Bệnh và tai biến thường gặp trong dịp Tết

Ngày đăng: 06/02/2010 Lượt xem 2201

Đối với người lớn

Tăng huyết áp: do phải tiếp khách nhiều, ăn uống thất thường, được mời uống nhiều trà, rượu, hút thuốc lá. Cơn cao huyết áp có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, co thắt mạch vành. Khi có người bị các tai biến trên, cần đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất, không được cạo gió, cắt lễ.

Viêm loét dạ dày - tá tràng: hay xuất hiện trong dịp Tết do ăn uống không điều độ, dùng nhiều chất kích thích, bia rượu. Bệnh có thể gây biến chứng cấp tính (như chảy máu hoặc thủng dạ dày - tá tràng), đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh gút: nhiều người lên cơn gút cấp do ăn nhiều thịt, uống nhiều bia rượu.

Đối với trẻ em

Nôn: trong dịp Tết, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị nôn là ăn quá nhiều, dị ứng thức ăn (phẩm màu, gia vị...). Nôn cũng có thể là biểu hiện của các bệnh đường tiêu hóa (viêm dạ dày - ruột, viêm màng não, u não, áp-xe não, tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa), dị tật đường tiêu hóa (như hẹp thực quản) hoặc rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn co bóp dạ dày.

Tiêu chảy cấp: đây là biểu hiện viêm ruột non cấp tính do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn. Bệnh khởi phát đột ngột, trẻ thường bị nôn, sau đó tiêu chảy, sốt, đau bụng, bụng đầy hơi. Bệnh gây mất nước, rối loạn điện giải, có trường hợp tiến triển thành mạn tính.

Sốc phản vệ: thường bắt đầu từ đau bụng hoặc co thắt khí - phế quản, gây khó thở, suy hô hấp... Sốc xảy ra có thể do côn trùng cắn, tiêm kháng sinh, truyền dịch hoặc dị ứng thức ăn... Nếu phát hiện sớm hiện tượng sốc phản vệ, có thể điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc đặc hiệu.

Để ăn Tết được vui tươi, đầm ấm, không để các bệnh xảy ra, mọi người nên phân bố thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và ăn uống một cách hợp lý, điều độ. Những người đã mắc sẵn chứng bệnh nào đó nên để ý phát hiện sớm các triệu chứng đáng nghi ngờ (chẳng hạn như nhức đầu có thể là dấu hiệu tăng huyết áp). Nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc và điều trị bệnh

Tin liên quan