Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bệnh nguy hiểm

Ngày đăng: 27/07/2010 Lượt xem 2377

Việc khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ rất tốt, nhất là đối với những bệnh nguy hiểm nhưng diễn tiến âm thầm. Thường với những bệnh này, bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng trong giai đầu, nên nếu không được khám phát hiện kịp thời để đến khi biểu hiện triệu chứng điển hình thì bệnh có thể ở vào giai đoạn muộn, không điều trị được hoặc khó điều trị và có thể để lại di chứng nghiêm trọng, gây tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, kinh tế cho bản thân, gia đình và cả xã hội.

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thì khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ là một việc làm khoa học và có trách nhiệm đối với sức khoẻ cũng như tính mạng của mỗi người. Qua khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, bác sĩ có thể tư vấn về các phương pháp bảo vệ sức khoẻ như thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, làm việc, cải tạo môi trường sống, bảo hộ lao động, luyện tập thể dục, thể thao… cũng như cách theo dõi, phương pháp điều trị trong trường hợp mắc bệnh.

Khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ có thể khác nhau về thời gian, cách thăm khám, các xét nghiệm đi kèm tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, tiền sử bệnh tật của bản thân, nguy cơ về gia đình... Tuy nhiên, nói chung nên khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất mỗi năm một lần; riêng đối với những người làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, lớn tuổi… thì nên khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất làm việc và cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

Trong khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ thường có:

- Đo chiều cao, cân nặng, bắt mạch, lấy nhiệt độ, đo huyết áp, khám tổng quát.
- Xét nghiệm công thức máu.
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Chụp X quang tim phổi.
- Siêu âm tổng quát…

Sau đó, tuỳ theo những đặc điểm riêng của từng cá nhân như đã kể trên mà bác sĩ thăm khám có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm khác như:
- Điện tâm đồ, siêu âm tim.
- Đường máu.
- Lipid máu.
- Chức năng gan thận.
- Đo mật độ xương.
- Siêu âm ngực, chụp nhũ ảnh.
- Phết tế bào âm đạo (Pap’s), soi cổ tử cung.
- Xét nghiệm phân và soi trực tràng.
- Thử PSA...
Và trong một số trường hợp cần thiết, có thể bác sĩ thăm khám sẽ đề nghị bác sĩ chuyên khoa khám thêm hoặc hội chẩn các bác sĩ.

Một số bệnh nguy hiểm thường gặp và những đề nghị về khám kiểm tra định kỳ:
\"\"


Những người lớn tuổi có nguy cơ bị cao huyết áp tăng cao so với thời trẻ, do đó nên thường xuyên kiểm tra huyết áp.

Cao huyết áp

Cao huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90 mmHg.
Cao huyết áp thường gây tai biến loại nhẹ là co thắt mạch máu não. Trong trường hợp nặng có thể gây:
- Suy tim.
- Suy thận.
- Biến chứng thuyên tắc mạch.
- Tai biến mạch não: xuất huyết não, liệt nửa người, hôn mê hay nặng hơn có thể tử vong.

Do đó, những người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp ít nhất 6 tháng một lần và từ 50 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp thường xuyên vì nguy cơ bị cao huyết áp tăng lên nhiều mặc dù trước đây người đó có huyết áp bình thường. Đặc biệt chú ý kiểm tra huyết áp hơn nếu có yếu tố nguy cơ cao huyết áp như:
- Hút thuốc lá, thuốc lào.
- Tiểu đường.
- Rối loạn lipid máu.
- Tiền sử gia đình có người bị cao huyết áp.
- Lớn tuổi.
- Thừa cân, béo phì.
- Ăn mặn.
- Uống nhiều bia, rượu.
- Ít vận động thể lực.
- Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức)…

Béo phì

Béo phì dễ cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, hay bị các rối loạn dạ dày, ruột, sỏi mật.
Ở phụ nữ mãn kinh, nguy cơ ung thư túi mật, ung thư vú và tử cung tăng lên ở người béo phì. Còn ở nam giới béo phì thì hay bị bệnh ung thư thận và tiền liệt tuyến hơn.
Ngoài ra, béo phì còn gây những tác hại như:
- Giảm vẻ đẹp con người.
- Mất thoải mái trong cuộc sống: thường cảm thấy mệt mỏi toàn thân, hay nhức đầu, tê buốt ở hai chân.
- Giảm hiệu suất lao động.
- Kém lanh lợi nên dễ bị tai nạn xe cộ cũng như tai nạn lao động…

Béo phì kéo theo rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường... Ảnh: Getty images.

Kiểm tra chiều cao và cân nặng có thể biết được chỉ số khối cơ thể (BMI):

BMI = W
(H)2
W: cân nặng (kg)
H: chiều cao (m)
BMI = 20 – 25: bình thường đối với người châu Âu và châu Mỹ; 18,5 – 23 đối với người châu Á.
BMI > 25: thừa cân.
BMI > 30: béo phì.
Bên cạnh đó cần theo dõi thêm tỷ số vòng bụng/ vòng mông, nếu tỷ số này vượt quá 0,9 ở nam giới hoặc 0,8 ở nữ giới thì nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường đều tăng lên.

Tiểu đường

Người bị kết luận là có bệnh tiểu đường khi đường máu lúc đói ≥ 126 mg/dl (≥ 7mmol/l), thử ít nhất 2 lần liên tiếp; đường máu sau ăn hoặc bất kỳ ≥ 200 mg/dl (≥ 11,1 mmol/l).

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, mù mắt, tổn thương gan, suy thận, liệt dương, hoại thư…

Cần xét nghiệm đường máu và có thể xét nghiệm thêm đường niệu để phát hiện tiểu đường khi nghi ngờ hoặc khi có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như:
- Béo phì.
- Có người trực hệ bị tiểu đường. (Di truyền)
- Khát nước bất thường, tiểu nhiều, sụt cân nhiều mà không giải thích được lý do.
- Nhiễm nấm tái phát nhiều lần.
- Lớn tuổi…

Rối loạn lipid máu

Các loại apoprotein và lipoprotein trong máu đều có thể định lượng. Tuy nhiên, trong lâm sàng chỉ có 4 thành phần thường xuyên được định lượng và đánh giá trong chẩn đoán và điều trị là: cholesterol toàn phần, HDL (high density lipoprotein), LDL (low density lipoprotein) và triglycerid.

Trong 4 thành phần trên có đến 3 thành phần gây hại là cholesterol toàn phần, LDL và triglycerid nhưng chỉ có 1 thành phần bảo vệ là HDL. Bình thường, cơ thể luôn có sự cân bằng giữa hai quá trình gây hại và bảo vệ. Khi có rối loạn 1 trong 4 thành phần trên, hoặc rối loạn nhiều thành phần thì gọi là rối loạn lipid máu (như khi có tăng thành phần gây hại và giảm thành phần bảo vệ hoặc đôi khi không có tăng thành phần gây hại nhưng có giảm thành phần bảo vệ).

Rối loạn lipid máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, xơ mỡ động mạch…

Nên kiểm tra lipid máu khi 40 tuổi trở lên và nhất là khi có yếu tố nguy cơ như:
- Tiền sử có bệnh mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim.
- Tai biến mạch não.
- Cao huyết áp.
- Tiểu đường.
- Hút thuốc lá.
- Béo phì…

Loãng xương:

Loãng xương có thể gây ra những tác hại như:
- Dễ bị gãy xương tại: cổ xương đùi, xương cẳng tay.
- Còng lưng do cột sống bị sụp, đau lưng.

Những người có các yếu tố làm tăng nguy cơ bị loãng xương và cần đo mật độ xương định kỳ là:
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh.
- Người nhỏ bé.
- Tiền sử gia đình có người bị loãng xương.
- Mãn kinh sớm (nguyên nhân tự nhiên hay do cắt buồng trứng).
- Uống nhiều Corticoides (điều trị hen suyễn, thấp khớp…).
- Ăn uống ít Calcium.
- Uống nhiều rượu.
- Hút thuốc lá.
- Ít vận động.
- Thiếu Estrogen.

Ung thư cổ tử cung:

Ung thư cổ tử cung chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loại ung thư và cũng là loại ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư ở cơ quan sinh dục nữ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung là:
- Giao hợp sớm trước 17 tuổi.
- Quan hệ tình dục với nhiều người.
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Viêm sinh dục do virus Herpès simplex II, HPV.
- Các bệnh lây lan qua đường tình dục khác.
- Suy giảm miễn nhiễm, yếu tố nội tiết.
- Nghiện thuốc lá, ăn uống thực phẩm thiếu sinh tố A, acid folic…

Những người đã có quan hệ tình dục, đặc biệt là những người có rong huyết sau giao hợp và những người có các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung nên khám phụ khoa, phết tế bào âm đạo (Pap’s) định kỳ. Nếu cần thì phải soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Ung thư vú:

Ảnh minh họa: Getty images.

Việc truy tầm phát hiện sớm các khối u ác tính ở vú sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho loại ung thư này.

Lịch truy tầm các khối u ác tính ở vú được đề nghị như sau:
- Tự khám vú đều đặn từ 20 tuổi trở đi.
- Tất cả các cuộc khám sức khoẻ định kỳ phải bao gồm cả việc khám vú một cách đầy đủ và phải được khám mỗi năm một lần sau 35 tuổi.
- Chụp nhũ ảnh:
+ Lần đầu tiên lúc 35 – 39 tuổi.
+ Từ 45 – 49 tuổi, chụp mỗi 1 – 2 năm một lần tuỳ theo các yếu tố nguy cơ của người phụ nữ.
+ Mỗi năm một lần cho phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú:

- Đã bị ung thư ở vú bên kia (nguy cơ tăng gấp 5 – 6 lần).
- Trong gia đình có người bị ung thư vú, nhất là mẹ, chị, em gái (nguy cơ tăng gấp 3 – 5 lần).
- Có tổn thương lành tính ở tuyến vú (nguy cơ tăng gấp 3 – 5 lần).
- Không sinh đẻ, sinh lần đầu tiên trên 30 tuổi (nguy cơ tăng gấp 3 lần).
- Không cho con bú mẹ (nguy cơ tăng gấp 2 lần).
- Đời sống kinh tế xã hội cao (nguy cơ tăng gấp 2 lần).
- Thường xuyên bị stress (nguy cơ tăng gấp 2 lần).
- Béo phì (nguy cơ tăng gấp 2 lần).
- Có kinh lần đầu sớm và mãn kinh muộn (nguy cơ tăng gấp 1,5 lần).
- Chu kỳ không rụng trứng.

Ung thư đại trực tràng

Là ung thư gây tử vong nhiều nhất ở các nước phát triển và là loại ung thư hay gặp ở nam giới.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng:

- Ăn ít chất xơ, rau quả; ăn nhiều thịt, chất béo.
- Không vận động, ngồi suốt ngày.
- Bướu ruột (polype).
- Viêm đường ruột như bệnh Crohn’s, viêm đại tràng có loét…
- Ung thư vú, ung thư tử cung.
- Cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng.

Những người từ 50 tuổi trở lên, nhất là nếu có đi tiêu ra máu, hoặc những người có yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng nên xét nghiệm phân và nội soi trực tràng, đại tràng chậu hông, có thể làm nội soi cả đại tràng khi cần để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng nếu có.

Ung thư tiền liệt tuyến

Ảnh minh họa: Getty images.

Ung thư tiền liệt tuyến chiếm 10% các ung thư ở nam giới. Đây là một bệnh nan y nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị triệt để thì có thể kéo dài thêm thời gian sống của bệnh nhân.

Vì vậy, nam giới trên 50 tuổi nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến hàng năm (khám tiền liệt tuyến, xét nghiệm PSA trong máu, siêu âm bụng hoặc siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng). Việc khám và tầm soát ung thư tiền liệt tuyến càng cần thiết hơn nhất là khi thấy có những dấu hiệu rối loạn tiểu tiện như són tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt, đi tiểu chậm... và có thể tầm soát sớm hơn khi có yếu tố nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến như:
- Lớn tuổi (tuổi càng cao càng dễ bị ung thư tiền liệt tuyến).
- Có ông, cha, anh, em trai ruột bị ung thư tiền liệt tuyến.
- Tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
- Ăn nhiều thịt, mỡ động vật.
- Chỉ số BMI cao, đã thắt ống dẫn tinh từ 20 năm trở lên, thiếu sinh tố D, phì đại tiền liệt tuyến, hoạt động tình dục nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến…

Tin liên quan