Dữ liệu theo dõi dài hạn chứng tỏ vai trò của Osimertinib trong điều trị Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ngày đăng: 03/01/2019 Lượt xem 1948

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương (sưu tầm và lược dịch)

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

                Kết quả theo dõi dài hạn từ phân tích gộp 2 nghiên cứu pha II xác nhận vai trò của Osimertinib trong điều trị Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển có đột biến T790M. Mặc dù các kết quả mở rộng này không mang đến sự ngạc nhiên nào nhưng phân tích cũng đã đại diện cho thời gian theo dõi dài nhất của thuốc trên nhóm bệnh nhân này cho tới hiện tại.

                “Trong điều trị Ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR, điều trị bước 1 với các thuốc ức chế tyrosine kinase EGFR (TKIs) có tỷ lệ đáp ứng cao, mặc dù hầu hết bệnh nhân sau đó sẽ xuất hiện tình trạng kháng thuốc”, tác giả của nghiên cứu Myung-Ju Ahn, MD, trung tâm Y khoa, Seoul đã viết “hơn 50% bệnh nhân kháng với thuốc ức chế tysosine kinase thế hệ 1,2 có đột biến đề kháng EGFR tại vị trí T790M”

                Các nghiên cứu trước đây bao gồm nghiên cứu pha III đã cho thấy EGFR TKI thế hệ 3 Osimertinib cải thiện được tỷ lệ đáp ứng và thời gian sống bệnh không tiến triển so với hóa trị Platinum-Pemetrexed trên bệnh nhân có đột biến T790M. Trong phân tích mới này, các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả theo dõi dài hạn trên 411 bệnh nhân được thu nhận vào nghiên cứu pha II AURA và AURA2. Kết quả được xuất bản trên tạp chí Cancer.

                Bệnh nhân trong phân tích gộp có tuổi trung vị là 63 tuổi, trong đó 68% bệnh nhân nữ. Hầu hết bệnh nhân (72%) chưa từng hút thuốc, 96% đã có di căn tại thời điểm ban dầu và 4% đã có bệnh tiến triển tại chỗ.

                Thời gian điều trị trung vị của Osimertinib là 16,4 tháng. Tỷ lệ đáp ứng khách quan là 66% (262 trong số 398 bệnh nhân được đánh giá). Thời gian đáp ứng trung vị là 12,3 tháng, và 77% bệnh nhân đang có đáp ứng tại thời điểm 6 tháng. Tỷ lệ này là 63% tại thời điểm 9 tháng, và 51% tại thời điểm 12 tháng sau khi bệnh nhân vào nghiên cứu. Thời gian trung vị để có đáp ứng là 5,9 tuần

                Thời điểm kết thúc dữ liệu thấy thời gian bệnh không tiến triển là 8,3 tháng; tại thời điểm này, 63% đã có bệnh tiến triển. Trung vị thời gian bệnh không tiến triển là 9,9 tháng và 70% bệnh nhân còn sống, chưa tiến triển tại thời điểm 6 tháng. Tại thời điểm 12 tháng, tỷ lệ này là 46% và tại thời điểm 24 tháng là 24%. Trung vị thời gian bệnh không tiến triển ở những bệnh nhân có tiền sử di căn hệ thần kinh trung ương là 8,2 tháng, so với 12,4 tháng ở những bệnh nhân không có di căn hệ thần kinh trung ương

                Thời gian sống còn trung vị trong phân tích gộp là 26,8 tháng. Tỷ lệ sống còn tại thời điểm 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng là 80%, 55% và 37% tương ứng

                Mặc dù đa số bệnh nhân báo cáo ít nhất 1 biến cố bất lợi (99%), hầu hết trong số đó có mức độ nhẹ, biến cố từ độ 3 trở lên được báo cáo trên 16% bệnh nhân. Biến cố ngoại ý thường gặp bao gồm giảm số lượng bạch cầu trung tính (2%), bạch cầu (2%), và tăng men gan (1%). Tác giả đã lưu ý rằng không có dữ liệu mới nào về an toàn xuất hiện trong phân tích cuối cùng.

                Heather Wakelee, MD, trung tâm y khoa Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu đã nói “không có sự ngạc nhiên nào ở đây, nhưng việc công bố dữ liệu theo dõi dài hạn về những nghiên cứu này là rất tốt”. Bà cho biết thêm những kết quả này đã xác nhận vai trò của Osimertinib trên những bệnh nhân có đột biến T790M và tiến triển với điều trị EGFR TKI thế hệ 1. “Tuy nhiên”, bà nói, “vì Osimertinib đang được chuyển lên điều trị bước 1 nên kết quả này sẽ ít liên quan”.

Dịch từ bài báo “Longer Follow-Up Data Show Role of Osimertinib in NSCLC Treatment” – Dave Levitan, Cancernetwork, 11 tháng 12 năm 2018

http://www.cancernetwork.com/lung-cancer/longer-follow-data-show-role-osimertinib-nsclc-treatment?elq_cid=30162&;elq_mid=4662&rememberme=1

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan