Ung thư gan - Tầm kiểm soát và điều trị
Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan gồm có: vi-rút viêm gan siêu vi B, C, xơ gan, hóa chất aflatoxin và rượu, bia. Trong đó, 70% số bệnh nhân ung thư gan mang tiền sử viêm gan siêu vi B và C. Người nhiễm viên gan siêu vi B có khả năng mắc bệnh cao hơn người thường gấp hàng chục đến hàng trăm lần. Vi-rút viêm gan B và C xâm nhập vào gan làm hỏng chức năng tế bào, dẫn đến biến chứng ung thư gan. Song quá trình này diễn ra thầm lặng, kéo dài đến hàng chục năm khiến nhiều người không chú ý. Do vậy, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam khi phát hiện ra, bệnh đã ở giai đoạn cuối khiến các phương pháp điều trị không còn khả năng can thiệp. Bên cạnh đó, triệu chứng lâm sàng của ung thư gan trong giai đoạn đầu thường rất mơ hồ. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn uống giảm, cảm giác tức nặng ở hạ sườn phải, nhưng không đáng kể, nếu không chú ý người bệnh có thể bỏ qua. Triệu chứng chỉ thể hiện rõ nét ở giai đoạn cuối, vàng da, bụng trướng, đau đớn dưới hạ sườn, không thể bớt đau khi dùng thuốc giảm đau thông thường. Các bệnh nhân ung thư gan giai đoạn này chỉ có thể sống từ 1-6 tháng, rất hiếm trường hợp kéo dài được 1 năm.
Trên thực tế, ung thư gan vẫn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện sớm. Hiện tại, các bệnh viện trong nước đã áp dụng nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư gan tiên tiến như: siêu âm, CT scan, chụp mạch máu gan, MRI, siêu âm Doppler, các phương pháp này có thể chẩn đoán gần như chính xác, giúp phát hiện các tổn thương, đánh giá xâm lấn mạch máu và di căn ngoài gan. Phương pháp Alphafetoprotein (AFP) là xét nghiệm lượng AFP trong máu. Nếu nồng độ AFP trong máu cao hơn 400ng/ml, chứng tỏ bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư gan. Và phương pháp làm sinh thiết gan, phương pháp này lấy mẫu mô từ gan để giúp xác định mức độ và phạm vi tổn hại của gan. Sinh thiết gan thường được coi là tiểu phẫu. Cho đến nay, phẫu thuật cắt bỏ phần gan mang u hoặc ghép gan vẫn là phương pháp tối ưu trong điều trị ung thư gan. Để tiến hành cắt bỏ u, các chuyên gia phải đánh giá kích thước, vị trí, số lượng u, mức độ xâm lấn tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ, mức độ xâm lấn ngoài gan và chức năng gan. Ghép gan hiện chỉ thực hiện được đối với các u nhỏ. Ngoài phẫu thuật, hiện bệnh nhân có thể được điều trị với phương pháp phá hủy u qua da bằng điện đông, vi sóng, đốt nhiệt cao tần hoặc tiêm cồn hay a-xít acetic vào khối u. Hóa thuyên tắc mạch ngăn máu đến nuôi khối u cũng là phương pháp điều trị được các chuyên gia áp dụng. Hóa chất trị liệu được đưa qua một ống rỗng vào mạch máu của khối u gan, làm nghẽn mạch máu nuôi bệnh.
Hiện nay, các bệnh nhân đã có thêm một cơ hội kéo dài thời gian sống với dược chất ức chế tăng trưởng khối u sorafenib (Nexavar). Đây là bước đột phá trong việc điều trị ung thư gan đã được áp dụng trên hơn 60 quốc gia. Tổ chức quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA của Mỹ và AFPAMA của châu Âu cũng đã thông qua việc chỉ định Nexavar do Bayer sản xuất cho bệnh nhân ung thư gan. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho lưu hành loại thuốc này trên thị trường. Tuy không chữa lành bệnh, nhưng thuốc nhắm vào các tế bào ác tính, giảm máu đến nuôi dưỡng khối u, giúp trì hoãn đáng kể quá trình phát triển của khối u. Việc điều trị bằng thuốc sẽ có phần tốn kém, nhưng hiện tại các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế hơn 3 năm sẽ được thanh toán 50% khi có chỉ định dùng thuốc này.