Vừa qua, Khoa Hồi sức của BVđã tiếp nhận trường hợp cháu Ph. Th. M. (4 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) với các triệu chứng hôn mê, khó thở, tím tái. Khai thác bệnh lý cho thấy cháu M. đang hoàn toàn khỏe mạnh thì đột ngột nôn ói nhiều lần, sốt nhẹ, tiêu lỏng 1-2 lần.
Người nhà nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc cho cháu uống 2 ngày. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, bệnh tình của cháu chẳng những không bớt, mà còn biểu hiện nặng hơn, mê man, khó thở… Khi đưa vào bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận cháu đã hôn mê, thở nhanh sâu, tím tái, có dấu hiệu mất nước, môi khô, mắt trũng, da khô.
Xét nghiệm cấp cứu tìm nguyên nhân hôn mê cho thấy đường huyết của bệnh nhân rất cao 1.000mg% (bình thường 80-120mg%), đường niệu, ketone niệu dương tính và xét nghiệm khí máu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa nặng nên được chẩn đoán hôn mê nhiễm toan cetone máu/đái tháo đường.
Ngay lập tức cháu được điều trị đặc hiệu bằng insulin tác dụng nhanh truyền tĩnh mạch, bù dịch thay thế lượng nước mất, hỗ trợ hô hấp thở máy, điều chỉnh điện giải. Đến nay, sau hơn 10 ngày điều trị, tình trạng cháu đã tạm ổn định, cai được máy thở, tỉnh táo.
Thông qua trường hợp của cháu M., các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, nếu các bậc phụ huỳnh phát hiện thấy con em mình mắc các triệu chứng như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân thì đưa các cháu đến cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để khám và chẩn đoán điều trị kịp thời.