Chất gây ung thư trong một loại đông dược
Trong 57 mẫu chi tử được thu mua ngẫu nhiên tại phố thuốc bắc Lãn Ông và Ninh Hiệp (Hà Nội), khu vực đầu mối các loại dược liệu miền Bắc, cho thấy có đến 25 mẫu chứa rhodamine B.
Rhodamine B là hóa chất có tác dụng nhuộm màu nhưng bị cấm dùng tuyệt đối trong thực phẩm. Nó có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da. Với hàm lượng nhất định, rhodamine B còn là tác nhân gây ung thư.
Theo bà Mai, một chủ hàng thuốc bắc trên phố Lãn Ông, chi tử trên thị trường có hai loại, loại nhuộm màu giá rẻ 65.000 đồng/kg và loại nguyên chất có giá cao hơn, khoảng 70.000 đồng/kg.
Chi tử (ở VN gọi là quả dành dành) chủ yếu được dùng trong các bài thuốc đông y nhằm thanh nhiệt, cầm máu, điều trị bệnh vàng da do sốt và tiểu ít. Nhiều người còn thường xuyên mua chi tử về sắc uống nhằm chữa các chứng mụn nhọt do nóng. Bà Mai khẳng định việc nhuộm màu chủ yếu được thực hiện với hàng chi tử loại xấu.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phạm Thị Giảng, trưởng phòng đông dược Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, rhodamine B là chất nhuộm màu có tác dụng phát quang nên ngoài tác dụng làm đẹp, tân trang cho dược liệu, nó còn phát sáng vào buổi tối, tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn, côn trùng, sâu bọ.
Bà Giảng cho hay 90% mẫu chi tử nhuộm rhodamine B có thể phát hiện được bằng mắt thường. Chi tử nguyên chất có màu vàng nâu nhạt, còn dược liệu đã nhuộm chất độc thường ngả sang màu đỏ sẫm. Điều đáng nói trong tất cả mẫu chi tử mà viện thu mua ngẫu nhiên, không có mẫu nào xác định được nguồn gốc rõ ràng của dược liệu.