Đây là thành công bước đầu trong liệu pháp gene mới chữa bệnh bạch cầu của Đại học Pennsylvania (Mỹ), được công bố đồng thời trên hai tạp chí y học lớn là New England Journal of Medicine và Science Translational Medicine, hôm qua.
"Liệu pháp cho kết quả tuyệt vời. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nó thành công như vậy", tiến sĩ Carl June, chuyên gia của đại học này nhận xét trên tờ ABC. "Chúng tôi mới thực hiện một năm. Cần tìm hiểu thêm tình trạng bớt bệnh này kéo dài được bao lâu".
Trong kỹ thuật mới, người ta biến tế bào máu của người bệnh thành những "kẻ ám sát", chuyên đi săn tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
|
Ảnh hiển vi do tiến sĩ Carl June cung cấp hôm 10/8 cho thấy tế bào miễn dịch T (màu nâu) được gắn với các chuỗi hạt màu vàng có tác dụng khiến cho các tế bào này phân chia. Sau đó, các chuỗi hạt màu vàng được loại bỏ, còn lại các tế bào T nguyên chất, sẵn sàng truyền vào người bệnh nhân ung thư. (Ảnh: AP) |
Nhiều năm trước, giới khoa học đã cố gắng tìm cách tăng hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Họ từng thử biến đổi gene của các tế bào T - "lính bảo vệ" của cơ thể - nhưng các tế bào được biến đổi không sinh sản và nhanh chóng biến mất.
Tiến sĩ June và cộng sự đã cải tiến kỹ thuật này, sử dụng một vật mang mới để cấy các gene mới vào tế bào T, sau đó "phát tín hiệu" để các tế bào này có khả năng tiêu diệt và nhân bản. Đích nhắm của chúng chính là các tế bào ung thư.
Tế bào T xưa nay vẫn tiêu diệt các virus theo cách này, nhưng đây là lần đầu tiên nó làm thế với các tế bào ung thư, June cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã mô tả chi tiết thí nghiệm trên một bệnh nhân 64 tuổi:
Không có thay đổi gì trong vòng 2 tuần, nhưng sau đó ông này bắt đầu ốm, ớn lạnh, ói mửa và sốt. Ông và 2 bệnh nhân khác rơi vào tình trạng thường xảy ra khi một lượng lớn các tế bào ung thư chết cùng lúc - một dấu hiệu cho thấy liệu pháp gene này đã có tác dụng.
"Nó giống như trận cảm cúm tồi tệ nhất trong cuộc đời họ. Nhưng sau đó, mọi việc đều ổn. Họ đã khỏe", June kể lại.
Biến chứng chủ yếu đối với kỹ thuật này là nó cũng đồng thời phá hủy một số tế bào máu có nhiệm vụ kháng bệnh khác, vì thế các bệnh nhân phải điều trị hàng tháng cho việc này.
Các chuyên gia khác đã đánh giá đây là phát hiện "khá ấn tượng", nhưng cũng lưu ý rằng quy mô nghiên cứu quá nhỏ, mới chỉ có 3 người. Điều quan trọng là họ cần biết tác dụng lâu dài của liệu pháp.
Sau thành công bước đầu với bệnh bạch cầu, nhóm nghiên cứu chuẩn bị để thực hiện trên các loại bệnh ung thư khác.