Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nên tập thể dục, có chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung các chất giúp tái tạo khớp để phòng và điều trị bệnh này.
Uống thuốc sai – Bệnh nặng thêm
Bác sĩ Nguyễn Mai Hồng - phó trưởng khoa xương khớp, BV Bạch Mai cho biết, bệnh xương khớp là nhóm bệnh gần như gắn liền với hệ thống miễn dịch của cơ thể, bệnh nhân khớp thường rất nhạy cảm với thay đổi khí hậu, thời tiết. Bên cạnh đó một số bệnh có thể xuất hiện cùng với thay đổi thời tiết như viêm nhiễm (thường là viêm họng, cảm cúm, rối loạn miễn dịch...) cũng gây ra triệu chứng đau nhức cơ khớp toàn thân. Điều này càng làm cho bệnh khớp sẵn có trở nên nặng nề và khó chịu.
Tại VN, bệnh thoái hóa khớp không chỉ chiếm đến 15% trong dân số, vấn đề còn ở chỗ thoái hoá khớp có thể phát triển ngay từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Đây là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh lý cơ xương khớp, chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Vì là bệnh phổ biến, nên nhiều bệnh nhân đã có quan niệm không đúng trong phòng và chữa bệnh, dẫn đến những tai biến nặng nề đến sức khoẻ và làm quá trình điều trị càng bị kéo dài. Ông Đinh Xuân Thách (xã Thanh Lương, Văn Chấn, Yên Bái) là một trong những trường hợp phải xuống tận Khoa xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai để điều trị là một trong những trường hợp như vậy. Bị viêm khớp từ năm 2005 khiến các khớp đau nhức và đi lại khó khăn, nhưng ông lại đi uống thuốc nam của một thày lang vườn. không đỡ, nên thấy ai mách ở đâu có thuốc hay, ông lại đến lấy về dùng. Càng uống càng đau, chân cứng và sưng tấy đỏ, gia đình ông phải đưa xuống BV Bạch Mai để điều trị. Qua 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh của ông thuyên giảm hẳn.
Giáo sư Trần Ngọc Ân – Chủ tịch Hội khớp học VN cho biết, rất nhiều bệnh nhân điều trị không đúng làm cho bệnh nặng thêm. Nguy hại nhất là quan niệm cho rằng cứ viêm đau khớp là uống, đắp thuốc nam. Một số thuốc đông dược và thuốc nam không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường đã được pha trộn corticoids và morphin. Bệnh nhân hết đau nhanh, nhưng hậu quả là bệnh không khỏi và nếu uống lâu, cơ thể tích nước, gây phù nề và các biến chứng khác.
Điều đáng nói thêm nữa là bệnh nhân khi đã được chẩn đoán bệnh thì thường có xu hướng lạm dụng thuốc trộn thuộc nhóm cortison (prednison, dexamethason...) dùng kéo dài, liều cao. Điều này cũng sẽ gây ra rất nhiều tai biến: Chảy máu và thủng dạ dày, lên cơn cao huyết áp, dễ nhiễm khuẩn, đái tháo đường, loãng xương, suy tuyến thượng thận, có thể dẫn đến tử vong.
Phòng và điều trị bệnh khớp mà không cần dùng thuốc
Bác sỹ Nguyễn Mai Hồng cho biết, để phòng ngừa và điều trị bệnh khớp thì những bệnh nhân khớp, đặc biệt là những người già nên có chế tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý như tập thể dụng đều đặn, vừa sức, không tăng áp lực cho khớp bằng các môn xe đạp, đi bộ, tập dưỡng sinh... Người bệnh nên có chế độ ăn cân đối. Không có chế độ ăn đặc biệt nào có thể làm giảm hoặc khỏi bệnh. Chế độ ăn uống liên quan chặt chẽ với loại bệnh viêm khớp như hạn chế đồ uống có cồn, tránh những món ăn làm tăng mỡ trong máu, tăng cường các loại trái cây, nhiều loại thức ăn chứa nhiều canxi và kali...
Có tới 100 loại bệnh khớp khác nhau, tuỳ từng cơ địa bệnh nhân sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Hiện nay, trên thế giới cũng chưa tìm ra một phác đồ để điều trị tận gốc căn bệnh này. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nên phòng ngừa căn bệnh này bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý. Khi đã bị bệnh, cần đến thăm khám ở cơ sở chuyên khoa lớn và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ.