Ứng dụng tế bào gốc điều trị bàn chân đái tháo đường

Ngày đăng: 05/12/2012 Lượt xem 3648
Biến chứng bàn chân đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi ở người trưởng thành.

Đại đa số các tổn thương bàn chân dẫn đến cắt cụt chi đều xuất phát từ các ổ loét. Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường có loét bàn chân ngày càng tăng trong số bệnh nhân nội trú. Hiện có rất nhiều biện pháp đang được áp dụng nhằm điều trị các vết loét và giảm tỉ lệ tháo khớp hoặc cắt cụt chi ở bệnh nhân nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.

Với sự phát triển của các nghiên cứu, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị vết loét đang mở ra một phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn. Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh - TPHCM đã thử nghiệm điều trị thành công việc cấy ghép tế bào gốc tự thân cho một bệnh nhân bị hội chứng bàn chân đái tháo đường (diabetic foot syndrome).

Đó là trường hợp bệnh nhân T.N, 79 tuổi, từng điều trị đái tháo đường type 2 bằng insulin ngoại sinh. Bệnh nhân đến khám vì có một vết loét ở ngón chân cái, lộ gân xương (độ 5 theo phân loại Wagner), đã được điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng ghép tế bào gốc trung mô của chính mình (tự thân). Sau một tuần điều trị, tình trạng vết loét cải thiện rõ rệt, mô hạt mọc tốt và bệnh nhân đã không phải tháo khớp.

Hiện tại, sau hơn 4 tuần thực hiện ghép tế bào gốc, vết loét đã lành hoàn toàn. Kỹ thuật này cũng đã được ứng dụng thành công tại các nước ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…

Đây được coi là thành công bước đầu trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường, giúp bệnh nhân có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin liên quan