Hy vọng mới cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp

Ngày đăng: 30/05/2012 Lượt xem 5254

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã ứng dụng thành công quy trình tách tế bào gốc từ mô mỡ tự thân của bệnh nhân để điều trị bệnh thoái hóa khớp. Đây thực sự là tin vui cho người bệnh thoái hóa khớp, mở ra một triển vọng mới trong điều trị bệnh lý vốn được coi là mạn tính này. BV Bạch Mai cũng là nơi đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế cấp giấy phép cho 2 quy trình: sản xuất tế bào gốc mô mỡ tự thân và điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân.


Những bệnh nhân đầu tiên

Cụ bà Ngô Thị B. (76 tuổi, Hà Nội) bị đau ở 2 bên khớp gối hơn 30 năm nay. Đau khớp gối rồi đau lên cả 2 khớp háng. Cụ đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán thoái hóa 2 khớp gối và cả 2 khớp háng. Uống thuốc tây rồi chuyển qua thuốc nam, thuốc tiêm nhưng bệnh vẫn không đỡ. Cụ đi lại rất khó khăn, dù đã uống thuốc giảm đau nhưng vẫn đau nhức, cứng gối, không ngủ được. Khi đến BV Bạch Mai, cụ được khám, xét nghiệm và chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối cả hai bên giai đoạn 2. Cụ là người đầu tiên được điều trị bằng phương pháp tiêm tế bào gốc từ mô mỡ tự thân của chính cụ.

Bệnh nhân thứ 2 là bà Hoàng Thị Ch. (62 tuổi, Hà Nội). Cách đây 10 năm, bà Ch. bị chấn thương khớp gối trái. Sau đó bà bắt đầu thấy đau khớp gối cả 2 bên, đau từng đợt, mức độ đau càng tăng, nhức buốt như kim châm vào khớp gối khiến bà đi lại rất khó khăn, thường xuyên phải uống thuốc giảm đau. Đến khám ở BV Bạch Mai, bà Ch. được chẩn đoán thoái hóa khớp gối 2 bên giai đoạn 3. Cùng với cụ B., bà Ch. đã được chỉ định điều trị thoái hóa khớp gối bằng mô mỡ tự thân.

Lấy tế bào gốc từ chính mỡ bụng của bệnh nhân

PGS.TS. Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Trưởng Đơn vị Gen trị liệu, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: Tế bào gốc là những tế bào có tiềm năng phát triển, tự làm mới và biệt hóa thành nhiều loại tế bào bình thường khác của cơ thể. Chúng có thể bù đắp, thay thế các tế bào bị chết hoặc bị bệnh. Số lượng tế bào gốc trong cơ thể giảm dần theo tuổi. Việc bổ sung tế bào gốc đúng kỹ thuật sẽ giúp cơ thể “trẻ” lại, phục hồi, hàn gắn thương tổn tốt hơn.
 
Từ trước đến nay, tế bào gốc thường được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn. Tuy nhiên, tại những vị trí đó, tế bào gốc có số lượng không nhiều, nhất là nếu lấy từ máu ngoại vi. Tế bào máu cuống rốn thì phải lấy khi trẻ vừa sinh ra và phải lưu trữ lại. Tế bào gốc lấy từ tủy xương có số lượng cao hơn 2 vị trí trên nhưng lại khiến người bệnh đau đớn hơn vì thủ thuật xâm lấn nhiều. “Trong khi đó, mô mỡ là mô dự trữ tự nhiên trong cơ thể, là nơi dự trữ tế bào gốc, tế bào ở dạng ngủ và có số lượng tế bào gốc lớn hơn hàng ngàn lần so với tủy xương, không cần nuôi cấy và có thể khai thác nhiều lần.
 
Việc lấy một lượng mỡ nhỏ ra khỏi cơ thể, nhất là mỡ bụng là thủ thuật không khó, hầu như không để lại sẹo trên da bụng vì chỉ cần một vết rạch nhỏ dài 0,5cm, không gây đau nhiều cho bệnh  nhân. Hơn nữa, việc sử dụng tế bào gốc tự thân sẽ rất an toàn vì tế bào gốc mô mỡ tự thân là nguồn tự ghép, tránh được các phản ứng thải ghép của cơ thể”, PGS.TS. Mai Trọng Khoa nhấn mạnh.

Để điều trị cho hai bệnh nhân này, các bác sĩ đã lấy một lượng rất ít mỡ bụng của bệnh nhân. Mỡ được xử lý qua quá trình kỹ thuật để tách chiết ra tế bào gốc, được kích hoạt sau đó tiêm truyền trở lại trực tiếp vào khớp đã bị thoái hóa của người bệnh. Trường hợp của cụ B, các bác sĩ đã tiến hành tiêm tế bào gốc vào 2 khớp gối và 2 khớp háng. Tế bào gốc sau khi được tiêm vào khớp sẽ biệt hóa thành các tế bào sụn, kích thích mô tại chỗ phát triển... Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là giải quyết được tận gốc tổn thương sụn khớp vốn là nguyên nhân gây bệnh thoái khớp.

Sau khi được tiêm tế bào gốc tách chiết từ chính mỡ bụng của mình, bệnh khớp của 2 bệnh nhân đã tiến triển tốt. Sau một tháng thì đã đi lại tốt, giảm đau rõ rệt, đặc biệt không cần phải dùng thuốc giảm đau hàng ngày như trước kia.


Tiêm tế bào gốc vào khớp gối bệnh nhân.


Sẽ ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác

Để thực hiện thành công kỹ thuật này, BV đã có cả quá trình chuẩn bị công phu và kỹ càng hàng năm trời; sự tham gia phối hợp của nhiều chuyên khoa, đơn vị trong BV: Đơn vị Gen trị liệu thuộc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Khoa Cơ xương khớp, Khoa Gây mê hồi sức và nhiều khoa phòng khác.
 
Cũng theo PGS.TS. Mai Trọng Khoa, việc phát hiện sự tồn tại nguồn tế bào gốc trung mô đa năng trong mỡ đã mở ra tiềm năng to lớn trong ứng dụng điều trị để sửa chữa, phục hồi các khiếm khuyết ở các mô mỡ, cơ, cơ tim, xương, sụn, mạch hoặc nội mô, thần kinh, tuyến tụy hoặc nội tiết, gan, máu. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị một số bệnh như đái tháo đường, thoái hóa khớp, nhồi máu cơ tim, sa sút trí tuệ, viêm phổi mạn tính tắc nghẽn, xơ phổi, thẩm mỹ: nâng ngực, xóa nếp nhăn, chữa hói đầu…
 
Trong thời gian tới, ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân sẽ được BV Bạch Mai ứng dụng điều trị các bệnh đái tháo đường, luput ban đỏ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và thẩm mỹ... “Chúng tôi chọn điều trị thoái hóa khớp đầu tiên bởi đây là một bệnh lý rất phổ biến, hơn nữa, là kỹ thuật tiêm vào khớp gối không quá phức tạp và dễ đánh giá được kết quả điều trị. Bài học rút ra từ sự thành công này chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, cơ sở vật chất và đặc biệt là sự đồng tâm, phối hợp tốt giữa các chuyên khoa”, PGS.TS. Khoa nói.
 
Chi phí điều trị cho lần tiêm đầu tiên tế bào gốc mô mỡ tự thân là khoảng 70 triệu đồng. Hy vọng trong thời gian tới, nếu được bảo hiểm y tế hỗ trợ cùng chi trả thì nhiều bệnh nhân bị thoái hóa khớp sẽ có cơ hội được ứng dụng kỹ thuật này.
 

Phòng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp chính là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm kèm phản ứng viêm, giảm thiểu dịch nhầy bôi trơn điểm nối giữa hai đầu. Tỉ lệ mắc thoái hóa khớp nhiều nhất ở độ tuổi trên 50. Người dân ở nơi có khí hậu nóng ẩm cao; người thừa cân, tiền sử gia đình có người bị bệnh khớp và yếu tố nghề nghiệp như: cầu thủ, công nhân lao động chân tay... rất dễ mắc thoái hóa khớp.
 
Để phòng tránh bệnh, cần tập thể dục điều độ, hạn chế ăn nhiều chất béo, ngọt, giàu năng lượng nhằm tránh béo phì vì đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây tăng lực nén lên tổ chức khớp. Đi bộ rất tốt với người lớn tuổi, nhưng đi không đúng phương pháp, đi quá nhiều có nguy cơ thoái hóa khớp. Người 60 - 70 tuổi chỉ nên đi bộ 30 - 45 phút/ngày. Người trẻ hơn có thể đi bộ nhiều hơn, nhưng không nên lạm dụng.

Cần tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và làm việc hằng ngày như: Ngồi xổm, ngồi bó gối. Vận động xương khớp sau mỗi giờ lao động. Tránh các động tác mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng. Nếu công việc phải thường xuyên tiếp xúc với các tư thế dễ dẫn đến vi chấn thương thì cần mang đai, nẹp, đệm lót thích hợp với từng vị trí để triệt tiêu lực xóc từ đó tránh được sự phá hủy khớp. Ngoài ra, cần khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện sớm các bệnh như đái tháo đường, loãng xương, thống phong (gout),...để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng, trong đó có thoái hóa khớp.

Ảnh do PGS.TS. Mai Trọng Khoa cung cấp

Tin liên quan