Kháng thể đơn dòng và hy vọng mới trong điều trị ung thư
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bệnh ung thư ngày càng gia tăng về số người mắc bệnh, thể loại bệnh cũng như mức độ nguy hiểm. Các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia đã tốn không ít công sức, tiền bạc dành tâm huyết nghiên cứu những phương cách mới nhất, hiệu quả nhất nhằm làm thuyên giảm hay kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh. Một trong những cách thức đó là điều trị trúng đích theo cá thể, đặc biệt đối với ung thư đại trực tràng, ung thư tế bào vẩy vùng đầu, cổ.
Mỗi người bệnh là một đích điều trị
Hiện nay, trong điều trị ung thư nói chung vẫn dựa vào các phương pháp kinh điển như phẫu thuật (ở giai đoạn sớm), xạ trị, hóa trị liệu (với các trường hợp ung thư lan rộng, khó lấy hết được khối u)... Việc sử dụng phương pháp ngoại khoa hay nội khoa, sử dụng phối hợp nhiều cách hay một cách ở những bệnh nhân cụ thể tại thời điểm nhất định còn phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh, cơ địa mỗi người bệnh. Điều trị trúng đích là một phần trong điều trị nội khoa ung thư. GS. Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: Dựa vào những nghiên cứu rất sâu về sinh học phân tử của tế bào ung thư, người ta phát hiện ra rằng, tế bào ung thư phát triển vô hạn độ do không nhạy cảm với các tín hiệu chống tăng trưởng, giảm nhạy với hiện tượng chết tế bào, phát triển và duy trì mạng mạch máu (tăng sinh mạch) xâm lấn và di căn. Và muốn phát triển được, tế bào ung thư phải có các thụ thể tác động trên bề mặt của tế bào. Có thể ví mỗi tế bào là một viên gạch của cơ thể, vỏ ngoài có những ăng-ten nhận tín hiệu tác động, chỉ huy vào các nhân tế bào, có các gen của ADN của tế bào, ADN quyết định tế bào có tiếp tục nhân lên, ngừng lại hay là chết. Qua đó tìm ra những hoạt chất như kháng thể đơn dòng (cetuximab, panitumumab...) tác động vào từng đích phân tử trên bề mặt tế bào hay các hàng rào dẫn truyền nhằm ngăn chặn tín hiệu hoặc ngăn chặn dẫn truyền với mục đích cuối cùng là làm cho tế bào không phát triển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ được coi là một phương pháp hỗ trợ để tăng thêm đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị khác, diệt tế bào ung thư nhưng nó cũng không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp mà có sự lựa chọn riêng. Kháng thể đơn dòng điều trị trúng đích đặc biệt có tác dụng trong điều trị ung thư có đột biến gen KRAS (trong ung thư đại trực tràng thể hoang dã) hay thụ thể EGFR.
Kháng thể đơn dòng trong điều trị ung thư đại trực tràng
BS. Wong Seng Weng- Giám đốc Y khoa, chuyên gia tư vấn về nội khoa và ung thư Singapore cho biết, mỗi năm có khoảng 1 triệu ca mắc mới ung thư đại trực tràng với tần suất tăng dần, tỷ lệ tử vong do bệnh cũng rất cao (khoảng 40-50%, có thể lên đến 70% ở các nước đang phát triển) nên nhu cầu tìm kiếm những điều trị mới tăng cao. Trong đó kháng thể đơn dòng sử dụng kết hợp với phương pháp điều trị ung thư khác như hóa trị được ví như là một liệu pháp điều trị đa mô thức nhằm cải thiện tình trạng bệnh, giảm tổng khối bướu, giảm triệu chứng, tăng thời gian sống còn, chuyển những trường hợp di căn thành mổ được. Ung thư đại trực tràng di căn đột biến KRAS (thể tự nhiên) được chứng minh rõ ràng với hiệu quả từ phương pháp này với tỷ lệ đáp ứng điều trị khoảng 60%, giảm nguy cơ tiến triển bệnh 32% (khi sử dụng kháng thể đơn dòng thể khảm IgG1). Để xác định đột biến KRAS và lựa chọn điều trị đích, người bệnh được làm một xét nghiệm riêng biệt, mẫu mô (có thể là mô tươi, mô đông lạnh hoặc cố định bằng paraffin) được gửi tới nơi xét nghiệm, nhà giải phẫu bệnh học xác nhận có mẫu ung thư và ADN mẫu được chuẩn bị để xét nghiệm KRAS, có thể sử dụng phản ứng PCR khuếch đại ADN và tìm đột biến này. Xét nghiệm KRAS có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn có điều trị trúng đích hay không vì có đến 60% số người mắc ung thư đại trực tràng có gen KRAS đột biến, nếu áp dụng điều trị đích theo cá thể sẽ không có tác dụng nhưng hiện xét nghiệm này vẫn chưa được thực hiện thường quy tại Việt Nam.
Và ung thư tế bào vẩy
GS. Anthony Chan - Chủ nhiệm Khoa Ung bướu lâm sàng - Đại học Y khoa Hồng Kông đã nghiên cứu nhiều bệnh nhân mắc ung thư tế bào vẩy vùng đầu cổ được điều trị bằng kháng thể đơn dòng kết hợp với hóa trị (liệu pháp điều trị đa mô thức) phát hiện ra rằng, kháng thể đơn dòng thể khảm IgG1 có tác dụng đặc hiệu kháng thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGFR) khi nó ngăn chặn con đường dẫn truyền tín hiệu liên quan đến kiểm soát sự sinh tồn của tế bào ung thư, làm chậm sự tiến triển của chu trình tế bào, giảm tạo mạch máu nuôi, ngăn chặn quá trình xâm lấn và di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan khác. Tuy nhiên, khi được điều trị, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như viêm miệng (hay niêm mạc), nuốt khó, khô miệng, ban da dạng mụn, mệt mỏi...
Bệnh ung thư khi được phát hiện thường ở giai đoạn rất muộn, có khi đã di căn xa nên việc áp dụng một biện pháp điều trị là chưa đủ, có thể cần phải kết hợp nhiều biện pháp trên cơ sở bệnh tích của người bệnh. Điều trị đích theo cá thể được áp dụng, có thể chỉ sử dụng cho một số trường hợp đã chứng minh hiệu quả khi làm giảm được triệu chứng, kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Hiện nay, do thuốc sử dụng trong điều trị trúng đích còn khá đắt nên phương pháp này mới được thực hiện tại một số bệnh viện ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên những bệnh nhân được lựa chọn kỹ lưỡng.