Nấm mọc trong phổi!

Ngày đăng: 09/02/2010 Lượt xem 3484


Năm 1856, Virchow, một bác sĩ làm công tác giải phẫu bệnh đã nghiên cứu về bệnh nấm phổi ở người. Có nhiều loại nấm gây bệnh trên phổi, trong đó thể nhiễm nấm được nhiều người chú ý nhất là nấm phổi do aspergillus gây nên. Đến năm 1952, Hinson và các cộng sự của mình đã sắp xếp bệnh nấm aspergillus ở phổi thành ba thể lâm sàng chính: dị ứng, xâm lấn và hoại sinh. Trong đó thể hoại sinh thường khu trú trong các hang lao có từ trước đó và tạo thành u nấm. Theo y văn thế giới, bệnh u nấm phổi đang ngày càng tăng cùng với sự sử dụng rộng rãi các loại thuốc hoá trị liệu và ức chế miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư và ghép nội tạng.

 

Ai là người dễ bị nấm phổi?

 

Tất cả các loại thường gặp của nấm aspergillus gây bệnh cho người đều có ở khắp nơi trong môi trường sống. Chúng mọc trên những lá cây rụng, các loại hạt thực vật như lúa, ngô…; trong các đống cỏ khô và các loại thực vật bỏ làm phân. Con người rất hay hít phải bào tử của nấm, nhưng lại ít khi bị bệnh. Phần lớn những người bị bệnh đều có cơ địa suy giảm miễn dịch do bệnh hay do dùng thuốc điều trị bệnh.

 

Ở Việt Nam, bệnh thường thấy nhất ở những bệnh nhân bị lao phổi tạo hang, điều trị lâu dài bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticoide, azathioprine và các thuốc chống ung thư… Ngoài ra bệnh cũng hay bắt gặp ở những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Ở những bệnh nhân này, nhất là vào giai đoạn cuối, cùng với tiêu chảy, lao phổi tiến triển dạng lao kê là tình trạng nhiễm nấm toàn thân. Trong đó đa phần là do nấm candida và aspergillus. Một số trường hợp u nấm aspergillus phát triển trên những bệnh nhân bị bệnh phổi mãn tính trước đó, ngoại trừ bệnh lao, như: bệnh sacoide, dãn phế quản, dãn phế nang, ung thư phổi có hoại tử trung tâm và tạo hang, kén khí phổi… Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân cần phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, các bác sĩ cũng đã mổ cho nhiều trường hợp vừa có u nấm phổi vừa bị ung thư phổi.

 

Khi hít phải số lượng lớn bào tử nấm, người bình thường chỉ có thể bị viêm phổi cấp tính lan toả và thường tự khỏi, không để lại di chứng gì đặc biệt sau vài tuần. Chỉ ở những bệnh nhân bị lao phổi, nấm aspergillus mới có thể mọc trên các cây phế quản bị tổn thương, trên các nang phế quản hoặc trong các hang lao.

 

Các triệu chứng thường gặp

 

Có một số bệnh nhân bị u nấm phổi có thể tồn tại nhiều năm mà không có triệu chứng gì về lâm sàng, số lượng những bệnh nhân này chiếm từ 18-22% theo y văn. Bệnh nhân thường có các triệu chứng cơ năng của bệnh phổi mãn tính sẵn có. Trong đó phần lớn đều có các triệu chứng khá điển hình và đặc hiệu như: sốt (thường người bệnh sốt không cao, không liên tục mà thành từng đợt, có những thời gian không bị sốt. Sốt là biểu hiện của tình trạng dị ứng với nấm, hiếm khi sốt kéo dài, suy kiệt hoặc sụt cân); khạc đàm rất nhiều (khạc đàm thường là do bệnh đi kèm hơn là do u nấm. Trong đàm có thể tìm thấy các tế bào nấm nếu mang đi xét nghiệm bằng cách soi tươi và quan sát dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, có thể các tế bào nấm này lại có nguồn gốc của nhiễm nấm từ đường tiêu hoá). Khó thở cũng là triệu chứng của các bệnh đi kèm như lao, dãn phế quản, ung thư phổi…gây suy giảm chức năng hô hấp.

 

 Đặc biệt, ho và ho ra máu là triệu chứng nổi bật đặc trưng nhất của bệnh. Ho thường dai dẳng, trong đó có tới 95% các trường hợp là ho ra máu từ số lượng ít có dính đàm, đến nhiều có thể gây tử vong. Trong số này, 20% ho ra máu tái phát nhiều lần và ho ra máu với số lượng từ trung bình đến rất nhiều. Một số bệnh nhân bị ho ra máu kiểu sét đánh, tức là ho nhiều ồ ạt do tổn thương các mạch máu của phổi vì tế bào nấm ăn lan vào. Ho ra máu là một triệu chứng làm bệnh nhân rất lo lắng và là chỉ định chính để can thiệp phẫu thuật.

 

Phẫu thuật là điều trị bắt buộc

 

Ở một số bệnh nhân, các bác sĩ nội khoa có thể sử dụng thuốc kháng nấm toàn thân để điều trị, hoặc dùng thuốc kháng nấm bơm vào hang nấm bằng một ống thông đặt xuyên qua da. Thuốc thường dùng là Amphotericin B, tuy nhiên kết quả không được là bao và vẫn chưa được công nhận trong y văn. Hơn thế nữa thuốc Amphotericin B rất độc đối với bệnh nhân nên hiện nay hầu như không còn được áp dụng.

 

Bơm tắc mạch để cầm máu: phương pháp này áp dụng trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân bị ho ra máu ồ ạt kiểu sét đánh. Mặc dù chưa được chẩn đoán xác định vẫn có thể chụp mạch máu chọn lọc và bơm chất gây tắc mạch để cứu sống bệnh nhân. Động mạch được làm tắc thường là động mạch phế quản cung cấp máu để nuôi phổi. Thủ thuật này chỉ được thực hiện ở những bệnh viện lớn có trang bị máy chụp X-quang động mạch kỹ thuật số. Kết quả là cầm máu được từ 80 – 90% các trường hợp, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể chảy máu lại, chỉ có 10 – 25% các trường hợp không bị ho ra máu tái phát. Do vậy, khuynh hướng hiện nay trên thế giới là chỉ dùng thủ thuật này trong những trường hợp cấp cứu.

 

Phẫu thuật cắt phổi: là một điều trị bắt buộc, phần lớn các chuyên gia đều chủ trương khi đã phát hiện u nấm thì phải cắt phổi dự phòng. Trong khi đó một số khác đề nghị chỉ cắt phổi trong những trường hợp có ho ra máu. Vì những lý do thường gặp trong phẫu thuật như nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao, do phổi bị các tổn thương mãn tính. Với những phẫu thuật viên có kinh nghiệm, lượng máu mất vẫn có khi lên đến cả 1.000ml, tức là bốn đơn vị. Chính vì vậy, không phải bác sĩ phẫu thuật nào cũng thích mổ u nấm phổi.

 

Mục đích chính của cuộc mổ là cắt đi một phân thuỳ, một thuỳ phổi hay một phần phổi có giới hạn là nguồn gốc làm cho bệnh nhân ho ra máu. Phần phổi được cắt cũng phải thật giới hạn nhằm bảo tồn chức năng hô hấp cho bệnh nhân sau mổ. Việc cắt toàn bộ một lá phổi chỉ được dùng trong những trường hợp tổn thương lan toả, u nấm lan rộng khắp một bên phổi, hoặc tổn thương lao đã huỷ hoại toàn bộ phổi xung quanh u nấm.

 

Khó tránh nguồn lây bệnh

 

Aspergillus là một loại nấm gây bệnh cơ hội, nghĩa là thường gây bệnh trên phổi vốn đã mang sẵn bệnh lý và cơ thể thiếu sức đề kháng. Nấm aspergillus có thể tồn tại khắp nơi trong mọi điều kiện, do đó việc vô tình tiếp xúc với nấm là khó tránh khỏi. Cách dự phòng có thể thực hiện là giữ cho cơ thể không bị suy giảm sức đề kháng, như tập luyện thể dục thể thao, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp. Khi lao động, tập luyện hay thực hiện các hoạt động có tiếp xúc với đất, cát, bụi bẩn... cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa việc hít phải nấm gây bệnh. Đối với người có cơ địa thuận lợi cho sự nhiễm nấm, nên đi khám định kỳ và chụp phim X-quang sớm khi thấy có triệu chứng bất thường để có thể phát hiện và điều trị kịp thời. Với phim chụp phổi thông thường cho phép chẩn đoán được đến 90% các trường hợp.

Tin liên quan