Rượu tàn phá ADN và gây ung thư như thế nào?

Ngày đăng: 31/07/2017 Lượt xem 2222
Tại hội thảo “Chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng rượu bia ở vùng dân tộc thiểu số” được tổ chức ngày 9/6, các chuyên gia đã cảnh báo gánh nặng bệnh tật do bia rượu mang đến, đặc biệt là tình trạng uống rượu ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.

7 bệnh ung thư liên quan đến rượu

Tại Việt Nam, thạc sĩ Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu, tỷ lệ uống bia rượu ở nước ta rất cao. Có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống bia rượu. Tỷ lệ người uống bia rượu tăng cao qua các năm cả ở hai giới.

Đặc biệt, tuổi càng cao thì tần suất uống rượu bia càng tăng, tuổi trẻ uống rượu bia ít nhưng uống nhiều hơn trong một lần uống... là những số liệu trong điều tra quốc gia Steps năm 2015 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Trong đó nam giới uống bia rượu tự nấu chiếm 69%, bia chiếm khoảng 30%. Tại nông thôn chủ yếu là uống rượu tự nấu, còn ở thành thị, tỷ lệ giữa bia và rượu tự nấu ngang nhau.

Thạc sĩ Bảo cho biết, khi uống bia, rượu, mất 14 tiếng đồng hồ, cồn trong bia rượu mới chuyển hoá hết trong cơ thể.

Khi cồn ethanol vào cơ thể, chúng nhờ các enzyme chuyển hoá thành các actaldehyde, vốn là chất độc, sau đó chuyển tiếp thành Acetyl Radical tích tụ lại trong cơ thể, gây viêm nhiễm các tổ chức mà chúng bám vào rồi gây bệnh.

Chính vì thế các nghiên cứu chỉ ra rằng rượu bia chính là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân của ít nhất 30 bệnh, trong đó có 7 bệnh ung thư đã được khuyến cáo như ung thư gan, ung thư vú ở phụ nữ, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư họng.

Ngoài ra, rượu còn là nguyên nhân gây rối loạn thần kinh như các rối loạn tâm thần nặng, hội chứng sảng rượu, động kinh, trầm cảm, lo âu, giảm khả năng tư duy, học tập ở vị thành niên.


Các chuyên gia phân tích về tác hại của bia rượu.

Bệnh tim mạch rượu làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tác động tới bào thai, gây tổn thương gan, xơ gan, làm nặng thêm các tổn thương do vi rút viêm gan C, viêm tuỵ cấp. mãn tính, làm suy giảm miễn dịch dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như hen, lao phổi.

Đặc biệt rượu là nguyên nhân gây ra các ca tử vong, chấn thương do tai nạn giao thống ở Việt Nam.

Tế bào ung thư hình thành sau 2 năm uống rượu 

Thạc sĩ Bảo cho biết, tác hại của rượu với bệnh ung thư là rất kinh khủng. Rượu bia là chất gây ung thư và sự phát triển của ung thư sẽ bắt đầu sau 2 năm uống rượu.

Theo nghiên cứu của PGS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Ung thư, Bệnh viện K Trung ương, uống rượu được xác định là nguy cơ có tính chất cộng dồn gây ung thư cho người sử dụng.

Từ năm 2007, Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã tổng hợp các bằng chứng rõ ràng và khẳng định mối tương quan giữa sử dụng rượu và nguy cơ mắc 7 bệnh ung thư trên.

Các acetaldehyde là một chất gây ung thư bằng cách gây tổn thương ADN. Việc uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương ADN ở các tế bào niêm mạc miêng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.

Alcohol trong rượu bia làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú dẫn tới ung thư vú.

Rượu bia là nguyên nhân gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư. Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt chất gây ung thư thấm vào cơ thể như hút thuốc lá.

Các alcohol làm thay đổi chuyển hóa của folate, sự kém hấp thu folate gây trở ngại cho quá trình methyl hóa ADN, từ đó dẫn tới ung thư.

Trong khi đó, Theo nghiên cứu của GS Bùi Diệu và cộng sự tại Việt Nam, đánh giá gánh nặng kinh tế về bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam trên 1213 bệnh nhân cho thấy: Chi phí từ hộ gia đình là 48%, chi phí chính phủ 28%, chi phí BHYT 25%.

Với các bệnh ung thư do bia rượu mang đến thì gánh nặng trực tiếp lên đến 25.768 tỷ đồng. Ngoài ra, một nghiên cứu khác thực hiện trong 8 nước Đông Nam Á trên 10 nghìn bệnh nhân, ở Việt Nam có Bệnh viện K trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và BV Ung bướu TP.HCM, thì gánh nặng chi phí đối với bệnh ung thư đường tiêu hoá 22,2%, ung thư vú là 20,51%, ung thư đầu cổ 11%.

Trong số này khó khăn về tài chính có 35,4% bệnh nhân; 66,27% phải vay tiền điều trị.

Ngoài ra, gánh nặng chi phí không chỉ đè nặng trong khi điều trị mà các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau 12 tháng tác động đến kinh tế cũng nặng nề. Theo nghiên cứu có 41% bệnh nhân còn sống chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, trong đó số bệnh nhân không thể mua thuốc là 5,2%, không thể thanh toán BHYT 35%, không thể thanh toán được ăn uống, chi phí đi lại cho quá trình điều trị cũng không hề ít.

Với những con số đáng báo động trên, các chuyên gia đều cảnh báo rượu bia đi liền với bệnh tật và đói nghèo.

Theo infonet.vn

Tin liên quan