai đoạn tiến triển và có thể gồm.
- Ho nặng hơn và không dứt.
- Khó thở, thở dốc.
- Đau ngực dai dẳng.
- Ho ra máu.
- Khàn giọng.
- Người bệnh thường bị nhiễm trùng phổi, ví dụ như viêm phổi.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
Phòng ngừa và điều trị
Để loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi nên lưu ý những điều sau.
- Tránh hút thuốc.
- Bỏ thuốc lá sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi, thậm chí ngay cả khi người đó đã từng hút thuốc trong nhiều năm. Các lựa chọn gồm sản phẩm thay thế nicotine, thuốc uống và nhóm hỗ trợ.
- Tránh hút thuốc thụ động. Động viên người thân trong gia đình hay đồng nghiệp đang hút thuốc nên bỏ thuốc và yêu cầu họ hút thuốc ngoài nhà hoặc ngoài khu vực làm việc. Chọn những nơi không có khói thuốc và tránh các nơi đông người.
- Tránh phơi nhiễm với các chất hóa học độc hại tại nơi làm việc bằng việc dùng các biện pháp phòng ngừa, ví dụ như đeo khẩu trang để tránh phơi nhiễm với hóa chất.
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau quả, uống rượu bia ở mức độ vừa phải và tập thể dục điều đặn.
Theo vnexpress