Xét nghiệm nào giúp phòng ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đã lập gia đình?

Ngày đăng: 27/08/2014 Lượt xem 1559
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một loại ung thư ở bộ máy sinh sản nữ, nhưng có thể phòng tránh nhờ việc tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi từ 9-26. Vậy, làm thế nào để phòng tránh ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ sau tuổi 27 và đã lập gia đình?

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai

Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến đứng hàng thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ. Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 530.232 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung được chẩn đoán, chiếm 8.8% các trường hợp ung thư ở phụ nữ và khoảng 275.008 phụ nữ (51.9% trong số đó) chết vì ung thư cổ tử cung.

Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 5.100 trường hợp mới mắc ung thư CTC, trong đó tại BV Từ Dũ phát hiện khoảng 600 trường hợp mắc mới, mỗi năm có 2.400 phụ nữ tử vong vì ung thư CTC (khoảng 7 ca/ngày). (Theo số liệu từ báo cáo của Tổ chức ung thư thế giới GLOBOCAN 2012 (IARC).
Xét nghiệm nào giúp phòng ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đã lập gia đình?

Vắc xin ung thư cổ tử cung đã cứu sống hàng ngàn phụ nữ mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, ý thức phòng chống ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn yếu do những chương trình tầm soát, phát hiện sớm và tuyên truyền trong cộng đồng còn thiếu và chưa được bao phủ rộng.

Ngày nay, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp phụ nữ ý thức hơn trong việc phòng tránh căn bệnh này. Nhưng khi ý thức được việc phòng tránh thì phụ nữ đã lập gia đình và sinh con. Vì vậy, biện pháp tiêm vắc xin không còn hữu hiệu.

Tại các phòng khám sản phụ khoa, có rất nhiều phụ nữ đã lập gia đình và sinh con đến đăng ký tiêm vắc xin HPV để “yên tâm” dù đã được tư vấn hiệu quả phòng tránh ung thư cổ tử cung trong trường hợp này không thể phát huy tối đa.

Khám phụ khoa định kỳ chính là biện pháp phòng tránh

Xét nghiệm nào giúp phòng ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đã lập gia đình?

Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn với thời gian kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó phụ nữ không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.

Với sự phát triển của y học hiện đại, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư thông qua các các xét nghiệm như PAP (xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung), VIA (Quan sát bề mặt CTC với axít axetic),…

Trong các biện pháp phát hiện ung thư cổ tử cung, PAP đã góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ phụ nữ bị UTCTC, nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm như không có kết quả ngay,cần hệ thống bảo quản và đọc tiêu bản phức tạp, giá thành cao, người thực hiện cần được đào tạo bài bản và kỹ lưỡng.

Chính vì vậy, phương pháp xét nghiệm VIA đã được Tổ chức y tế thế giới ủng hộ từ năm 1988 cho đến nay, bởi đây là một xét nghiệm đơn giản, ít tốn kém, có thể thực hiện được ở hầu hết các cơ sở y tế.

Xét nghiệm VIA là quan sát sự biến đổi màu sắc ở bề mặt cổ tử cung sau khi bôi acid acetic (nồng độ 3 – 5%). Bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi rát nhẹ, thậm chí là không có cảm giác gì. Kết quả sẽ có chỉ sau một vài phút. Nếu kết quả là âm tính, phụ nữ có thể yên tâm rằng mình không có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong vòng 3 năm tới.

Sau 3 năm, phụ nữ có thể tiếp tục trở lại các phòng khám sản phụ khoa để thực hiện lại xét nghiệm này. Tại các phòng khám sản phụ khoa, dù triển khai các phương pháp xét nghiệm khác, xét nghiêm VIA vẫn được chỉ định thực hiện trong khi khám phụ khoa thông thường để tăng hiệu quả phát hiện các tế bào bất thường cổ tử cung nhờ đó giảm được tỷ lệ ung thư cổ tử cung trong cộng đồng.

Do đó, để kịp thời phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, phụ nữ đã lập gia đình được khuyên nên khám phụ khoa định kỳ, ít nhất là 1 lần trong năm. Đây là cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất đối với phụ nữ đã quan hệ tình dục mà chưa được tiêm vắc xin HPV.

Theo dantri

Tin liên quan