|
Ảnh: Afamily. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, phân khoa Phẫu thuật lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, bệnh ung thư vú ở phụ nữ có thể phòng ngừa bằng những cách sau:
1. Thay đổi lối sống: Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Bên cạnh đó nên giảm uống rượu, cân nhắc sử dụng nội tiết tố thay thế trong giai đoạn mãn kinh, thay đổi chế độ ăn, kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng chế độ ăn và tập luyện thể dục.
2. Sử dụng thuốc: Tamoxifen đã được chấp thuận để dự phòng ung thư vú cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần cân nhắc giữa hiệu quả ngăn ngừa ung thư và tác dụng phụ đó là nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và huyết khối tĩnh mạch.
3. Đối với những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú cần được tư vấn để xác định đột biến gene có liên quan đến bệnh này.
4. Những người thuộc nhóm có nguy cơ đặc biệt cao về ung thư vú, ví dụ đột biến gene BRCA1, BRCA2 có thể dự phòng bằng cách dùng thuốc kháng nội tiết tố. Bên cạnh đó, phẫu thuật đoạn nhũ 2 bên cũng cho hiệu quả dự phòng lên đến 92-95%. Phẫu thuật cắt buồng trứng 2 bên dự phòng giúp giảm nguy cơ ung thư vú và cả ung thư buồng trứng trên nhóm này.
5. Đối với những người có đột biến gene nhưng không muốn phẫu thuật cần được theo dõi sát ở những trung tâm chuyên khoa để phát hiện sớm ung thư vú.
6. Phụ nữ trên 50 tuổi nên khám tuyến vú định kỳ mỗi năm một lần và chụp nhũ ảnh kiểm tra mỗi 2 năm để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm.
7. Tự khám tuyến vú hàng tháng ở nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện các khối u của tuyến vú hay những bất thường khác. Việc phát hiện bệnh ung thư sớm sẽ cho hiệu quả điều trị cao và ít biến chứng hơn.
Cách chăm sóc và theo dõi bệnh nhân sau khi điều trị ung thư vú:
Người bị ung thư vú đã điều trị xong vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái phát. Do đó sau khi đã hoàn tất, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để phát hiện tái phát tại chỗ có thể điều trị được. Việc theo dõi còn giúp phát hiện ung thư vú thứ phát và điều trị các vấn đề liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.
Nguy cơ tái phát ung thư vú cao nhất trong khoảng thời gian 3 năm đầu, sau đó giảm dần. Hầu hết trường hợp tái phát xảy ra trong 5 năm đầu tiên, vì lý do đó bệnh nhân ung thư vú nên được theo dõi chuyên khoa định kỳ trong 5 năm sau khi đã hoàn thành việc điều trị.
Theo khuyến cáo, bệnh nhân sau khi điều trị ung thư vú nên được theo dõi như sau:
- Hỏi bệnh và khám lâm sàng mỗi 4-6 tháng trong 5 năm đầu. Sau đó tái khám hằng năm.
- Chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
- Với bệnh nhân điều trị bằng thuốc nội tiết tố nên khám phụ khoa mỗi năm hoặc đo độ loãng xương để phát hiện bất thường nếu có.
Theo vnexpress