Nhân một trường hợp ung thư thực quản được điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 17/06/2011 Lượt xem 6946

Ung thư thực quản thường là ung thư tế bào vảy, chiếm khoảng 1% trong tổng số các loại ung thư. Các yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản thường là thuốc lá và rượu.

Ở Việt Nam, vai trò của hút thuốc lá cuộn, thuốc lào, ăn trầu cũng cần phải được tính đến trong các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, hay gặp ở độ tuổi 50-60. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng được một số các tác giả nhắc tới như tiền sử bỏng thực quản, tiền sử ung thư đường hô hấp-tiêu hóa và rối loạn nhu động thực quản....

Sau đây là một trường hợp ung thư thực quản được điều trị thành công. Bệnh nhân: Hoàng X.  L., Nam 47 tuổi, ở tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Bệnh nhân thấy xuất hiện cảm giác nuốt v­ướng, nuốt nghẹn tăng dần, gần đây, cảm giác đầy bụng, chậm tiêu. Đây là những triệu chứng lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân ung thư thực quản, ngoài ra còn có đau vùng cổ ngực, khàn tiếng, sụt cân, ... Sau đó bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai nội soi thực quản, kết quả cho thấy: hình ảnh tổn th­ương cách cung răng tr­ước 30cm, dạng sần và loét.

Hình 1: Hình ảnh khối sùi loét qua nội soi thực quản (trong vòng tròn màu vàng)

Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết qua nội soi là: Ung th­ư biểu mô vảy sừng hoá. Sau đó bệnh nhân được nhận vào điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Về tiền sử bản thân: bệnh nhân có bệnh hen phế quản đã điều trị ổn định 20 năm, bệnh nhân có thói quen uống rượu khoảng 200ml/ngày trong 20 năm, Hút thuốc lá: 0,5 bao/ngày trong 20 năm. Tiền sử gia đình không có người nào mắc bệnh ung thư­.

Bệnh nhân có thể trạng gầy, cao 175cm, nặng 61 kg, hạch ngoại vi không sờ thấy.

Siêu âm qua nội soi cho thấy: tổn thương ở 1/3 giữa thực quản, niêm mạc dày 0,6cm giảm âm không đều, chiếm >1/2 chu vi thực quản, dài 4 cm, xâm lấn đến lớp hạ niêm mạc và lớp cơ.

Bệnh nhân được chụp PET/CT để đánh giá giai đoạn và mô phỏng lập kế hoạch xạ trị:

Hình 2: Hình ảnh chụp PET/CT: có khối u ác tính ở 1/3 giữa thực quản với kích thước 1´0,8´4cm,tăng hấp thu FDG, max SUV=4,64, không có hạch, không có di căn xa

Chẩn đoán xác định: Ung thư­ thực quản T2N0M0.

Bệnh nhân được quyết định điều trị là hoá xạ trị đồng thời với hoá chất phác đồ IP (Irinotecan: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1,8. Cisplatin 30mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1,8). Chu kỳ 3 tuần.

- Xạ trị: Kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), dựa trên hình ảnh PET/CT mô phỏng  với 6 trư­ờng chiếu, 48 phân đoạn, liều 2 Gy/buổi x 27 buổi chiếu, tổng liều 54Gy  dựa trên hình ảnh PET/CT mô phỏng.

Kết quả sau 2 tháng tính từ ngày bắt đầu điều trị: về cơ năng, bệnh nhân sinh hoạt, ăn uống hoàn toàn bình th­ường, nuốt không nghẹn, không đầy bụng.

Kết quả chụp PET/CT kiểm tra cho thấy:  hình ảnh PET/CT cho thấy khối u tan hoàn toàn.

Trước điều trị

Sau điều trị (khối u tan hoàn toàn)

 
Trên đây là một trường hợp ung thư thực quản đã được chẩn đoán sớm và đúng giai đoạn. Thay vì phải đợi một thời gian để làm các xét nghiệm đánh giá toàn thân thì bệnh nhân chỉ cần chụp một lần PET/CT là đánh giá được phạm vi, mức độ xâm lấn của bệnh. Đặc biệt đối với ung thư thực quản, PET/CT cho hình ảnh 3 chiều cả chiều ngang và chiều dọc, thay vì nội soi chỉ nhìn được khối u trong lòng thực quản, không đánh giá được chiều sâu của khối u ở thành thực quản và di căn ở các hạch hoặc như CT hình ảnh đen trắng rất khó hình dung. Ngoài ra, với hình ảnh của PET/CT, các bác sỹ có thể sử dụng để lập kế hoạch xạ trị. Kỹ thuật lập kế hoạch xạ trị gia tốc dựa trên hình ảnh PET/CT này có những ưu thế hơn hẳn so với kỹ thuật xạ trị thông thường dựa trên hình ảnh CT. Chiều dài của tổn thương được xác định đúng và đủ, tránh những bỏ sót hay quá mức cần thiết, đảm bảo điều trị hiệu quả tối đa mà tác dụng phụ của điều trị được giảm tới mức tối thiểu. Bệnh nhân không bị gián đoạn điều trị tia xạ, giảm chi phí chăm sóc và thuốc men cũng như thời gian nằm viện, sớm quay về sinh hoạt và lao động bình thường.

PGS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS. Phạm Văn Thái, BS. Ngô Thùy Trang
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan