Kỹ thuật này có thể phát hiện những khối u mà trước đây bác sĩ không thể phát hiện vì quá nhỏ hay những tế bào chỉ khoảng 1/10 mm, nghiên cứu khẳng định.
Các nhà khoa học hi vọng phương pháp này sẽ cải thiện đáng kể tỉ lệ thành công trong các ca phẫu thuật ung thư phức tạp.
Ở Anh, có khoảng 6.800 trường hợp mắc bệnh ung thư buồng trứng mỗi năm. Bệnh này rất khó để phát hiện và thường chỉ phát hiện ở giai đoạn cuối, lúc đó bệnh đã không thể chữa được nữa. Trung bình 2/3 bệnh nhân trong số đó sẽ tử vong.
Với phương pháp truyền thống, bác sĩ nhận biết bằng mắt và bằng tay, thường bỏ qua những khối u nhỏ có chiều rộng ít hơn 3 mm.
Tuy nhiên, với những người tham gia thử nghiệm kĩ thuật phẫu thuật huỳnh quang , bác sĩ đã phát hiện trung bình 34 khối u, so với 7 của phương pháp truyền thống.
Các tế bào ung thư sẽ phát ánh sáng huỳnh quang màu xanh lá câyNhà phát minh ra công nghệ này, giáo sư hóa sinh Philip Low, trường đại học Purdue, Indiana, Mỹ, cho biết: "Rất khó để nhận biết ung thư buồng trứng. Kĩ thuật này cho phép các bác sĩ phát hiện các khối u nhỏ hơn 30 lần so với phương pháp trước đây".
Thành công của của phương pháp này đã được khẳng định qua 10 ca phẫu thuật thành công. Hai giờ trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm axit folic vào bệnh nhân. Chất này có tác dụng như một "thiết bị dẫn đường", tìm ra và gắn chặt vào các tế bào ung thư buồng trứng.
Sau đó, các bác sĩ sẽ sử dụng một camera đặc biệt quan sát các tế bào này. Qua màn hình, các tế bào ung thư sẽ phát ánh sáng huỳnh quang màu xanh lá cây. Nhờ đó, các bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ những khối u nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy. Những khối u nhỏ này, nếu không được loại bỏ, có thể khiến cho ung thư phát triển trở lại.
Giáo sư Gooitzen van Dam, trường đại học Groning, Hà Lan - nơi diễn ra cuộc thử nghiệm, nhận định: "Tôi cho rằng công nghệ này sẽ cách mạng hóa ngành phẫu thuật. Tôi tin rằng nó sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới trong phẫu thuật ung thư trong thời gian ngắn nhất".
Giáo sư Peter Johnson, bác sĩ tại trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh, nhận xét: "Chúng tôi biết rằng một trong những điều quan trọng nhất cho những người ung thư buồng trứng là loại bỏ được các tế bào ung thư nhiều nhất có thể. Càng loại bỏ được nhiều thì ca phẫu thuật càng thành công và cơ hội sống sót cho bệnh nhân càng cao. Phương pháp này hứa hẹn sẽ cải thiện kết quả của những ca phẫu thuật trong tương lai".
Công nghệ này dựa trên phát hiện của giáo sư Low: các tế bào ung thư rất "đói" axit folic, một dạng của vitamin B. Tất cả ung thư tử cung, phổi, vú, thận, ruột két đều hấp thụ axit này, nhưng ung thư buồng trứng hấp thụ nhiều nhất. "Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu bằng ung thư buồng trứng. Nó là nơi tốt nhất để bắt đầu tạo nên sự khác biệt đối với sự sống con người", giáo sư Low nói.
Kể từ những năm 70, tỉ lệ phụ nữ trên 65 tuổi mắc ung thư buồng trứng đã tăng gấp rưỡi. Ung thư buồng trứng là căn bệnh phổ biến thứ 5 ở phụ nữ.
Giáo sư Low hi vọng, sau các cuộc thử nghiệm, phương pháp này sẽ được sử dụng trong mọi ca phẫu thuật ung thư buồng trứng.